Chuyên mục  


Chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Như Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đây cũng là lần đầu bà đăng đàn từ khi nhậm chức.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn chiều 8/6. Ảnh: Hoàng Phong

Vấn đề bà Hồng được hỏi nhiều nhất tại nghị trường xoay quanh chính sách tín dụng.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng an ninh, cho rằng hiện nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp khá cao, nhưng nhiều ngân hàng hết hạn mức "room" tín dụng. Nhiều nhà băng xin Ngân hàng Nhà nước cho phép nới hạn mức tín dụng. Ông đề nghị Thống đốc cho biết tính hợp lý của việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại. "Cơ chế này có phải là can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không? Khả năng nới hạn mức tín dụng sắp tới ra sao", ông nói.

Vấn đề này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lần đầu tiên Quốc hội chất vấn và "là câu hỏi rất hay". Ông đặt thêm vấn đề, việc này có mang tính hành chính không và khi nào bỏ được việc phân bổ "room" này. Ông đề nghị Thống đốc trả lời thoả đáng bởi bản thân các ngân hàng cũng rất quan tâm.

Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: Media Quốc hội

Khi giải trình, bà Nguyễn Thị Hồng nêu thực tế, vốn đầu tư dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng. Dư nợ tín dụng trên GDP hiện ở mức 24%, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nằm trong số nước có hệ số tín dụng ở mức cao nhất thế giới.

"Kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, khi có biến động, sản xuất, kinh doanh gặp khó sẽ lập tức ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng. Ngân hàng mất khả năng chi trả sẽ gây hệ luỵ cho nền kinh tế.

Thường hằng năm trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát, GDP, nhà điều hành đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước phân loại các ngân hàng, nơi nào lành mạnh thì được phân bổ "room" tín dụng cao hơn.

Việc cấp hạn mức tín dụng được áp dụng từ năm 2011 do nhận thấy là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại. Trước đây, khi chưa cấp "room" này, nhiều ngân hàng tăng trưởng rất cao, tới 30%, cá biệt có năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng tới 53,8%, tạo ra cuộc đua lãi suất huy động tiền cho vay.

"Đây là giải pháp hiệu quả thời gian qua và hiện vẫn áp dụng khi hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, tiếp cận chuẩn mực quốc tế", bà nói.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Thống đốc, ông Trịnh Xuân An tranh luận. Theo ông, cơ chế cấp hạn mức tín dụng này mang dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp, không còn phù hợp bối cảnh hiện nay.

"Cấp hàng năm thì năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết thì ngân hàng lại phải đi xin. Trong bối cảnh đang triển khai gói 2% của 40.000 tỷ đồng, ngân hàng muốn cho vay cũng khó, tức là có tiền mà không cho vay được", ông phân tích.

Nếu cơ chế bất cập thì "có nên thực hiện thời gian tới nữa hay không? Không biết trên thế giới còn nước nào cấp quota như Việt Nam hay không", ông An nói.

Vì sao kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng cho vay bất động sản cũng được chất vấn nhiều.

Đại biểu Lê Thanh Vân nêu câu hỏi, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Siết chặt tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó mua nhà giá rẻ như mong muốn.

Giải trình, bà Hồng nhắc lại bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài, nên tiềm ẩn rủi ro về chi trả, chênh lệch kỳ hạn. Vốn ngân hàng 80% là vốn ngắn hạn trong khi vốn cho vay bất động sản là dài hạn. Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định kiểm soát, như cho vay kinh doanh bất động sản phải có hệ số điều chỉnh rủi ro 200%. Còn các khoản có thế chấp bằng tài sản là bất động sản giao động từ 30-150%. Tùy theo nhận diện rủi ro mà tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé thì chất vấn giải pháp việc cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. Về việc này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có khuôn khổ pháp lý để các ngân hàng tham gia và phải kiểm soát được rủi ro. Ví dụ, các ngân hàng không được trực tiếp mua cổ phiếu của doanh nghiệp mà phải lập công ty con, công ty liên kết để mua. Nếu tổ chức tín dụng trực tiếp mua sẽ có rủi ro về chi trả khi người dân rút tiền. Khi lập công ty con, công ty liên kết để mua cổ phiếu, rủi ro được tách biệt.

Với trái phiếu doanh nghiệp, trực tiếp mua, ngân hàng còn cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào chứng khoán (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu). Ngân hàng Nhà nước đã quy định khi cấp tín dụng cho việc đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt qua 5% vốn điều lệ. Còn việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng.

Siết cho vay qua app, cho vay của công ty tài chính

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng vay online mà không trả nợ đúng hạn. "Thống đốc sẽ triển khai biện pháp nào để từng bước hạn chế các hành vi nêu trên?", ông chất vấn.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

Thống đốc cho hay, từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy rằng cần phải sửa đổi căn bản quy định của pháp luật.

Hiện nay, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h...

Về tình trạng nở rộ cho vay qua app, ẩn chứa rủi ro, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) đề nghị Thống đốc cho biết hành lang pháp lý của việc cho vay này. Thời gian qua Công an Hà Nội đã triệt phá vụ án vay qua app hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, sự phát triển của công nghệ đã xuất hiện nhiều hoạt động cho vay. Việc cho vay qua app và web đã có ở một số nước trên thế giới, gần đây lan sang các nước châu Á và Việt Nam.

Việc cho vay này dựa trên kết nối công nghệ giữa người vay và cho vay nhưng thực tế xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền của người cho vay và của người đi vay. Có thể người lập ra sàn kết nối lại là người đi vay hoặc cho vay, gây mất an toàn trật tự xã hội.

Trung Quốc đã có biện pháp siết các hoạt động này. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã khảo sát, đánh giá có các tổ chức xuất hiện loại hình cho vay này và đang xây dựng hành lang pháp lý.

Hoài Thu - Viết Tuân - Hoàng Thùy

Xem diễn biến chính

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020