Chuyên mục  


Theo Tổng cục Thống kê, tháng đầu năm 2021, cao điểm Tết Nguyên đán, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,66%. Nhưng tới tháng 5, giá nhiều mặt hàng bắt đầu leo thang khi dịch bệnh bùng phát. Trong đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng "chóng mặt" so với cùng kỳ năm ngoái, khiến nhiều doanh nghiệp như "ngồi trên lửa.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt kể, lúc đó các trang trại nuôi gà, vịt liên kết với công ty đều than lỗ với giá trứng. Họ phải "gánh" giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 30%.

Nguyên liệu ngành thép, gỗ, thời điểm ấy cũng tăng 20-30%. Doanh thu của hầu hết doanh nghiệp đều tốt nhưng nghịch lý là lợi nhuận lại bị ăn mòn bởi giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới cao.

Tháng 8, khi dịch bệnh lên đỉnh điểm ở TP HCM, giá hàng hóa, nguyên vật liệu một lần nữa "tăng xông", đánh dấu đợt tăng giá thứ hai trong năm. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tính tới cuối tháng 8, so với đầu năm, giá hàng hóa nhiên liệu đã tăng 33%, giá xăng dầu (+28%), nguyên vật liệu nông nghiệp dạng thô (+6%), giá hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp (+11%) và giá hàng hóa phi nhiên liệu (+11%).

Đặc biệt, khi TP HCM tăng cường biện pháp chống Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", hoạt động vận chuyển hàng hoá của doanh nghiệp "khó chồng khó", nhiều xe chở hàng bị chặn sau 18h, đẩy chi phí sản xuất hàng hoá tăng cao. Do đó, nhiều sản phẩm tới tay người tiêu dùng đội lên 50%, thậm chí gấp đôi.

sieu-thi-60-1640332658-8748-1640333827.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JTyRzcRo3vHXJeprK-9syA

Người dân mua hàng tại siêu thị Coopmart quận 9. Ảnh: Quỳnh Trần

Lần tăng giá thứ ba của nhiều nhóm hàng xảy ra vào cuối tháng 10 khi TP HCM đã mở cửa trở lại. Lúc này, nhiều doanh nghiệp tăng tốc sản xuất nhưng nguyên liệu tồn kho đã cạn kiệt và buộc nhập nguyên liệu mới. Đây cũng là thời điểm cầu nguyên liệu cao hơn cung khiến giá nhập vào tăng cao. Có nhiều nhóm hàng, giá đầu vào tăng trên 100% chưa kể các chi phí đầu tư từ doanh nghiệp.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, nói so với giai đoạn thấp điểm, giá dầu thực vật đã tăng mạnh trong 9 tháng qua do nguồn cung trên toàn cầu khan hiếm kết hợp với nhu cầu sử dụng cao. Trung bình mỗi thùng dầu trước đây khoảng 14.000 một kg nay tăng lên 32.000 đồng, tức tăng hơn 100%. Những tháng cuối năm, giá nguyên liệu này vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống.

Cùng với giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi cũng tăng 60-70% so với năm ngoái. Theo ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, cũng chính vì giá nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi như đậu tương, đậu bắp, giá con giống tăng quá cao, giá thành phẩm để nuôi một con heo cũng tăng gần 40% lên 55.000-60.000 đồng một kg. Do đó, khi giá heo hơi lao dốc xuống 35.000-40.000 đồng một kg, người chăn nuôi lỗ nặng.

Ngoài giá nguyên liệu để sản xuất hàng hoá thì giá các vật dụng để đựng sản phẩm cũng tăng chóng mặt. Theo các doanh nghiệp sản xuất, giá nguyên liệu bao bì tăng 40-50% từ cuối năm 2020 cho đến nay.

Song song với giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển hàng hoá cũng đã tăng 30% so với đầu năm. Nguyên nhân là giá xăng liên tục lập đỉnh mới trong thời gian qua. Giá xăng RON95 có giai đoạn lên sát 25.000 đồng một lít, cao nhất 7 năm và chỉ còn cách 80 đồng so với đỉnh lịch sử tháng 7/2013.

Ở nhóm các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp, giá phân bón tăng "chóng mặt", phân Urê và SA đã lập đỉnh trong tháng 11, tới nay dù có hạ nhiệt nhưng vẫn đứng ở mức 1 triệu đồng một bao (50 kg). Giá Kali bột được dự báo tiếp tục duy trì ổn định ở mức 13-13,5 triệu đồng một tấn và xu hướng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 2 năm sau.

Trước áp lực của giá nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công và quản lý, chi phí vận chuyển tăng cao khiến giá nhiều hàng hoá bán ra thị trường tăng vọt.

Điển hình, giá gas hồi tháng 11 lên tới 500.000 đồng một bình 12kg. Dầu ăn tăng 10-20% lên 37.000-58.000 đồng một lít (tuỳ loại), giá các mặt hàng thuỷ hải sản cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt bằng chung giá các loại bánh kẹo phục vụ cho mùa Tết năm nay tăng 10-20%.

Với các sản phẩm chế biến sẵn, các doanh nghiệp liên tục tung ra chương trình khuyến mãi nhưng mặt bằng giá chung vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 10-20%.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc bộ phận kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho rằng xu hướng tăng giá là tất yếu vì tất cả chi phí đầu vào từ nguyên phụ liệu nhập khẩu lẫn trong nước đều tăng vọt. Rau củ, trái cây cũng đang tăng giá nhẹ do trái mùa, sản lượng thấp và tỷ lệ hao hụt cao.

Trước xu hướng leo thang của giá hàng hoá, nhiều doanh nghiệp cho biết đã rất nỗ lực để cân đối chi phí, tránh tăng giá đột biến lên sản phẩm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu nhập của người lao động giảm sút, sức mua những tháng cao điểm cuối năm đang giảm 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, tiếp tục khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngày càng teo tóp.

Dự báo năm 2022, Chứng khoán VnDirect cho rằng giá hàng hoá tiếp tục leo thang. Với các mặt hàng nông nghiệp, giá được dự báo giảm nhẹ vào năm 2022 khi điều kiện nguồn cung cải thiện. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của họ nhận thấy rủi ro tăng giá đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào cao (đặc biệt là phân bón) trong 6 tháng năm 2022, có khả năng đẩy lạm phát giá thực phẩm lên cao.

Thi Hà

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020