Chuyên mục  


Trong khi các du thuyền của giới tài phiệt Nga bị tịch thu trên khắp châu Âu, siêu du thuyền Nord trị giá 500 triệu USD có liên quan đến tỷ phú Alexey Mordashov, cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất thép Severstal PJSC và là người giàu thứ ba của Nga, đã neo đậu ở vùng biển gần Hong Kong từ đầu tháng 10.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích Hong Kong vì đã cho phép du thuyền của một tài phiệt Nga bị trừng phạt neo đậu tại vùng biển của mình. Đáp lại, Trưởng đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu tuyên bố họ "không thể làm gì" với du thuyền này vì "không có cơ sở pháp lý" với những lệnh trừng phạt đơn phương.

Siêu du thuyền Nord neo đậu tại Hong Kong ngày 7/10. Ảnh: CNN.

"Chúng tôi chỉ tuân theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, đó là hệ thống pháp trị của Hong Kong", ông Lý nói.

Quan điểm của giới lãnh đạo Hong Kong đã làm dấy lên lo ngại trong giới chức Mỹ, rằng đặc khu này sẽ trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp Nga nhằm né tránh lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Sherman Yan, đối tác công ty luật ONC, Hong Kong, cho biết một số công ty lớn của Nga, trong đó có các doanh nghiệp quốc doanh, đang nỗ lực hợp tác với các công ty luật tại đặc khu để tìm một "khu vực pháp lý thân thiện hơn" so với những nơi như New York hay London.

Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết một số doanh nghiệp Nga cũng bí mật tiếp cận ít nhất hai công ty luật khác để tìm hiểu về việc tăng vốn tại Hong Kong.

"Giới doanh nghiệp Nga ngày càng quan tâm đến việc chuyển hướng một số hoạt động nhất định sang Hong Kong", luật sư Yan, người đã thảo luận sơ bộ với các khách hàng Nga, cho biết. Ông nói rằng một số công ty Nga đã tìm cách thay đổi địa chỉ đăng ký sang Hong Kong, trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ở Nga.

Hong Kong có thể là cánh cửa để các công ty Nga tiếp cận nguồn vốn bên ngoài, trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Moskva và không áp đặt các biện pháp trừng phạt với nước này, theo giới quan sát.

Tuy nhiên, nỗ lực chuyển hướng sang Hong Kong của doanh nghiệp Nga có thể đối mặt với một số thách thức. Câu hỏi đặt ra là các ngân hàng Hong Kong có sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Nga trước nguy cơ bị phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt thứ cấp hay không.

"Danh tiếng trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong phụ thuộc lớn vào việc tuân thủ tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố. "Việc sử dụng Hong Kong như một nơi trú ẩn an toàn cho các cá nhân né tránh lệnh trừng phạt càng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của môi trường kinh doanh".

Theo luật Hong Kong, các ngân hàng ở đặc khu không có nghĩa vụ tuân thủ lệnh trừng phạt đơn phương do các nước áp đặt. Tuy nhiên, các ngân hàng này có thể ngần ngại hợp tác với Nga do lo ngại biện pháp trả đũa của Mỹ và đồng minh phương Tây.

Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải (HSBC) tuần trước xác nhận đã gửi thư tới phần lớn khách hàng Nga ở đặc khu để thông báo ngừng các dịch vụ đầu tư bán lẻ do lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Các chuyên gia pháp lý nhận định đa số ngân hàng lớn ở Hong Kong không muốn để mất thị trường ở Mỹ và châu Âu khi phớt lờ các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây áp đặt.

Igor Sagitov, tổng lãnh sự Nga ở Hong Kong, cho biết ông gần đây nhận được thông tin công dân Nga gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động giao dịch tài chính ở đặc khu.

"Dù Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong Kong không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với nga, một số doanh nhân Nga đã không thể chuyển tiền hay mở tài khoản mới", Sagitov cho hay.

Đức Trung (Theo Bloomberg, SCMP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020