Nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam với kết quả tăng trưởng hàng năm ấn tượng ở cả sản xuất lẫn xuất khẩu. Các mô hình hợp tác xã và kinh tế tập thể không ngừng đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát huy tối đa thế mạnh vẫn còn gặp nhiều rào cản, cần sự vào cuộc, đồng hành của Ngân hàng Nhà nước cùng hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.
Rào cản khi tiếp cận vốn tín dụng
Đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch và hiệu quả trong tình hình mới. Theo đó, các ngân hàng thương mại có nhiệm vụ “tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng” để hướng dòng vốn lớn vào chuỗi nông nghiệp, nông thôn.
Song, theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 10% hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Qua khảo sát trên 300 hợp tác xã, có đến 80% phải vay ở thị trường phi chính sách về hệ thống tín dụng đen với lãi suất cao, thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ việc đáo nợ để chờ vốn tín dụng. Thậm chí, nhiều hợp tác xã phải làm hợp đồng vay nợ từ chính các thành viên để có nguồn vốn xoay vòng cho việc chung dù việc này là trái quy định và chỉ mang tính tình thế.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều nhà nông còn lạc hậu, tự phát, chưa đảm bảo đầu ra... |
Có một nghịch lý tồn tại trong vay vốn sản xuất nông nghiệp. Đó là nguồn không thiếu nhưng khó tiếp cận. Nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng đã “vươn” tới tận từng địa phương, xóm, ấp với các định chế và chính sách hỗ trợ rộng mở. Dù vậy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cái khó của nhà nông được cho là bắt nguồn từ chính họ: Khâu liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ; nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, thiếu phương án tối ưu dẫn đến sản xuất lỗ; phần lớn mô hình còn mang tính chất tự phát, manh mún; các khoản vay nhỏ lẻ; đầu ra bấp bênh...
Tổng hòa những yếu tố trên dẫn đến hồ sơ vay của các nông dân này sau khi thẩm định không thể đáp ứng quy định của ngân hàng trong việc cho vay tín dụng. Cách đây nhiều năm, đại diện Ngân hàng Nhà nước từng chia sẻ không phải các ngân hàng không cố gắng tạo điều kiện, nhưng nếu người nông dân không đáp ứng đủ điều kiện tín dụng mà cán bộ vẫn cố tình cho vay, sau này có thể dẫn đến nợ xấu khiến ngân hàng mất vốn.
Ngân hàng thương mại vào cuộc sâu rộng
Trong nhiều năm gần đây, mức tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường xuyên duy trì ở mức cao, khoảng 10-12%/năm. Đây cũng là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên cho vay, khi ngành ngân hàng hiện có tới 18 chính sách trực tiếp hỗ trợ khối nông nghiệp, nông thôn. Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 1/4.
Các chính sách giúp nông dân tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng ngày càng được cụ thể hóa cho từng vùng miền với những cơ chế riêng nhằm phát huy tối đa thế mạnh địa phương. Tiêu biểu trong đó là vùng đồng bằng sông Cửu Long với lúa, tôm, cá; khu vực Tây Nguyên với cây cà phê, cây công nghiệp; khu vực miền núi phía Bắc hay đồng bằng sông Hồng... Ngoài ra, khi ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai, dịch bệnh... ngân hàng cũng luôn kịp thời khắc phục hậu quả.
Nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên cho vay của ngành ngân hàng. |
Trong số 80 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân với mạng lưới phủ khắp toàn quốc đang tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn, HDBank đang cho thấy hiệu quả trong hướng đi chiến lược - tập trung bao phủ sản phẩm dịch vụ, điều chuyển vốn về các thị trường khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều năm qua, ngân hàng đã triển khai tài trợ thành công các chuỗi nông nghiệp có quy mô lớn như Lộc Trời, CP, Unilever… Đây cũng là khu vực tập trung khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các hộ gia đình kinh doanh mà nhà băng này đang dành hàng chục nghìn tỷ đồng để đáp ứng dư nợ.
Ở khía cạnh đồng hành, HDBank là đối tác xuyên suốt của Festival lúa gạo Việt Nam; hợp tác Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) và TikTok Việt Nam triển khai chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản địa phương trên nền tảng số và thương mại điện tử; hướng dẫn và thúc đẩy người dân ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt...
Dấu ấn lớn nhất của ngân hàng này là dịch vụ HDBank Nông thôn với ứng dụng di động được thiết kế giao diện hiện đại, mang đậm dấu ấn nông nghiệp Việt cùng cách phân bổ tài nguyên thông minh. Trên ứng dụng này, người dùng có thể theo dõi tình trạng khách hàng, doanh số, hoa hồng, bản tin nông nghiệp, bản tin ngân hàng, các khoá đào tạo, tài liệu hướng dẫn... từ đó dễ dàng quản lý và làm việc hiệu quả hơn.
HDBank Nông thôn giúp nhà nông dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Song song đó, ngân hàng còn triển khai ưu đãi “Cho vay nông nghiệp, nông thôn” dành cho khách hàng cá nhân đăng ký khoản vay mới thông qua chương trình cộng tác viên trên ứng dụng với các đặc điểm: Lãi suất cho vay ưu đãi 0%/năm trong tháng đầu tiên; 4,5%/năm trong 6 tháng đầu; 6,5%/năm trong 12 tháng đầu; 8,5%/năm trong 24 tháng đầu. Đây mức lãi suất tốt dành cùng số tiền cho vay ưu đãi lớn và không giới hạn.
Sự vào cuộc sâu rộng hơn của ngành ngân hàng nói chung và HDBank nói riêng đã góp phần khai thông nguồn vốn tín dụng cho nhà nông trên cả nước. Cùng với những hoạt động tín dụng xanh khác, ngành ngân hàng đang cho thấy sự chung tay cùng Nhà nước trên hành trình xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững song song bảo vệ môi trường. Với lối đi riêng và bền bỉ của mình, HDBank cũng đang từng bước mở ra kỳ vọng để ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới những kỷ lục mới, xác lập vị thế mới trên trường quốc tế.