Chị Hoa, chủ quán bún riêu trên đường Lê Đức Thọ (TP HCM) cho biết, mới mở cửa trở lại được 2 tuần nay nhưng chị phải chịu quá nhiều áp lực từ giá xăng dầu tăng liên tiếp đẩy giá nguyên liệu lên cao. Giá gas và chi phí nhân công theo chị cũng tăng phi mã.
"Mấy ngày nay, cân đo đong đếm mãi tôi mới quyết định tăng giá tô bún riêu từ 17.000 đồng lên 20.000 đồng. Khách khó chịu nhưng nếu không tăng tôi sẽ bị lỗ do giá nguyên liệu, chi phí khác tăng", chị Hoa nói.
Tăng hẳn 5.000-10.000 đồng cho một tô bún bò, chị Linh chủ quán bún bò trên đường Lê Văn Thọ cho biết, rất khó để kìm giá khi nguyên liệu đầu vào xăng dầu, gas tăng giá mạnh. "Nếu trước, các tô thông thường chỉ 30.000-35.000 đồng, nay không có tô nào dưới 40.000 đồng", chị Linh nói.
Tương tự, quán hủ tiếu đêm trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) cũng vừa mới tăng giá sản phẩm thêm 5.000-7.000 đồng tùy loại. Hiện tại, giá hủ tiếu lên 35.000 đồng một tô, bún mắm lên 50.000 đồng một tô.
Hay quán bún riêu trên đường Đặng Dung (quận 1) trước đây bán giá tùy loại 45.000-50.000 đồng, nay tăng lên đồng giá 50.000 đồng một tô.
Quán bún riên trên đường Đặng Dung (quận 1). Ảnh: Tất Đạt
Với các doanh nghiệp F&B kinh doanh theo chuỗi, thay vì chọn tăng giá ngay lúc này, họ chọn cách giảm hoặc cắt khuyến mãi dù đáng ra phải tìm cách để kích cầu.
Đại diện chuỗi nhà hàng Đậu Homemade cho biết, giảm quảng cáo, khuyến mãi hơn so với mọi năm để bớt áp lực tăng giá. Trong khi đó, hệ thống nhà hàng Hàn Quốc Hanuri tại TP HCM cũng vừa thông báo buộc phải dừng khuyến mại thay vì cho giảm 10% vào khung giờ trưa từ 11h đến 13h như trước đó.
Đang cắt bớt khuyến mãi giảm giá nhưng chủ chuỗi các nhà hàng trên cho biết, thời gian tới, nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, cộng hưởng với chi phí vận chuyển hay giá xăng, dầu và gas tiếp tục tăng cao, họ sẽ phải tăng giá bán vì không thể "gồng" được nữa.
Ông Nguyễn Hoài Phương - CEO Gong Cha Việt Nam cho biết, chưa thể tăng giá ngay nhưng công ty sẽ tăng giá sản phẩm đối với người tiêu dùng vào năm sau, tức chỉ hơn một tháng nữa.
Ông Phương lý giải, cần tăng giá vì chuỗi trà sữa này đã ghi nhận "bộ ba tăng giá" gồm nguyên vật liệu nhập khẩu, cước phí vận chuyển tàu thuyền quốc tế và cước vận chuyển nội thành.
"Tất cả đều đang là áp lực dồn lên cho công ty với bối cảnh tình hình kinh doanh chỉ mới phục hồi tầm 50-60%", ông Phương nói.
Nhân viên đang chuẩn bị món ăn tại một quán bún đậu. Ảnh: Tất Đạt
Lý giải nguyên nhân giảm các chương trình khuyến mãi, đại diện Đậu Homemade cho rằng, ngoài giá cả nguyên liệu tăng mạnh, chúng còn khan hiếm và khó khăn trong khâu vận chuyển nên đẩy giá đầu vào tăng cao.
"Chuỗi nhà hàng chúng tôi có rất nhiều nguyên vật liệu được chuyển từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào TP HCM. Một phần rau chuyển từ các nhà vườn đối tác và trang trại riêng của công ty ở Lâm Đồng", đại diện Đậu Homemade dẫn chứng thêm.
Chưa kể, hiện giao thông liên tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc, trong khi đó, việc xét nghiệm góp phần đẩy chi phí doanh nghiệp tăng.
Theo khảo sát của VnExpress, giá hàng hoá đầu vào đang tăng 10-70%, giá vận chuyển tăng 10-20%, trong khi đó, giá gas, giá xăng dầu liên tục tăng kỷ lục trong thời gian qua khiến doanh nghiệp, chuỗi nhà hàng, quán ăn "khó chồng khó"
Mới đây, nhiều doanh nghiệp cũng đã đề xuất để tránh tình trạng hàng hoá tăng theo giá xăng dầu thì nhà điều hành cần giảm phí bảo vệ môi trường để kìm giá xăng dầu. Đồng thời, Nhà nước cần tạo chính sách hỗ trợ về thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp bớt khó khăn.
Hồng Châu - Tất Đạt