Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm Logistics quốc tế Trùng Khánh - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Chiều 8-11, trong chương trình công tác tại Trùng Khánh (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm Logistics quốc tế Trùng Khánh, Trung Quốc và đón chuyến tàu nhanh ASEAN xuất phát từ Hà Nội tới đây.
Đường sắt liên vận kết nối đi các nước
Đây là khu trung tâm logistics quốc tế với cảng cạn Trùng Khánh có sự tham gia của gần 30 công ty vận tải quốc tế chọn làm cửa ngõ để thâm nhập vào nội địa Trung Quốc. Cảng có ưu thế về "tập trung hóa, xanh hóa, số hóa, thông minh hóa".
Hiện nay tuyến đường trên bộ, trên biển mới đã kết nối Trùng Khánh với Việt Nam bằng nhiều hình thức như: liên vận đường sắt - đường biển, đường sắt xuyên biên giới, đường bộ xuyên biên giới.
Cảng cạn Trùng Khánh liên kết với 14 kho bãi ngoại quan tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... để phát triển kết hợp logistics, thương mại các ngành nghề và tài chính.
Đánh giá cao vị trí chiến lược và vai trò của Trung tâm Logistics Trùng Khánh trong việc kết nối giao thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên tiếp tục tăng liên kết với Việt Nam, cả đường bộ, đường thủy, đường sắt.
Đặc biệt là tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam qua Trùng Khánh, Trung Quốc tới Trung Á và châu Âu để khai thác thị trường đầy tiềm năng nhưng đang khó khăn về vận tải.
Thủ tướng đón chuyến tàu nhanh ASEAN tới Trung Quốc để xuất khẩu sang châu Âu - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Nâng cấp đầu tư, tăng kết nối đường sắt
Theo Thủ tướng, vận tải đường sắt có ưu thế dung hòa được cả hàng không và đường thủy. Thời gian hàng hóa lưu chuyển không quá lâu nhưng cước không quá cao, lại an toàn, nên các bên cần khẩn trương đầu tư nâng cấp, tăng kết nối đường sắt để tháo gỡ nút thắt về vận tải tới Trung Á, châu Âu.
Với quan điểm coi trọng thời gian, trí tuệ và kết nối, Thủ tướng đề nghị mở lại "con đường tơ lụa" trong thời đại mới, kiến tạo tương lai, hợp tác cùng có lợi. Từ đó mở ra hành lang thương mại mới, không chỉ Việt Nam - Trung Quốc mà cả ASEAN và Trung Á và châu Âu.
Cùng với đó, đề nghị các bạn Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, phát triển logistics, thúc đẩy thương mại và các ngành nghề liên quan để hàng hóa của Việt Nam tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc và đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi nước thứ ba, nhất là Trung Đông, châu Âu.
Với lợi thế về vị trí địa lý, Việt Nam có chiến lược phát triển thành trung tâm trung chuyển cả hàng không và đường thủy, với các sân bay, cảng biển lớn đã, đang và sẽ được đầu tư.
Vì vậy Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển logistics vừa là yêu cầu, vừa là tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, mong muốn phía Trung Quốc hợp tác, hỗ trợ về tài chính, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị và hoàn thiện thể chế… giúp Việt Nam phát triển các trung tâm logistics tương tự.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - đơn vị thực hiện vận chuyển các chuyến tàu liên vận đưa hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước thứ ba - thông tin đây là chuyến khởi hành đầu tiên của đoàn tàu Á - Âu trong ASEAN Express (tuyến đường sắt chở hàng kết nối 3 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Thái Lan và Lào với nhau và với Trung Quốc.)
Chuyến tàu gồm hàng hóa trong các nước ASEAN quá cảnh qua Việt Nam và hàng hóa của Việt Nam được vận chuyển từ 6 ngày trước, là những linh kiện xe máy, hàng điện tử, đồ chơi của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam xuất khẩu đi châu Âu.
Các container này sẽ được nối vào các đoàn tàu Á - Âu xuất phát tại Trùng Khánh đi tới điểm cuối là các thành phố ở châu Âu. Việc vận chuyển bằng đường sắt giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa so với đường biển và có mức giá cước thấp hơn nhiều đường hàng không.