Chuyên mục  


Vốn FDI trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 4,4% trong bối cảnh khó khăn chung vì Covid-19 (Ảnh: T.H).

Thông tin tại buổi họp báo Tổng cục Thống kê tổ chức sáng nay (29/9), bà Chu Thị Hải Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, đã có những chia sẻ trước những lo ngại việc doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam vì khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể theo bà Vân, số liệu thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.

"Có thể thấy, vốn FDI trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 4,4% trong bối cảnh khó khăn chung vì Covid-19", bà Vân nói.

Bà Vân cho biết, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu từ năm 2020 đến nay, trong suốt thời gian đó tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả FDI rất khó khăn.

Với đợt bùng phát lần thứ 4, đáng lưu ý là đợt dịch này ảnh hưởng đến các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên việc thu hút FDI vẫn tăng.

"Suốt quá trình gần 2 năm qua, dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ, các địa phương luôn đồng hành cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Nhiều nhà đầu tư FDI bày tỏ sự tin tưởng vào việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam", bà Vân cho hay.

Bà Vân lý giải, số dự án mới giảm chủ yếu do các dự án nhỏ dưới 5 triệu USD giảm, tuy nhiên điểm tích cực là Việt Nam đón nhiều dự án lớn với quy mô hàng tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm nay, nhiều dự án vốn lớn vào Việt Nam, điển hình như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD. Tiếp đến có thể kể tới Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD.

Một số nhà đầu tư FDI lớn thì tiếp tục điều chỉnh tăng vốn, rót thêm tiền vào Việt Nam như: Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD; Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD...

"Trong bối cảnh khó khăn thách thức, Chính phủ vẫn luôn nỗ lực hết sức. Tôi khẳng định thêm môi trường đầu tư với những lợi thế của Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị như chính trị ổn định, lao động dồi dào, thị trường lớn, năng suất lao động được cải thiện… Tôi tin rằng các nhà đầu tư FDI sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam", đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Cũng theo bà Vân, dịch bệnh xảy ra trên toàn thế giới, nhiều nước có diễn biến phức tạp không riêng gì Việt Nam. "Hiện ở Việt Nam dịch đã cơ bản được khống chế, nhiều tỉnh thành đang thực hiện lộ trình bình thường mới. Khó khăn là nhất thời, sau khó khăn mọi cái sẽ phục hồi, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Với sự đồng hành của Chính phủ, tôi tin không có chuyện doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam", bà Vân chia sẻ.

Nguyễn Mạnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020