Chuyên mục  


Giá nhiều loại lương thực, nhiên liệu và phân bón toàn cầu tăng vọt sau khủng hoảng Ukraine nay đã trở lại mức trước cuộc xung đột, bất chấp các dự báo về nạn đói hay khủng hoảng ở các nước đang phát triển.

Xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngày 24/2 đã gây ra sự chấn động trên các thị trường hàng hóa. Bởi hai nước này chiếm hơn 25% tổng lượng lúa mì được giao dịch toàn cầu khiến giá ngũ cốc tăng 63% trong vòng chưa đầy hai tuần. Đồng thời, giá urê gần như tăng gấp đôi và dầu tăng lên gần 128 USD mỗi thùng.

Tuy nhiên, kể từ đó, lo ngại rằng mọi hoạt động xuất khẩu qua Biển Đen sẽ bị cắt đứt, đã không thành hiện thực. Các chuyến hàng ngũ cốc của Nga trong nhiều tháng đã đi từ các bến cảng ở Novorossiysk đến châu Phi và Trung Đông. Trong khi, ngũ cốc của Ukraine xuất đi từ cảng Odessa đã được nối lại - dù hạn chế - từ 1/8 theo một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian.

Áp lực lên thị trường hàng hóa cũng giảm bớt sau khi các nhà đầu cơ Phố Wall bắt đầu bán ra lượng hàng nắm giữ của họ để phản ứng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, làm hạ nhiệt việc đặt cược vào giá tăng của hàng hóa.

Lúa mì bây giờ rẻ hơn so với những ngày đầu xảy ra chiến sự. Dầu Brent dao động quanh 97 USD mỗi thùng, tương đương hồi giữa tháng 2. Giá phân urê gần như tăng gấp đôi trong những tuần đầu tiên xung đột, giờ đã trở lại mức trước đó...

Một khu chợ nổi tiếng sầm uất ở Beirut, Lebanon, ngày 15/7. Ảnh: AP

Tuy nhiên, đà giảm giá vẫn chưa giúp các quốc gia phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu những mặt hàng này thấy nhẹ nhõm. Một phần ba trong số 153 quốc gia mà Chương trình lương thực thế giới theo dõi đã ghi nhận lạm phát lương thực ít nhất 15% trong ba tháng kết thúc vào ngày 31/7.

Giá thực phẩm ở Lebanon, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt, lần lượt là 332%, 87% và 95%. "Giá thấp hơn chắc chắn là tin tốt cho an ninh lương thực toàn cầu. Nhưng chúng tôi không có bất kỳ lý do gì để bớt lo lắng, với những gì chúng tôi thấy", Friederike Greb, Nhà kinh tế học của cơ quan Liên hợp quốc tại Rome, nhận định.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những thay đổi về giá hàng hóa toàn cầu có thể mất từ 10 đến 12 tháng để đi đến các thị trường địa phương. Đó là chưa kể, mức giảm còn bị hạn chế bởi sự suy yếu của giá trị đồng tiền các quốc gia nhập khẩu. Các đợt tăng lãi suất của Fed đã khiến USD đắt hơn nhiều tiền tệ khác.

Tiền của Zimbabwe, Nam Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Lào và Malawi đã mất ít nhất 25% giá trị so với đồng bạc xanh. Trong khi, hàng hóa toàn cầu được mua bằng USD. "Chúng ta vẫn đang trong cuộc khủng hoảng về tỷ giá" Greb nói.

Ở Đông Nam châu Phi, nông dân tại Malawi đang gặp khó khăn trong việc kiếm đủ phân bón cho vụ gieo trồng tiếp theo. Giá phân bón đã cao hơn gấp đôi so với những năm 2020, theo Sheila Keino, Giám đốc African Fertilizer and Agribusiness Partnership.

Đồng kwacha của Malawi giảm 25% đã khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, làm căng thẳng ngân sách nông hộ sản xuất nhỏ. "Mọi thứ tăng giá nhưng không ai có nhiều tiền hơn trong túi. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy việc sử dụng phân bón giảm đi", Sheila Keino nói.

Nếu nông dân ở các nước đang phát triển không có tiền mua đủ lượng phân bón, vụ thu hoạch năm sau có thể bị giảm sút, kéo dài cuộc khủng hoảng lương thực sang năm thứ hai.

Theo Chương trình lương thực thế giới, tổng cộng 345 triệu người ở 82 quốc gia có nguy cơ chết vì không đủ thức ăn, nhiều hơn gấp đôi so với trước đại dịch. Bất chấp việc giảm giá gần đây, giá hàng hóa, thực phẩm, nhiên liệu và phân bón vẫn cao hơn đáng kể so với một năm trước. "Còn quá sớm để nói rằng chúng ta đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất", Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho biết.

Mỗi thị trường hàng hóa cũng được định hình bởi các yếu tố khác biệt. Giá dầu đã trải qua đợt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 6, do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi xuất khẩu của Nga cao hơn dự đoán là một lý do khiến giá lúa mì giảm. "Xuất khẩu từ Nga trong năm nay tương tự năm ngoái. Thương mại của họ đang đi đúng hướng", Joseph Glauber, Nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, đánh giá.

Một lý do khác là thỏa thuận đạt được vào tháng trước của các nhà ngoại giao Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng trong số 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine do xung đột.

Giá urê đã giảm một nửa so với mức đỉnh của tháng 4 là 940 USD mỗi tấn. Nhưng do khí tự nhiên - nhiên liệu chính - ngày càng đắt đỏ hơn, giá kể từ giữa tháng 6 đã phần nào tăng trở lại...

Các nhà phân tích cho biết thị trường hàng hóa khả năng tiếp tục biến động trong năm tới. "Điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. Nhưng có một cảm giác sai lầm về sự an toàn trên thị trường lúc này. Mùa thu năm nay có thể có nhiều biến động hơn.", Sanjeev Krishnan, Giám đốc đầu tư của S2G Ventures, một công ty đầu tư ở Chicago, nói.

Khả năng ngăn chặn sự trầm trọng hơn của cuộc khủng hoảng toàn cầu đang phụ thuộc vào sự tương tác của những yếu tố gồm: chính sách điều hành ở các quốc gia, khí hậu, cuộc xung đột ngoại giao khó lường ở châu Âu và toàn cầu.

Với việc Nga đã bố trí tên lửa gần các bến ngũ cốc ở Odessa, có nhiều câu hỏi về việc liệu thỏa thuận nối lại các chuyến hàng của Ukraine có được duy trì hay không. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bao gồm cả hạn hán kéo dài nhiều năm ở vùng Sừng châu Phi, đe dọa thu hoạch ở một số lục địa.

Và một lệnh cấm vận tiềm năng đối với các lô hàng năng lượng của Nga cho các khách hàng châu Âu vào cuối năm nay có thể làm trầm trọng thêm chi phí khí đốt, đẩy giá một số phân bón lên cao.

Phiên An (theo Washington Post)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020