Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cập đến việc đổi tên núi Denali cao hơn 6.190 m ở bang Alaska trong hội nghị các nhà hoạt động bảo thủ ở thành phố Phoenix, bang Arizona hôm 22/12.
Ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ này được đặt tên là McKinley vào năm 1896, sau khi người phát hiện ra khu vực này nghe tin William McKinley giành được đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa. Đỉnh núi được chính thức gọi là Núi McKinley từ năm 1917.
Mây che phủ đỉnh núi Denali, bang Alaska, Mỹ tháng 9/2022. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, đến năm 1975, chính quyền bang Alaska đặt tên ngọn núi là Denali, theo tiếng của người bản địa Athabascan là "Núi cao". Nhiều bộ tộc người Athabascan đã sống dưới chân ngọn núi này hàng nghìn năm qua. Các nghị sĩ Alaska sau đó liên tục đệ kiến nghị nhằm hối thúc chính phủ liên bang sử dụng tên Denali cho ngọn núi, song bị chặn suốt nhiều thập kỷ.
Đến năm 2015, tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh công nhận Denali là tên gọi chính thức của ngọn núi, với lý do ông McKinley chưa bao giờ đến thăm nơi này và cũng không có "mối liên hệ lịch sử đáng kể nào với ngọn núi hoặc bang Alaska".
"Họ đã xóa tên McKinley khỏi ngọn núi. Ông ấy là một tổng thống vĩ đại. Chính quyền của tôi sẽ đưa tên núi McKinley trở lại vì tôi nghĩ ông ấy xứng đáng với điều đó", ông Trump tuyên bố.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại hội nghị các nhà hoạt động bảo thủ ở thành phố Phoenix, bang Arizona hôm 22/12. Ảnh: AFP
Thượng nghị sĩ Alaska, Lisa Murkowski, thành viên đảng viên Cộng hòa, phản đối kế hoạch đổi tên núi của ông Trump. "Chỉ có một cái tên xứng đáng với ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ: Denali - Ngọn núi vĩ đại", bà đăng trên X.
"Ồ không. Ngọn núi đó chính là Denali", thượng nghị sĩ Dân chủ Scott Kawasaki cũng đăng trên mạng xã hội.
Ông McKinley làm thống đốc bang Ohio hai nhiệm kỳ, trước khi trở thành tổng thống Mỹ vào năm 1897. Ông đã lãnh đạo nước Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chiến với Tây Ban Nha và áp dụng thuế quan bảo hộ để thúc đẩy ngành công nghiệp Mỹ. Ông bị ám sát vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình tại thành phố Buffalo, bang New York năm 1901.
Huyền Lê (Theo Reuters, ABC News)