Chuyên mục  


Vào tháng 1, Ethiopia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm nhập khẩu phương tiện cá nhân không dùng điện. Quyết định của quốc gia Đông Phi này nhằm giảm bớt áp lực chi tiêu ngoại tệ trong trợ cấp giá xăng, đồng thời thể hiện sự quan tâm với ôtô điện theo xu hướng thế giới.

Đầu tháng này, Ethiopia còn tăng giá nhiên liệu lên tới 8%, một phần trong kế hoạch chấm dứt dần trợ cấp giá nhiên liệu tại quốc gia đông dân thứ hai châu Phi.

Giới chức tuyên bố có một số thành công từ lệnh cấm nhập xe xăng. Hiện hơn 100.000 ôtô điện cập bến nước này mỗi tháng. Chính phủ đặt mục tiêu sản lượng nhập xe điện đạt nửa triệu chiếc mỗi tháng vào 2030. Lúc đó, Grand Renaissance - đập thủy điện mới xây trên sông Nile - sẽ vận hành hết công suất.

Phát biểu trên truyền hình đầu năm nay, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết đập Grand Renaissance bắt đầu phát hơn 5.000 MW một năm, hỗ trợ quá trình nước này chuyển đổi sang xe điện.

Tuy nhiên, quá trình này hiện không suôn sẻ. Tại thủ đô Addis Ababa, thành phố có hơn 5 triệu dân, một số chủ gara có thể sửa chữa ôtô điện cho biết bị quá tải. Nhiều xe điện đang nằm chờ linh kiện đến từ Trung Quốc.

Khi giá xăng dầu tăng vọt ở Ethiopia đầu năm nay, Awgachew Seleshi quyết định mua một chiếc ôtô điện. Nhưng nhiều tháng sau, anh hoài nghi về quyết định này, do đối diện hàng loạt vấn đề, từ nguồn điện thất thường ở thủ đô cho đến khan hiếm phụ tùng thay thế. "Sạc xe là một thử thách. Phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc đắt tiền, ít thợ sửa được ôtô điện và bán lại thì rất mất giá", anh kể.

Một tài xế taxi điện tại Addis Ababa, Ethiopia, ngày 3/10. Ảnh: AP

Thợ cơ khí Yonas Tadelle cho hay có hai hoặc ba gara có thể sửa chữa xe điện trong khi nhiều tài xế thiếu nhận thức về cách chăm sóc phương tiện này. "Là thợ cơ khí, chúng tôi cũng thiếu các công cụ, phụ tùng thay thế và bí quyết để sửa những chiếc xe như vậy", anh nói.

Samson Berhane, nhà kinh tế làm việc tại Addis Ababa nhận xét làn sóng xe điện đột ngột tràn vào thị trường bất chấp cơ sở hạ tầng nghèo nàn, khiến khách hàng khó thích nghi.

"Rất ít người sẵn sàng mạo hiểm mua xe điện do thiếu hạ tầng, thiếu thợ máy chuyên bảo trì. Thị trường tràn ngập các thương hiệu Trung Quốc với nhiều chi tiết đáng ngờ và khó xác định tầm nhìn dài hạn", Berhane nói.

Một số người Ethiopia đã từ bỏ xe điện và việc buôn bán ôtô cũ chạy bằng xăng vẫn tiếp tục. Có ít nhất 1,2 triệu phương tiện trên khắp Ethiopia và chỉ một phần nhỏ là xe điện. Yared Alemayehu mua một chiếc ôtô điện do Trung Quốc sản xuất để chạy taxi. Tuy nhiên, khi xe gặp trục trặc thì thợ từ chối sửa.

"Ngoài chuyện sạc, nó thường xuyên bị hỏng và gara nhận sửa thì tính phí quá cao. Hàng xe xếp hàng chờ ở gara cũng khiến tôi ngợp", anh nói. Cuối cùng, Yared bán lỗ xe điện và mua chiếc Toyota Corolla cũ, sản xuất năm 2007. Chiếc xe có giá đến 20.000 USD, do thuế cao áp lên xe xăng, nhưng anh thấy tin cậy hơn.

Tuy vậy, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Ethiopia Bareo Hassen Bareo tin rằng nước này có thể trở thành một quốc gia kiểu mẫu với nền kinh tế xanh, trong đó ưu tiên xe điện là một thành phần quan trọng. Ông cho biết chính phủ sẽ đầu tư các trạm sạc công cộng và có kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất pin xe điện tại địa phương để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Về dài hạn, chuyên gia kinh tế Samson Berhane cũng lạc quan Ethiopia hoàn toàn có khả năng cung cấp điện cho 500.000 xe trong thập kỷ tới, đồng thời đáp ứng các tham vọng công nghiệp của đất nước.

Phiên An (theo AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020