Chuyên mục  


Sáng 4/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, cho ý kiến về thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn cho các dự án, nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi kinh tế.

Theo Nghị quyết 43 về hỗ trợ phục hồi kinh tế, Quốc hội quyết định tăng chi từ nguồn ngân sách tối đa 176.000 tỷ đồng cho các dự án, nhiệm vụ trong 2 năm 2022 và 2023.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ, cho biết có 113 nhiệm vụ, dự án của các bộ, ngành và địa phương được Chính phủ chọn để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công, nghị quyết của Quốc hội về phục hồi kinh tế.

Tổng vốn của các dự án, chương trình này khoảng 149.200 tỷ đồng. Số vốn này chưa gồm 14.000 tỷ đồng trong lĩnh vực y tế, hơn 11.800 tỷ đồng dự kiến cho 4 dự án cao tốc, quốc lộ của giao thông và 965 tỷ đồng các bộ, ngànhg đề xuất không bố trí vốn từ gói phục hồi.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp bất thường Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 4/6. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương trong vòng 30 ngày phải báo cáo Chính phủ số dự án, danh mục đủ thủ tục đầu tư. Việc quyết định danh mục và phân bổ vốn chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, chỉ được thực hiện sau khi Chính phủ báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng ở lần trình này Chính phủ mới cung cấp thông tin về tình hình, tiến độ triển khai chứ chưa phải danh mục các dự án để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phân bổ vốn.

Như vậy theo ông là "rất chậm", vì sau 4 tháng Quốc hội quyết gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chính phủ mới thông báo số vốn (số kiểm tra) để các bộ, cơ quan và địa phương làm thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư.

Số vốn Chính phủ thông báo hôm nay là hơn 149.200 tỷ đồng, bằng 84,77% vốn Quốc hội cho phép. Khoản tiền còn lại khoảng 26.800 tỷ đồng, ông Cường cho rằng Chính phủ cần khẩn trương thông báo để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách tại phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 4/6. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận thấy danh mục dự án được Thủ tướng thông báo vốn lần này có thay đổi, điều chỉnh so với dự kiến của Chính phủ tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1. Vì thế, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân thay đổi, tính hợp lý và bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc bố trí vốn theo nghị quyết của Quốc hội.

Riêng 3 dự án đường bộ cao tốc (Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về đề xuất của Chính phủ về việc dành 9.620 tỷ đồng trong tổng số gói 176.000 tỷ đồng thuộc Nghị quyết 43 để phân bổ vốn cho 3 dự án đường cao tốc trên. Trong đó, có 3.800 tỷ đồng dành cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ -Sóc Trăng giai đoạn 1; hơn 2.320 tỷ đồng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và 3.500 tỷ đồng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1, với tổng quy mô gần 350.000 tỷ đồng.

Việc gói phục hồi kinh tế triển khai chậm cũng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội diễn ra đầu tuần này. Các đại biểu cho rằng, chương trình phục hồi kinh tế được "thông qua nhanh, nhưng giải ngân lại quá chậm" và tới giờ "chưa qua được vòng thủ tục".

Giải trình cuối phiên thảo luận này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, gói phục hồi kinh tế cần làm "rất thận trọng để tránh sơ suất, trách nhiệm sau này".

Anh Minh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020