"Dù tiến bộ trên nhiều mặt, chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự gia tăng đáng kể các trường hợp người bạch tạng bị giết hoặc bị tấn công vì lầm tưởng rằng việc sử dụng các bộ phận cơ thể họ như thuốc có thể mang lại may mắn và giàu có", Ikponwosa Ero, chuyên gia độc lập đầu tiên của Liên Hợp Quốc về quyền người bạch tạng, hôm nay cho hay.
"Bi kịch hơn nữa, phần lớn nạn nhân là trẻ em", bà nhấn mạnh.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc khác cũng đã báo cáo phát hiện của họ cho cơ quan toàn cầu, nhưng không lên tiếng về điều đó.
Hai thiếu niên mắc bệnh bạch tạng tại một sự kiện gây quỹ ở Uganda năm 2020. Ảnh: Monitor.
Bệnh bạch tạng là tình trạng hiếm gặp, không lây nhiễm, di truyền và xảy ra trên toàn thế giới, không phân biệt dân tộc hoặc giới tính.Người mắc bệnh này thiếu sắc tố melanin trong tóc, da và mắt, gây tình trạng dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với ánh mặt trời.
Ngoại hình người mắc bệnh bạch tạng thường là đối tượng của những tín ngưỡng sai lầm và câu chuyện hoang đường do thói mê tín dị đoan, theo Liên Hợp Quốc.
Văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết quan điểm vô nhân đạo đối với những người mắc chứng bệnh này dẫn đến "các cuộc tấn công thể xác kinh hoàng".
"Vì một số người tin rằng người bạch tạng là những sinh vật huyền bí hoặc ma, nên họ cắt, hoặc thậm chí giết người bạch tạng để lấy các bộ phận cơ thể cho các nghi lễ tà ma. Những cuộc tấn công này cướp đi sinh mạng nhiều nạn nhânvà khiến gia đình họ bị tổn thương sâu sắc", văn phòng cho hay.
Bà Ero được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bổ nhiệm năm 2015 với tư cách là chuyên gia độc lập đầu tiên về quyền của người bạch tạng. Bà sẽ kết thúc nhiệm kỳ ngày 1/8 .
"Tôi đã dành 6 năm qua để chiến đấu với các cuộc tấn công liên quan tà ma nhằm vào những người bị bệnh bạch tạng và rất vui vì đã có nhiều tiến bộ ở một số châu lục, bất chấp một số thất bại trong đại dịch", Ero nói.
Theo bà, nghiên cứu về bệnh bạch tạng đã tăng hơn 10 lần, đưa đến hiểu biết sâu sắc hơn về tình trạng bệnh và các vấn đề xung quanh. "Chúng ta đã tiến rất xa trong cuộc chiến chống lại những hành vi tàn ác này, nhưng con đường phía trước vẫn còn dài và gian nan", bà cảnh báo.
Huyền Lê (Theo AFP)