Chuyên mục  


Cuộc kiểm toán về phát triển năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái, được tiến hành tại 4 tỉnh, gồm Khánh Hoà, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Phú Yên trong 1,5 tháng (8/8 - 21/9/2022). Tồn tại, vi phạm chủ yếu được cơ quan kiểm toán chỉ ra trong phê duyệt quy hoạch, quản lý nhà nước của Bộ Công Thương về điện mặt trời.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Bộ Công Thương đã phê duyệt dự án có ranh giới trùng với một số quy hoạch khác đã có. Số này gồm các dự án như Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu - Điện lực 1; nhà máy điện mặt trời Adani Phóc Minh; nhà máy điện mặt trời Thuận Nam Đức Long và dự án điện mặt trời SP Infra 1.

Việc phê duyệt bổ sung quy hoạch, theo đó xác định diện tích đất thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh 68,5 ha, công suất 45 MWp, vượt 14,5 ha so với quy định.

Bộ này cũng phê duyệt vị trí quy hoạch thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Long Sơn, điện mặt trời Trung Sơn có một phần diện tích trùng với quy hoạch 3 loại từng được duyệt, lần lượt hơn 54,5 ha và 8,6 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất.

Hay với dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời xanh Sông Cầu, Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh khi một phần ranh giới quy hoạch dự án trùng với dự án trồng rừng phòng hộ ven biển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015-2020.

Một dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần

Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt bổ sung dự án điện mặt trời Điện lực miền Trung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hoà, giai đoạn 2011-2015, xét đến 2020, nhưng tại thời điểm phê duyệt, quy hoạch trên đã hết hiệu lực. Tại quy hoạch giai đoạn sau đó của tỉnh (2016-2025), dự án này không có trong danh mục dự án nguồn điện.

Vấn đề nữa được Kiểm toán Nhà nước nêu, là Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ, nhưng không nêu rõ tiến độ dự kiến hoặc thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án. Điều này dẫn đến không có cơ sở đánh giá sự phù hợp giữa kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy điện với quy hoạch phát triển điện lực đã được Thủ tướng phê duyệt; cũng như tình hình phụ tải, lưới điện trong khu vực.

Kiểm toán nhà nước cũng nhắc đến những hệ lụy về trách nhiệm quản lý trong phát triển điện mặt trời mái nhà. Cơ quan này cho rằng có sự không thống nhất giữa các quyết định phát triển loại năng lượng này (Quyết định 11 và 13 của Thủ tướng) với các luật liên quan, như Luật Xây dựng...

Cơ quan kiểm toán đề nghị Bộ Công Thương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định với số dự án phê duyệt vượt quy hoạch, kế hoạch. Những vấn đề còn lại, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bộ tổ chức rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân liên quan.

"Cần có chính sách dài hạn để phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có lộ trình phát triển phù hợp với điện mặt trời mái nhà, để giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng sạch...", Kiểm toán Nhà nước góp ý.

Theo quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo mà Việt Nam đặt ra ở mức 850 MW đến năm 2020, tăng lên 4.000 MW vào 2025 và đạt 12.000 MW vào 2030.

Nhờ cơ chế ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm cho các dự án điện năng lượng tái tạo, loại năng lượng này phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn với công suất lắp đặt tăng nhiều lần so với quy hoạch đề ra. Đến hết 31/12/2020, tổng công suất đặt điện mặt trời mặt đất là hơn 8.570 MW, còn điện mặt trời mái nhà có công suất đặt lên tới 9.300 MW với hơn 100.000 công trình.

Hồi tháng 9, góp ý về dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát chuyên đề về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ điện gió, mặt trời phát triển vượt quy hoạch ảnh hưởng ra sao tới năng lượng quốc gia.

Anh Minh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020