Chuyên mục  


Sinh sống ở Itaituba, đô thị gần trung tâm khai thác vàng trái phép ở phía bắc Brazil, Dayane Leite được một người bạn gợi ý cách kiếm tiền từ những thợ đào vàng sâu trong rừng Amazon.

"Đến các mỏ vàng này là một canh bạc. Phụ nữ bán dâm ở đó thường bị làm nhục, đánh đập, chửi bới. Các thợ đào vàng muốn 'sở hữu' người phụ nữ mình đã trả tiền", Leite nói.

Cô sau đó kiếm đủ tiền làm đám tang cho chồng, rồi sinh con ở tuổi 18. Trong những năm sau đó, Leite cũng giống nhiều phụ nữ ở Itaituba, thỉnh thoảng quay lại các mỏ vàng làm chân nấu ăn, giặt giũ hoặc bán dâm cho thợ đào vàng. 16 năm sau, ở tuổi 33, cô đang phải chăm lo cho một gia đình 7 người.

Dayane Leite trả lời truyền thông ở Itaituba. Ảnh: BBC

"Tôi tin rằng không ít phụ nữ ở Itaituba làm công việc này, nên thấy khá bình thường. Chúng tôi không thực sự quan tâm cho lắm", Natalia Cavalcante, sống ở ngoại ô Itaituba, người bán dâm cho thợ đào vàng từ năm 24 tuổi, nói. Ở Brazil, hoạt động mua bán dâm không bị pháp luật cấm.

Sau 4 năm hành nghề, Cavalcante kết hôn với chủ quán rượu ở một ngôi làng trong rừng Amazon, rồi trở thành tú bà cho nhà thổ trá hình trong quán này.

Cuộc sống ở các làng đào vàng trong rừng Amazon rất khắc nghiệt, hầu hết chỉ có một con đường đất, quán rượu và nhà thờ. Những người thợ đào vàng còn sống ở sâu hơn nữa, trong những lán gỗ, vải bạt, xung quanh là rắn và báo đốm.

Phụ nữ làm chân nấu ăn sẽ phải sống trong các trại này cùng những người đàn ông. Những người thợ sẽ tìm đến làng để "giải sầu" mỗi khi tìm thấy vàng và có tiền tiêu xài.

Luật pháp Brazil cấm kinh doanh nhà thổ, nhưng Cavalcante nói cô không nhận hoa hồng, chỉ thuê nhân viên pha chế và cho thuê phòng. Những phụ nữ trẻ muốn kiếm tiền sẽ liên hệ với cô. Cavalcante đôi khi cho họ vay tiền để di chuyển từ Itaituba đến làng đào vàng.

Natalia Cavalcante trả lời phỏng vấn truyền thông ở Itaituba. Ảnh: BBC

Khi được hỏi liệu có chút băn khoăn nào khi tạo điều kiện cho phụ nữ vào con đường này hay không, Cavalcante đáp: "Tôi đã trải qua điều đó và biết nó không dễ chịu, nhưng rồi tôi nghĩ nhiều cô gái có gia đình, đôi khi phải nuôi con, nên cũng chấp thuận giúp".

Tuy nhiên, nguy cơ với những phụ nữ dấn thân vào các mỏ vàng này là vô cùng lớn. Nhiều phụ nữ đã bị sát hại, bị đánh đập, bóc lột tình dục. Tình trạng buôn bán người ở các khu vực này gần như không được trình báo cho giới chức, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Vàng khai thác trái phép từ các mỏ này sẽ được "rửa" thành vàng hợp pháp của một hợp tác xã, rồi xuất khẩu để làm trang sức, linh kiện điện tử.

Ba nhà nhập khẩu vàng lớn nhất của Brazil là Canada, Thụy Sĩ và Anh. Theo tổ chức nghiên cứu, phát triển bền vững Instituto Escolhas của Brazil, hơn 90% lượng vàng xuất khẩu sang châu Âu của nước này đến từ các mỏ trái phép.

Một khu lán trại của thợ đào vàng bất hợp pháp trong rừng Amazon, lân cận Itaituba. Ảnh: BBC

Diện tích các mỏ vàng bất hợp pháp ở Brazil tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, lên 220.000 ha tính đến 2023, lớn hơn cả diện tích vùng thủ đô London của Anh. Chính phủ Brazil ước tính có khoảng 80.000 - 800.000 thợ đào trái phép trong các khu mỏ này, nhưng chưa có thống kê về số phụ nữ bán dâm ở đây.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã nỗ lực đóng cửa các mỏ vàng trái phép, ngăn các đại lý tiêu thụ vàng từ các mỏ này, nhưng giá vàng cao khiến nhiều người tiếp tục thử vận may trong rừng Amazon.

Chứng kiến thảm cảnh của nhiều cô gái bán dâm trong rừng, Cavalcante gần đây bỏ việc làm tú bà trong quán rượu để vào thành phố chăm sóc các cháu gái. Mục tiêu của cô là học hành, trở thành luật sư hoặc kiến trúc sư.

"Tôi không phải người duy nhất hoàn lương như vậy, một số phụ nữ còn tự lập doanh nghiệp để làm lại cuộc đời", Cavalcante nói.

Sau hơn một thập kỷ bán thân, Leite đang lên kế hoạch kiếm đủ tiền để mở quán ăn. "Tôi sẽ tiếp tục đến khi không thể làm được nữa, bởi tôi nghĩ sẽ có ngày các con công nhận nỗi vất vả của mình", Leite nói.

Đức Trung (Theo BBC, AFP, CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020