Chuyên mục  


TS. Adam McCarty là người sáng lập, đồng thời là chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Mekong Economics. Sing ra và lớn lên tại Úc, đến năm 1990 ông quyết định chuyển đến Việt Nam. Ông Adam cho biết, giờ đây, ông không còn "mù mờ" với Việt Nam như trước nữa.

Giới chuyên gia cho rằng làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới tại các trung tâm sản xuất chủ chốt ở châu Á như Việt Nam có thể ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tác động đáng kể đến lạm phát của Mỹ. Điều này có ảnh hưởng như thế nào với Việt Nam trong chuỗi cung ứng hiện nay?

Thực chất, lạm phát đang gia tăng tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác bởi các chính phủ vừa qua đã chi rất nhiều, và mức lãi suất ở các nền kinh tế này thường ở mức gần bằng 0. Người dân tại các quốc gia này cũng tiết kiệm rất nhiều trong giai đoạn dịch bùng phát toàn cầu trước đó, nên nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ từ lâu đã bị dồn nén.

Những yếu tố trên gộp lại có thể gây ra sự gia tăng của lạm phát. Điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Đồng USD tiếp tục xu hướng giảm giá nhẹ trong thời gian qua, đồng thời nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì trạng thái dồi dào, nhờ hoạt động xuất nhập khẩu và triển vọng về dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Chừng nào lạm phát Việt Nam không vượt ra khỏi tầm kiểm soát, thì vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Năm 2020, khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các doanh nghiệp mất các đơn hàng vì cầu giảm. Nhưng hiện nay cầu lại tăng mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cho rằng họ có quá nhiều đơn hàng và làm không hết. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp vẫn sản xuất được trong bối cảnh chống dịch?

Đúng là chuỗi cung cầu nền kinh tế hiện nay đang gặp rất nhiều bất định. Có thể tháng sau chúng ta vẫn chưa kiểm soát được các đợt bùng phát và các doanh nghiệp không thể đáp ứng được toàn bộ đơn hàng. Việc duy nhất có thể làm được hiện nay là sống chung với dịch bệnh. Nhưng tôi cho rằng việc các đơn hàng tăng mạnh chắc chắn là tín hiệu tốt.

Bởi một số ngành đã bị tàn phá nặng nề, điển hình như dịch vụ, du lịch… Nhưng ít nhất trong lĩnh vực sản xuất và thương mại quốc tế cũng đang có những ảnh hưởng tích cực. Mặc dù chúng ta vẫn đang, và chắc chắn trong tương lai cũng còn gặp nhiều các khó khăn về cung cầu, như không đủ nguồn cung cho sản xuất, hay doanh nghiệp không thể đáp ứng hết các đơn đặt hàng.

Song điều này cũng có nghĩa là thương mại không bị tắc nghẽn. Vậy thì tôi nghĩ, điều duy nhất doanh nghiệp có thể làm đó là tiếp tục những gì họ đang làm, sau đó họ sẽ vượt qua giai đoạn này.

Liệu có khả năng chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển trở lại Trung Quốc, khi số ca nhiễm tăng cao ở Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài ra thì hoạt động du lịch quốc tế đóng cửa nên các nhà máy như Foxconn hay Samsung cũng không thể cử nhân viên đến Việt Nam để mở rộng nhà máy được?

Bản thân tôi thì không nghĩ vậy. Khi chọn một quốc gia là điểm đến đầu tư, những nhà đầu tư nước ngoài phải mất rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định. Bởi thế, các quyết định này cũng sẽ không bị thúc đẩy chỉ vì một đợt bùng nổ ngắn hạn của Covid-19 ở nơi này hay nơi khác. Nhà đầu tư sẽ không thay đổi quyết định của mình ngay lập tức chỉ vì một sự kiện xảy ra tuần trước, hay ngay cả tháng trước. Bên cạnh đó, các dự báo đều cho rằng muộn nhất vào cuối năm sau, còn nếu không sẽ là giữa năm sau, chúng ta sẽ có thể hoàn toàn mở cửa.

Ngay cả ở Ấn Độ, nơi đang trải qua một giai đoạn bùng phát tồi tệ nhất, thì các nhà đầu tư cũng đã bỏ đi đâu?

Covid-19 hiện sẽ không còn là yếu tố chính tác động đến các quyết định đầu tư xuyên biên giới nữa. Quan trọng hơn hết là những yếu tố dài hạn, chẳng hạn như chiến lược "Trung Quốc + 1", hay rủi ro đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu.

Đó là lý do vì sao hàng loạt doanh nghiệp đã dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí cả những doanh nghiệp Trung Quốc.

Một lý do khác để Việt Nam "đánh bật" các đối thủ như Ấn Độ hay Indonesia đó là các chính sách thu hút đầu tư. Trong khoảng 5 – 10 năm qua, các chính sách về chi phí, giá nhân công của các nước này đã không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư nữa. Đó là lợi thế khiến Việt Nam dẫn đầu trong danh sách điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp ngoại.

Điều gì đã đưa ông tới quyết định chọn Việt Nam? Và điều gì đã giữ ông ở lại?

Khi còn là sinh viên, trong quá trình học tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, tôi phải chọn một đề tài để hoàn thành luận án và tôi quyết định nghiên cứu về Việt Nam. Lúc bắt đầu quyết định là vào năm 1989, sau 3 lần liên hệ, tôi nhận được lời mời đến Việt Nam trong 6 tuần, vào năm 1990 để tìm đề tài luận án.

Sau đó tôi có 6 tháng làm việc tại Viện kinh tế Thế giới cùng TS. Võ Đại Lược, cùng nghiên cứu và khảo sát về thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình tại Hà Nội.

Khi thực hiện cuộc khảo sát này, tôi đã tập trung vào vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong việc đóng góp GDP của cả nước. Đó cũng là cơ sở cho nghiên cứu của tôi. Kể từ đó, tôi bắt đầu công việc tư vấn. Tôi thành lập Mekong Economics vào năm 2001, là giảng viên của trường Đại học Kinh tế trong 4 năm trước đó theo chương trình Thạc sĩ của Hà Lan.

Trước đó, tôi cũng là cố vấn của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), làm việc cùng với TS. Lê Đăng Doanh. Tôi có hai cậu con trai, vợ Việt Nam, "the whole package" (cười). Tôi thích cuộc sống tại Hà Nội, công việc và cả đồ ăn nữa.

Khi thành lập Mekong Economics, ý tưởng của ông là gì? Hoạt động của Mekong Economics đang diễn ra như thế nào trong giai đoạn này?

Khi tôi đang thực hiện dự án liên quan đến chương trình thạc sỹ tại Đại học Kinh tế, nhiều người đã tìm đến và hỏi tôi rằng tôi có thể giới thiệu cho họ chuyên gia trong lĩnh vực này, hay trong dự án nọ. Lúc ấy tôi nhận ra rằng tôi có thể thành lập một tổ chức, và đó là lý do công ty tư vấn Mekong Economics được thành lập. Nhiều cựu sinh viên tôi từng dạy ở Đại học Kinh tế đến nay vẫn làm việc tại Mekong Economics.

4 năm đầu, hầu như chúng tôi không tạo ra lợi nhuận vì tôi đâu biết cách điều hành công ty như thế nào đâu (cười). Nhưng chúng tôi học bằng việc tiếp tục làm, tiếp tục hoạt động. Văn phòng lớn nhất của chúng tôi hiện đang ở Myanmar, với khoảng 20 nhân viên tại đó. Tại Hà Nội thì có khoảng chục nhân viên, hầu hết làm công việc hỗ trợ phát triển.

Tuy nhiên, hiện văn phòng tại Myanmar đang bị ảnh hưởng bởi Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dừng các dự án của họ tại đây. Tại Việt Nam, Mekong Economics hiện đang có một số dự án về thương mại, đầu tư năng lượng gió phía nam…

Quỳnh Lê

Theo Trí thức trẻ

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020