"Chúng tôi tin rằng việc duy trì hiệp ước này là rất quan trọng. Trong khi đó, chúng tôi thấy rằng Mỹ đã thực sự phá hủy khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và an ninh", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm nay.
Trước đó cùng ngày Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cũng khẳng định Moskva đã tuân thủ đầy đủ hiệp ước New START với Washington và sẽ tiếp tục làm như vậy.
"Mỹ hoàn toàn gánh trách nhiệm về sự leo thang các vấn đề liên quan hiệp ước New START", Đại sứ Antonov nói.
Các bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars xuất hiện trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ, Moskva, hồi tháng 5/2022. Ảnh: AFP.
Tuyên bố từ Nga được đưa ra sau khi Washington hôm 31/1 cáo buộc Moskva vi phạm hiệp ước New START khi từ chối cho phép các hoạt động thanh tra trên lãnh thổ của mình.
Nga hồi tháng 8/2022 đình chỉ hợp tác với những cuộc thanh tra theo hiệp ước New START, đổ lỗi cho các hạn chế đi lại mà Washington và đồng minh áp đặt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 cùng năm. Tuy nhiên, Moskva tuyên bố vẫn cam kết tuân thủ các điều khoản của hiệp ước.
Hiệp ước New START có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai các tên lửa và máy bay ném bom để vận chuyển chúng.
Dù bị hạn chế bởi một số thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga vẫn chiếm khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới.
Washington bày tỏ mong muốn duy trì hiệp ước New START nhưng mối quan hệ với Moskva đã lao dốc tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vì xung đột Ukraine. Điều này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực duy trì hiệp ước và đạt thỏa thuận tiếp theo của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Nga hôm 30/1 nói với Mỹ rằng hiệp ước có thể hết hạn vào năm 2026 mà không có hiệp ước thay thế, khi Washington cố khiến Moskva chịu "thất bại chiến lược" ở Ukraine. Khi được hỏi liệu Moskva có nghĩ tới khả năng không có hiệp ước kiểm soát hạt nhân sau năm 2026, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đánh giá "đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra".
Ngọc Ánh (Theo AFP)