Chuyên mục  


Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rơi vào "vòng xoáy đi xuống", cần có những chính sách đột phá từ bên trong và "cú huých" từ bên ngoài để đảo ngược tình thế, tạo ra một "vòng xoáy đi lên" cho phát triển kinh tế. Kết quả nghiên cứu trên được ông trình bày tại hội thảo "Đồng bằng sông Cửu Long: Thách thức và Triển vọng" diễn ra trong chiều 6/5.

Hội đồng vùng phải có cơ chế hiệu quả, không để "mạnh ai nấy chạy"

TS Tự Anh cho rằng tại vùng ĐBSCL, các tỉnh có xuất phát điểm nghèo, thu ngân sách thấp dẫn đến đầu tư thấp, thiếu quỹ đất sạch và hạ tầng, do đó không thu hút được doanh nghiệp. Khi không có nhà đầu tư, địa phương thiếu việc làm dẫn đến tình trạng di cư lao động, lực lượng lao động suy giảm. Vòng xoáy này tiếp tục kéo các tỉnh ĐBSCL đi xuống. 

"Nhiều tỉnh ở ĐBSCL có đến 20% thu ngân sách nhờ xổ số, có nơi đến 40%, nhiều tỉnh chỉ thu ngang với chi thường xuyên. Để phá vòng xoáy này cần có cú huých từ bên ngoài, phải xây dựng cơ sở hạ tầng ổn định, tốt thì các nhà đầu tư mới đến. Đầu tư nhà nước là đòn bẩy còn đầu tư tư nhân sẽ đi theo khi thấy cơ hội", ông cho biết.

Chuyên gia của Đại học Fulbright nhấn mạnh các tỉnh ĐBSCL chưa có sự liên kết chặt chẽ, "mạnh ai nấy chạy". Theo ông, tính chia cắt giữa các địa phương là vấn đề trên cả nước nhưng riêng với vùng Tây Nam Bộ lại trầm trọng hơn vì các tỉnh đã yếu nếu không liên kết với nhau sẽ càng yếu. 

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Ảnh: FSPPM).

Một ví dụ cụ thể là nhiều địa phương muốn làm đường ven biển tuy nhiên các tuyến đường này đòi hỏi chi phí xây dựng lớn trong khi hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, các đường trục chính của cả vùng ĐBSCL nếu được đầu tư sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế lớn. "Tốc độ của giao thông quyết định tốc độ của nền kinh tế", ông Tự Anh nói.

Vừa qua, ĐBSCL là khu vực đầu tiên được phê duyệt quy hoạch vùng chung đến năm 2030. Theo TS Tự Anh, nếu bản quy hoạch vùng này được tuân thủ, ít nhất các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ đồng bộ nhưng một rủi ro thực tế đã chứng minh là các quy hoạch thường bị phá vỡ. 

Ông đề xuất cần giao cho hội đồng vùng ĐBSCL một thẩm quyền tốt hơn về đầu tư. Cụ thể là một địa phương khi muốn bổ sung sử dụng nguồn vốn Trung ương phải được cả vùng đồng ý. Dự án đó phải đóng góp cho cả vùng chứ không chỉ phục vụ mỗi lợi ích của địa phương để rồi quy hoạch vùng bị phá vỡ.

Ngoài ra, hội đồng vùng ĐBSCL cần có thêm chức năng tài khóa, lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực để điều phối theo chức năng. Theo ông, nếu không có 3 chức năng nói trên, hội đồng vùng sẽ không có hiệu lực thật sự.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng không nhất thiết mỗi tỉnh đều phải có một Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước riêng mà có thể gộp lại theo vùng. Khi đó, các tỉnh sẽ không chỉ chạy theo động cơ của riêng mình mà quên mất động cơ của cả vùng.

Giải bài toán năng suất lao động

Một vấn đề khác cần giải quyết, theo TS Tự Anh, là năng suất lao động. "Năng suất là nhân tố then chốt của tăng trưởng, không có năng suất thì không có sự thịnh vượng cho nền kinh tế. Để tiếp tục tăng trưởng cao, chỉ có một con đường duy nhất là gia tăng tốc độ tăng năng suất. Điều này càng đúng với ĐBSCL do già hóa dân số và lao động di cư khi vùng này có tỷ lệ di cư cao nhất cả nước", ông chia sẻ. 

Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng ĐBSCL có thế mạnh là nông nghiệp nhưng đây lại là ngành có năng suất thấp nhất, tăng chậm nhất so với công nghiệp hay dịch vụ. Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng Tây Nam Bộ vẫn có 3,5 triệu ha trồng lúa, không thay đổi nhiều so với hiện tại. Trong ngành nông nghiệp, cây lúa tuy có tính ổn định nhưng giá trị thấp.

Nếu chỉ chú trọng vào sản lượng, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ khó chuyển đổi để gia tăng giá trị, năng suất lao động (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Tự Anh cho rằng, ĐBSCL đang phải gánh vác trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Tuy nhiên, đã đến lúc cần xem xét lại khái niệm an ninh lương thực để có thể chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. 

Theo ông, an ninh lương thực không nên được đo bằng sản lượng và diện tích trồng lúa như hiện tại mà thay vào đó dựa trên khả năng tiếp cận, tính sẵn có, chất lượng, an toàn và bền vững. Một ví dụ cụ thể là Singapore dù không có bất cứ m2 đất trồng lúa nào nhưng vẫn nằm trong top 10 quốc gia đứng đầu về an ninh lương thực trên thế giới. 

Thay đổi khái niệm an ninh lương thực là tiền đề để chuyển đổi ngành nông nghiệp từ chú trọng số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị và an toàn. Khi đó, chúng ta sẽ thị trường hóa ngành nông nghiệp thay vì tư duy thuần túy sản xuất nông nghiệp theo số lượng như hiện nay. 

Tin liên quan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và kỳ vọng dân miền Tây từ bỏ việc ăn thịt chim trời

Ông lớn ngành lúa gạo miền Tây lãi hơn 60 tỷ đồng mỗi tháng

Cùng với đó, ông kiến nghị vùng ĐBSCL nên giữ diện tích đất lúa đủ cho tiêu dùng nội địa, linh hoạt mục đích cho phần còn lại. Các quy hoạch cần mạch lạc, ví dụ khoanh vùng cho từng mục đích như trồng lúa, thủy hải sản, công nghiệp, dịch vụ để điều tiết nguồn lực đất đai hiệu quả.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020