Sau đợt cắt giảm lãi suất của Fed, nhiều chuyên gia dự báo tỉ giá sẽ hạ nhiệt và dòng tiền khối ngoại sẽ quay trở lại chứng khoán Việt Nam, nhưng mọi thứ đã diễn ra không như kỳ vọng - Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Vì sao giá USD "căng" trở lại
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng gần 2%, đạt mức 105,43 điểm vào tối 6-11 theo giờ Việt Nam.
Đồng USD bật tăng trong bối cảnh bầu cử Mỹ đi vào hồi kết, chủ tịch Hạ viện nước này đã tuyên bố ông Trump đắc cử tổng thống.
Xu hướng mạnh lên của đồng USD gây áp lực tỉ giá trong nước. Các ngân hàng hôm nay đã tăng giá USD.
Tại Vietcombank, giá mua vào - bán ra mỗi USD được niêm yết 25.140 - 25.470 đồng, tăng 10 đồng so với phiên hôm qua.
Đi ngược xu hướng, giá USD thị trường tự do đồng loạt giảm mạnh 180 đồng cả hai chiều phiên hôm nay. Các điểm thu mua ngoại tệ niêm yết phổ biến ở mức 25.600 - 25.700 đồng (mua vào - bán ra).
Tỉ giá USD-VND gần đây "nóng" trở lại. Đồng Việt Nam trước đó chỉ mất giá 1,2% so với USD cho đến cuối tháng 9-2024. Nhưng sang tháng 10, đồng Việt Nam quay lại mất giá hơn 4% so với USD.
Đồng USD mạnh lại khiến một số đồng tiền khác trong khu vực còn mất giá nhiều hơn so với VND bao gồm: JPY của Nhật (-5,1%), KRW của Hàn Quốc (-4,9%)...
Theo chuyên gia phân tích Niên Nguyên thuộc Chứng khoán Shinhan, bên cạnh những yếu tố ngoại cảnh thì một số sự kiện trong nước diễn ra trong tháng 10 đã khiến cho tỉ giá VND/USD tăng mạnh.
Diễn biến tỉ giá - Dữ liệu: VCI
"DXY tăng mạnh cùng với lãi suất liên ngân hàng có thời điểm xuống thấp dưới 3% khiến chênh lệch lãi suất USD - VND nới rộng. Cũng trong tháng, doanh nghiệp và Kho bạc Nhà Nước đẩy mạnh mua USD. Các sự kiến này khiến tỉ giá tăng nhanh 2,9% chỉ trong vòng 1 tháng", chuyên gia Chứng khoán Shinhan cho hay.
Tỉ giá căng, chứng khoán "thấp thỏm"
Chuyên gia Niên Nguyễn thừa nhận, sau đợt cắt giảm lãi suất của Fed, đã kỳ vọng về vấn đề tỉ giá sẽ hạ nhiệt và dòng tiền khối ngoại sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam bắt đầu từ tháng 10. Nhưng mọi thứ đã diễn ra không như kỳ vọng.
Khối ngoại đã tiếp tục bán ròng hơn 11.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10 sau khi Fed hạ lãi suất.
876 |
-1418 |
-11075 |
-5193 |
-19099 |
-16375 |
-8954 |
-4617 |
-2490 |
-11000 |
-2354 |
Chuyên gia Chứng khoán Shinhan cũng cho biết kiểm soát tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện những biện pháp can thiệp như hút tiền ra khỏi hệ thống và bán USD để kiềm lại đà tăng của tỉ giá vào từ ngày 22-10.
"Đồng USD, trái phiếu chính phủ là tài sản an toàn mà nhà đầu tư có thể tìm đến và điều này có thể khiến USD tiếp tục tăng giá đến cuối năm", chuyên gia Chứng khoán Shinhan dự báo.
Chuyên gia Hoàng Thúy Lương - trưởng phòng cao cấp Chứng khoán Vietcap, nhận định nhu cầu trong nước có thể tiếp tục gây áp lực lên tỉ giá USD/VND cho đến khi Kho bạc Nhà nước hoàn tất việc mua vào, trong khi triển vọng về cuộc bầu cử tại Mỹ và giá vàng quốc tế có thể gây thêm rủi ro cho tỉ giá.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Vietcap, động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước có thể giúp giảm áp lực lên tỉ giá USD/VND và tâm lý thị trường ngoại hối. Ngoài ra, Fed có thể tiếp tục giảm lãi suất vào cuối năm nay, nguồn cung ngoại tệ từ thặng dư thương mại, vốn FDI và kiều hối sẽ khiến tỉ giá bớt "nóng". Vietcap dự báo tỉ giá USD/VND sẽ tăng 3% năm 2024.
Vì sao khối ngoại thường rút tiền về khi tỉ giá tăng?
Một trong những lý do khi tỉ giá tăng sẽ khiến cho khối ngoại có xu hướng bán ròng đó là chính là sự gia tăng rủi ro, làm giảm lợi nhuận kỳ vọng.
Theo đó, tỉ giá làm tăng phần bù rủi ro quốc gia khiến cho lợi nhuận kỳ vọng sau điều chỉnh rủi ro của cổ phiếu ở thị trường Việt Nam giảm. Dưới góc nhìn phân bổ tài sản của các quỹ có quy mô toàn cầu, khi lợi nhuận kỳ vọng giảm, các quỹ có xu hướng giảm tỉ trọng nắm giữ tài sản có lợi nhuận kỳ vọng thấp.
Các nhà đầu tư trong nước có xu hướng tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn hơn, trong khi các khối ngoại có thể tạm thời rút vốn để chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn.