Chuyên mục  


Bức tranh xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm qua những con số

Tổng cục Thống kê chỉ rõ việc nhập siêu 1,3 tỷ USD trong cán cân thương mại hàng hóa tại Việt Nam. Con số này tăng so với tháng 7, nhập siêu tháng 7 là 1,25 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 4,71 tỷ USD, cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 13,69 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,36 tỷ USD còn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu 16,65 tỷ USD.

Xét về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói, đây là lần đầu tiên trong năm 2021 mà kim ngạch xuất khẩu Việt Nam bị giảm nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 5, kim ngạch xuất khẩu xuất hiện xu hướng giảm với tốc độ nhanh.

Dữ liệu: GSO

Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phần lớn kim ngạch xuất khẩu lại đến từ khu vực có vốn đầu từ nước ngoài.

Trong đó,  khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 8 tháng đầu năm, đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường khác cũng có mức tăng như sau: Trung Quốc (19,8%), EU (14,5%), ASEAN (23,3%), Hàn Quốc (9,9%), Nhật Bản (8,6%)

Trong cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của 8 tháng, nhóm  hàng công nghiệp chế biến có mức tăng mạnh nhất 22,5%, đạt 189,28 tỷ USD. Các nhóm ngành khác cũng tăng nhẹ bao gồm: nông sản, lâm sản (tăng 14,9%), nhiên liệu và khoáng sản (tăng 3,6%), và thủy sản (tăng 7,1%). Đáng chú ý, 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dữ liệu: GSO

Xét về nhập khẩu, trong tháng 8/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD. Nếu so với tháng 7/2021 thì kim ngạch nhập khẩu giảm 5,5%; còn tăng 21,2 % so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây là mức tăng nhập khẩu thấp nhất các tháng năm 2021.

Gộp chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216, 26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm  ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 76,05 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm nguyên, nhiên, vật liệu có mức tăng cao nhất 41,6%, đạt 107,56 tỷ USD. Các nhóm hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như sau: tư liệu sản xuất (34,4%), máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ( 27,2%), tiêu dùng (24%).

Xuất nhập khẩu giảm sâu vì “ngấm đòn” dịch Covid-19, cước vận tải “leo thang”

Xuyên suốt giai đoạn vừa qua, ngành xuất nhập khẩu gặp không ít khó khăn dưới ảnh hưởng kép của việc giá cước container tăng phi mã và gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19. Theo đó, giá container đã tăng không có dấu hiệu dừng, còn lượng container thì sụt giảm đáng kể, nhất là khi hoạt động ở các bến cảng như Yantian (Trung Quốc) hay Cát Lái bị gián đoạn.

Đáng chú ý, chỉ số CAx của nền tảng giao dịch và cho thuê container cho thấy giá trung bình của các container mọi kích thước từ Yantian đã tăng từ 5.515 USD vào tháng 6 lên mức 15.336 USD trong tháng này. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận tải biển hiện tại ở Việt Nam đã đạt 7000-8000 USD/ container.

Chính việc “leo thang” trong giá cước vận chuyển cả trong nước và quốc tế đã làm giảm lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm nay.  Ngoài ra, việc tiếp cận các container mới với các hãng vận tải cũng vô cùng khó khăn. Đại diện của một công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải biển của Anh cho biết: “Container mới giờ hiếm như vàng, những người mua bình thường thậm chí có tiền, cũng khó có thể tiếp cận được"

Cùng với đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do việc giãn cách xã hội trong vài tháng qua cũng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương, chủ yếu là các tỉnh thành phía Nam, giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, các mức giảm đáng chú ý gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (6,6%), Đồng Tháp (10,9%), Khánh Hòa (7,9%), Bến Tre (6,9%). Trong khi đó, các tỉnh thành này lại là nơi sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như chế biến thực phẩm, kim loại, dệt may.

Đặng Sơn

Theo Nhịp sống kinh tế

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020