Một máy bay của chính phủ Mỹ hạ cánh tại sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc tối nay, chở theo nhóm thượng nghị sĩ do ông Lindsey Graham, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, dẫn đầu. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez cũng có mặt trong phái đoàn.
Nhóm nghị sĩ này sẽ thăm đảo Đài Loan hai ngày, gặp lãnh đạo Thái Anh Văn, người đứng đầu cơ quan đối ngoại Joseph Wu và các quan chức cơ quan phòng vệ. Viện Mỹ tại Đài Loan cho biết chuyến thăm nhằm thảo luận "quan hệ giữa Mỹ với đảo Đài Loan, an ninh khu vực và các vấn đề quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm".
Ông Menendez là một trong những nghị sĩ hồi tháng 2 trình dự luật đổi tên Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Washington thành "Văn phòng đại diện Đài Loan tại Mỹ" nhằm phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và đảo Đài Loan.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Hraham (thứ tư từ phải sang) chụp ảnh với người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu (thứ ba từ trái sang) tại sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc tối 14/4. Ảnh: AFP.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Bắc Kinh phản đối việc sử dụng tên Đài Loan trên trường quốc tế và phản đối bất kỳ quốc gia nào có quan hệ chính thức với hòn đảo.
Trước khi nhóm nhà lập pháp Mỹ đến Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các thượng nghị sĩ Mỹ không nên "đi vào con đường sai lầm và nguy hiểm". "Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh chiều nay.
Một phái đoàn quốc hội Thụy Điển cũng đang ở Đài Loan. "Mục đích của chuyến thăm rất rõ ràng", nghị sĩ Thụy Điển Charlie Weimers nói. "Chúng tôi muốn gửi tín hiệu ủng hộ từ châu Âu đến Đài Loan và đảm bảo tín hiệu đó đang được nghe thấy trên khắp eo biển Đài Loan".
Các chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan leo thang. Quân đội Trung Quốc vài năm gần đây liên tục gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan bằng các biện pháp truyền thống và phi truyền thống. Ngoài các chuyến bay áp sát hòn đảo với lượng phi cơ cao kỷ lục, quân đội Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ chiếm bờ biển ở khu vực gần Đài Loan.
Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với đảo Đài Loan, song là bên cung cấp vũ khí lớn nhất để hòn đảo phòng thủ. Giới chức Mỹ đang thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa lực lượng phòng vệ Đài Loan để quân đội Trung Quốc khó tấn công hòn đảo. Năm ngoái, một số nhóm nghị sĩ lưỡng đảng quốc hội Mỹ đã đến thăm đảo Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận chỉ trích và cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Ngoại giao Mỹ đầu tháng này phê duyệt hợp đồng tiềm năng để hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho hệ thống phòng không Patriot của đảo Đài Loan với tổng trị giá 95 triệu USD. Trung Quốc chỉ trích động thái này, cáo buộc Mỹ làm suy yếu quan hệ song phương và phá hoại hòa bình ở eo biển Đài Loan.
Huyền Lê (Theo AFP)