Chuyên mục  


Ngày 25-3, đoàn liên ngành do Bộ Kế hoạch và Đầu tư có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa để triển khai xây dựng đề cương báo cáo đánh giá toàn diện tình trạng du lịch giá rẻ và tác động đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hàng loạt vấn đề bất ổn

Tại buổi làm việc, ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết năm 2018, tỉnh này đón hơn 6,3 triệu lượt khách, trong đó có 2,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 37% so với năm 2017. Đặc biệt, khách Trung Quốc (TQ) chiếm gần 1,9 triệu lượt, khoảng 67% và tăng 153% so với năm 2017. Để đón được nhiều khách, các doanh nghiệp (DN) lữ hành trong nước sẵn sàng nhận tour giá rẻ từ các đối tác nước ngoài. Và để bù đắp chi phí, họ đưa khách tới những điểm mua sắm với giá cao nhưng chất lượng hàng hóa không bảo đảm, ảnh hưởng hình ảnh du lịch Nha Trang.

Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc các cơ sở kinh doanh sử dụng thẻ của ngân hàng TQ quẹt máy thanh toán trực tuyến (POS) của ngân hàng TQ phát hành hoặc thông qua ví điện tử Alipay, Wechat Pay cũng của TQ là những thủ đoạn tinh vi khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát dòng tiền, doanh thu.

Du khách Trung Quốc đi tour giá rẻ bị dẫn vào các cửa hàng mua sắm nhưng không bảo đảm chất lượng.

Ông Trần Sỹ Quân, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận việc quản lý thuế ở các DN phục vụ cho các tour giá rẻ rất khó kiểm soát. "Tour du lịch giá rẻ nghĩa là bán tour không lãi nhưng dẫn khách đến các điểm mua sắm nhằm hưởng chênh lệch, hoa hồng. Như việc một sản phẩm chỉ 20.000 đồng nhưng bán đến 3 triệu đồng để chi trả cho các khoản phí. Đặc điểm các cửa hàng này là dù đầu tư quy mô rất lớn nhưng đều đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh, nghĩa là không cần khai báo đầu vào, còn thuế chỉ thuế khoán. Mỗi năm chỉ được phép điều chỉnh 1 lần. Những hộ này chuyên bán hàng cho khách nước ngoài, giá được đẩy cao, chiết khấu và hoa hồng cho các tour" - ông Quân cho biết.

Cơ quan quản lý bị động

Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận các cơ quan chức năng ở địa phương đang hết sức lúng túng khi áp dụng các quy định hiện hành để xử lý, hạn chế các tiêu cực từ tour giá rẻ. Việc đề nghị phải có giá sàn áp dụng cho các dịch vụ cũng rất khó thực hiện trong thời điểm cạnh tranh hiện nay. Tuy nhiên, các mặt hàng phục vụ du lịch nếu không nằm trong danh sách quản lý về giá thì không biết thế nào là đạt chất lượng. Hay như hiện nay, Luật Quản lý giá không còn phù hợp theo kiểu "niêm yết giá, bán theo giá niêm yết" vì thực tế giá cả thị trường rất uyển chuyển. "Thời tiết khác bán giá khác, số lượng khác giá cũng khác. Ngay cả với lưu trú, ngoài phòng khách sạn còn căn hộ du lịch, thuê căn hộ... Bên cạnh đó, các giao dịch thương mại điện tử cũng bùng nổ, mọi việc như đặt phòng, đặt dịch vụ toàn bộ thực hiện qua mạng. Chúng ta không thể quản lý được dòng tiền nên không tính thuế được" - ông Hải nói.

Một cửa hàng cho phép du khách dùng ví điện tử Wechat Pay của Trung Quốc để thanh toán hàng hóa dịch vụ

Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho rằng cần có cách nhìn khách quan về tour du lịch giá rẻ. Đây là hình thức cạnh tranh bằng giá, tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh. Thực chất, du khách vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển và các dịch vụ khác tại điểm đến..., góp phần tạo ra doanh thu, việc làm, kích thích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa cho địa phương. "Tôi đi Pháp thấy ở các điểm du lịch, lao động TQ được sử dụng đón khách TQ rất nhiều. Vấn đề là kiểm soát dòng tiền, các sản phẩm nào bán hàng cho người nước ngoài. Chúng ta cần làm rõ việc mua sắm có mang hiệu quả du lịch hay không? Nếu thất thu phải tính toán được tỉ lệ bao nhiêu? Tôi rất băn khoăn về tính hiệu quả của các tour du lịch này, thực sự có phải là tour giá rẻ không?" - ông Phương đặt vấn đề.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngoài Khánh Hòa, đoàn liên ngành sẽ làm việc với Đà Nẵng và Quảng Ninh. Đây là những địa phương được dư luận, báo chí phản ánh nhiều về tour giá rẻ. Đoàn sẽ nắm tình hình quản lý du lịch ở từng nơi, quan tâm đến việc quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý các hệ thống cửa hàng, giá cả về tour tuyến cũng như đánh giá về thuế và giá, việc quản lý dòng tiền ra sao, cơ sở pháp lý như thế nào...

"Hiện nay, ở các tỉnh và ngành đều đưa ra các kiến nghị, giải pháp. Đoàn sẽ tổng hợp, tham khảo các ý kiến để có quan điểm, giải pháp về thuế, thanh toán, quản lý hoạt động mua bán hàng hóa, an ninh trật tự, nguồn nhân lực, quản lý công ty lữ hành, công tác tuyên truyền…" - ông Hải nói. 

Phạt tiền 513 lao động nước ngoài trái phép

Ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết lao động nước ngoài tham gia vào dịch vụ du lịch được cấp phép là 323 người, chủ yếu là người Nga và Đông Âu, chỉ có 9 người TQ. Trong khi đó, theo Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2018, đơn vị này đã xử phạt trên 3 tỉ đồng đối với 513 trường hợp người nước ngoài lao động trái phép.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020