Chuyên mục  


vnp_caphe.jpgÔng Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk thông tin tại buổi "Họp báo Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8". (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10/3 đến ngày 14/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh nhằm khẳng định mạnh mẽ vị thế của càphê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tại buổi họp báo sáng 10/2, tại Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, cho biết với chủ đề “Buôn Ma Thuột-Điểm đến của càphê thế giới,” Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển càphê đặc sản Việt Nam.

Đồng thời, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của càphê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế càphê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh càphê.

Đặc biệt, chủ đề lần này cũng phù hợp với định hướng mà Chính phủ đang chỉ đạo, đó là “canh tác càphê thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.” Trong đó, ông nhấn mạnh, cụm từ “thông minh” là truyền tải việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số vào trong các cuộc thi diễn ra tại Lễ hội này song song với cách làm truyền thống.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tuấn Hà, các nội dung của hội chợ sẽ tập trung vào xu thế phát triển chung của ngành càphê, trong đó tập trung mạnh vào khâu chế biến.

“Đây cũng là nội dung mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư và cũng là điểm mạnh của tỉnh Đắk Lắk nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng cho khâu chế biến. Cùng với đó là đi theo xu thế chất lượng cao, đó là tinh hoa, tinh túy để lựa chọn những hạt càphê có chất lượng với giá trị cao, được kết tinh trong hạt càphê đặc sản…,” Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.

Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ càphê của Việt Nam” có diện tích và sản lượng càphê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 hécta, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn (chiếm 30% sản lượng toàn quốc) và sản phẩm càphê của Đắk Lắk đã xuất khẩu tới hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho hay, Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến càphê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, thông qua đó khẳng định mạnh mẽ vị thế của càphê Việt Nam trên thị trường thế giới, đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của càphê thế giới.

[Đưa Buôn Ma Thuột - thành phố càphê trở thành thương hiệu quốc gia]

Đại diện Ban Tổ chức thông tin thêm, Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần này có 18 hoạt động chính thức và nhiều hoạt động hưởng ứng. Cùng sự tham gia của khoảng 400 gian hàng (150 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp càphê của nước ngoài và có yếu tố nước ngoài tham gia).

Ban Tổ chức đã mời hoa hậu H'Hen Niê làm Đại sứ truyền thông của Lễ hội. Phiên khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV5 và tiếp sóng tại nhiều đài địa phương... là thông điệp thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới để khẳng định và nâng tầm vị thế của cà phê Buôn Ma Thuột.../.

18_hd.jpg
Đức Duy (Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020