Chuyên mục  


Ngày 6/11, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump vượt qua đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris để đắc cử Tổng thống Mỹ. Giới phân tích cho rằng ông giành thắng lợi nhờ đánh vào nỗi hoang mang của cử tri về kinh tế và nhập cư.

"Ở đây có ai cảm thấy dưới thời Biden và Kamala Harris giàu hơn là nhiệm kỳ của tôi không?", Donald Trump hỏi trong một sự kiện ở North Carolina hồi tháng 8. Ông khẳng định nếu bà Harris giành chiến thắng, "kết quả sẽ là kinh tế lao dốc như suy thoái năm 1929". Còn nếu ông tái đắc cử, Mỹ "sẽ bắt đầu một quá trình bùng nổ kinh tế hoàn toàn mới".

Giới phân tích đánh giá các đề xuất Trump đưa ra mạnh tay hơn rất nhiều so với bà Kamala Harris. Trong khi bà Harris ưu tiên các thay đổi nhỏ, ông Trump gần như sẽ đảo ngược hoàn toàn các chính sách của chính quyền hiện tại. Đó là trục xuất lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp, áp thuế nhập khẩu ở mức cao và giảm thuế mạnh cho doanh nghiệp, người dân trong nước.

Trump khẳng định rằng những biện pháp này không chỉ khôi phục việc làm trên đất Mỹ, mà còn giảm lạm phát. Đây là điểm mấu chốt khi nhiều người Mỹ vẫn đang vật lộn với giá cả tăng cao. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng các chính sách này có thể có tác động ngược lại so với những gì ông mong đợi, ví dụ khiến lạm phát tăng vọt.

Dưới đây là những cam kết về kế hoạch kinh tế mà Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Áp thuế nhập khẩu lên mọi sản phẩm vào Mỹ

Ông Donald Trump tại một sự kiện ở Wisconsin ngày 30/10. Ảnh: AP

Các đề xuất bảo hộ thương mại của Trump sẽ đánh dấu sự chuyển hướng chính sách kinh tế của Mỹ sau nhiều thập kỷ. Ông muốn áp thuế 10-20% với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ. Riêng với Trung Quốc, thuế có thể lên tới 60%. Trump cho rằng thuế nhập khẩu sẽ bảo vệ việc làm và ngành công nghiệp Mỹ, khẳng định chúng sẽ khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã áp thuế 10% và 25% lần lượt với nhôm và thép nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia. Động thái này khiến Canada và Liên minh châu Âu (EU) cũng áp thuế trả đũa lên nông sản Mỹ, khiến nông dân Mỹ chịu thiệt hại.

Trump còn phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc từ năm 2018. Khi đó, ông áp thuế nhập khẩu lên tới 25% với 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó có pin năng lượng mặt trời, máy giặt, thép và nhôm. Bắc Kinh sau đó trả đũa bằng các động thái tương tự lên hàng hóa Mỹ.

Các nhà kinh tế lo ngại việc Trump muốn áp thuế nhập khẩu với toàn bộ hàng hóa vào Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mới, tạo ra một chu kỳ căng thẳng leo thang gây hại cho nền kinh tế của cả hai bên.

Robert Lawrence - Giáo sư thương mại và đầu tư tại Đại học Harvard - cho biết việc này thậm chí còn vi phạm các cam kết của Mỹ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo đó, các quốc gia đã thống nhất không nâng thuế lên trên một mức nhất định. "Dựa vào những gì đã xảy ra, các đối tác thương mại chắc chắn sẽ trả đũa khi Mỹ nâng thuế, đặc biệt là khi họ cảm thấy Mỹ không tuân thủ các quy tắc", Lawrence nói.

Việc nâng thuế cũng có thể kéo tụt giá cổ phiếu của nhiều công ty Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài. Ngân hàng đầu tư UBS dự báo thuế nhập khẩu 10% có thể khiến chỉ số S&P 500 giảm 10% năm tới.

Trump thì khẳng định chính sách thuế cùng cam kết đưa việc làm quay về Mỹ của ông sẽ giảm lạm phát và chi phí sinh hoạt cho các gia đình. Ông tin tưởng mức thuế mới sẽ do các nhà sản xuất nước ngoài chịu và không ảnh hưởng đến người Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học nghi ngờ điều này. "Hàng hóa nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng giá. Thậm chí, hàng không nhập khẩu cũng sẽ tăng theo, vì chúng là lựa chọn thay thế cho hàng nhập", Lawrence nói.

Một báo cáo từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính nếu các đề xuất của Trump được thực hiện, lạm phát Mỹ có thể lên 6-9,3% năm 2026. Mức hiện tại là hơn 2%. Nếu không có chính sách của Trump, lạm phát Mỹ có thể về 1,9%.

Điều này có nghĩa các sản phẩm hàng ngày, từ điện tử đến thực phẩm thiết yếu, đều có thể trở nên đắt đỏ hơn. Theo báo cáo này, chi phí hàng năm với một hộ gia đình trung bình ở Mỹ có thể tăng thêm khoảng 2.600 USD vì các chính sách của Trump. Trong khi đó, theo một số ước tính khác, con số này có thể lên đến 7.600 USD.

Gia hạn chính sách cắt giảm thuế năm 2017

Nhân viên làm việc trong một siêu thị của Walmart tại New Jersey (Mỹ). Ảnh: Reuters

Các chính sách cắt giảm thuế do Trump ký năm 2017 sẽ hết hiệu lực đầu năm 2025. Ông muốn gia hạn toàn bộ chính sách này, đồng thời giảm thêm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân. Trump sẽ hạ thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% xuống 15% với một số công ty, việc này được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Trump cũng có kế hoạch miễn hàng hoạt thuế với tiền trợ cấp xã hội, làm thêm giờ...

Những người ủng hộ nói rằng việc giảm thuế sẽ xoa dịu gánh nặng cho nhiều người. Trong khi đó, phía phản đối cho rằng kế hoạch này chủ yếu mang lại lợi ích cho người nộp thuế thu nhập cao. Theo nghiên cứu đầu tháng 10 của Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB) - một tổ chức phi lợi nhuận, kế hoạch thuế và chi tiêu của Trump có thể khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng 7.500 tỷ USD trong 10 năm tới.

Tác động đến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)

"Nếu là tổng thống, tôi nghĩ mình có quyền nói: 'Các ông nên tăng hoặc giảm lãi suất một chút'. Tôi không nghĩ mình được ra lệnh đâu, nhưng cũng có quyền đưa ra quan điểm", Trump đề cập đến Fed trong một cuộc phỏng vấn tại Economic Club of Chicago (Illinois), hôm 15/10.

Sự độc lập của Fed giúp USD giữ vị trí là tiền tệ dự trữ của thế giới và chính phủ Mỹ có khả năng đi vay mạnh tay bằng cách phát hành trái phiếu lãi suất thấp. Vì thế, nhiều nhà kinh tế cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu sự độc lập của Fed đều có khả năng làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, đe dọa sự ổn định kinh tế dài hạn của Mỹ và gây bất ổn cho USD - đồng tiền thống trị thương mại, dự trữ thế giới.

Trục xuất lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp để giảm giá nhà

Đoàn người di cư đi bộ dọc đường cao tốc qua Suchiate, bang Chiapas ở miền nam Mexico ngày 21/7 trong hành trình hướng tới biên giới Mỹ. Ảnh: AP

Trump cam kết thực hiện chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Ông cho rằng siết nhập cư sẽ giúp giảm nhiều chi phí, đặc biệt giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.

Giá nhà tại Mỹ đã tăng hơn 50% kể từ khi đại dịch xuất hiện. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhập cư và giá thuê nhà tăng cao. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho biết chưa có tương quan nào rõ ràng giữa tình trạng nhập cư bất hợp pháp và giá nhà tăng.

Giới phân tích cũng khẳng định nếu trục xuất hàng triệu lao động nhập cư bất hợp pháp, lương nhân công sẽ tăng vọt, khiến giá cả đến tay người tiêu dùng leo thang. Một phân tích gần đây từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy việc trục xuất sẽ giảm việc làm và GDP của Mỹ. Một phân tích riêng từ Hội đồng Nhập cư Mỹ chỉ ra nước này sẽ tốn 315 tỷ USD để trục xuất 11 triệu người.

Giảm thuế với các khoản phúc lợi an sinh xã hội

Giống Harris, Trump cam kết không cắt giảm chương trình An sinh Xã hội hoặc Medicare. Ông muốn duy trì các chương trình này mà không tăng tuổi nghỉ hưu. Thay vào đó, chính quyền mới sẽ tập trung vào việc loại bỏ lãng phí và gian lận

Một trong những đề xuất lớn của Trump là bỏ thuế với phúc lợi an sinh xã hội. Trong các bài phát biểu, Trump nhấn mạnh cam kết bảo vệ lợi ích cho người cao tuổi. Dữ liệu từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho thấy việc bỏ các loại thuế này có thể khiến ngân sách Mỹ thiếu hụt khoảng 1.600 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Bên cạnh đó, dù chưa công bố chính sách cụ thể về vay sinh viên, Trump luôn phản đối việc xóa nợ sinh viên trên diện rộng. Tháng 6/2023, ông ca ngợi Tòa án Tối cao vì dừng kế hoạch xóa nợ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông coi đó là một chiến thắng cho những người vay có trách nhiệm, lập luận các biện pháp như vậy sẽ "rất không công bằng" với những người đã làm việc chăm chỉ để trả nợ.

Giảm chi phí năng lượng xuống một nửa

Trump cam kết cắt giảm chi phí năng lượng của người Mỹ xuống một nửa trong vòng một năm sau khi nhậm chức. Đây là phần quan trọng trong kế hoạch giảm lạm phát của ông. "Năng lượng là gốc rễ gây ra các vấn đề của chúng ta", ông cho biết tại sự kiện của tổ chức Economic Club of New York hồi tháng 9.

Trump cho biết sẽ nhanh chóng tăng tốc khai thác dầu khí, đồng thời giảm rào cản về chính sách với việc xây dựng các nhà máy điện. "Tôi sẽ ngay lập tức ban bố Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia để tăng nguồn cung năng lượng nội địa. Việc này sẽ đẩy nhanh tốc độ cấp phép các hoạt động khoan dầu, xây đường ống, nhà máy lọc dầu, các nhà máy và lò phản ứng mới", ông cho biết trong bài phát biểu ngày 5/9.

Nhiều nhà kinh tế học tin rằng giảm chi phí năng lượng có thể tác động đến lạm phát tổng thể. Carl Schramm - Giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse cho rằng chi phí năng lượng là một yếu tố quan trọng trong lạm phát giá thực phẩm, vì nhiên liệu là chi phí đầu vào chính cho ngành nông nghiệp. "Nếu có thể giảm chi phí năng lượng, bạn sẽ giảm được lạm phát", ông nói.

Hà Thu (tổng hợp)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020