Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng dự án này. Năm 2011 - thời điểm nghiên cứu dự án này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đàm phán với phía Nhật Bản để ký thỏa thuận hỗ trợ vốn, công nghệ.
Tại kỳ họp lần thứ 7 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản cuối tuần này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét, rà soát các cam kết đã ký trước đây, để tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam triển khai lại dự án.
Ông Diên cũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục đào tạo nhân lực, gồm đào tạo lại và bổ sung mới, cho Việt Nam thông qua các cơ sở như Đại học Điện lực. Việc này để khi dự án hoàn thành, phía Việt Nam sẵn sàng nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản, ngày 20/12. Ảnh: MOIT
Năm 2024, tổng công suất hệ thống điện khoảng 85.000 MW. Đến năm 2030, tổng công suất điện cần đạt khoảng 150.000 MW, sau đó tăng lên 400.000 - 500.000 MW vào 2050. Do vậy, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Cũng tại cuộc gặp với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam đủ cơ sở pháp lý để sớm tái khởi động dự án. Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối tháng 11, trong đó có nội dung liên quan đến phát triển nguồn năng lượng này. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để sửa đổi Luật năng lượng nguyên tử, liên quan đến công nghệ, an toàn trong phát triển điện hạt nhân.
Nhật Bản là quốc gia phát triển có những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và xử lý sự cố liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân. Do vậy, Bộ trưởng Diên đề nghị phía Nhật Bản giới thiệu các công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn để Việt Nam xem xét, lựa chọn ứng dụng.
Ông Diên cho biết Bộ Công Thương sẽ cùng EVN và địa phương rà soát bổ sung quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Cơ quan này cùng các bên liên quan xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện dự án này.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét giao cho EVN làm chủ đầu tư dự án. Sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới, chủ đầu tư chọn đơn vị tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền cấp phép.
Tính đến cuối tháng 8, thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe và 62 lò đang xây dựng (công suất 64.971 MWe). Điện hạt nhân cung cấp khoảng 10% điện năng sản xuất toàn thế giới và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước. Ngoài 32 nước sở hữu và vận hành các nhà máy, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển loại nguồn điện này để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.
Hiện công nghệ điện hạt nhân đã phát triển, chủ yếu là xây mới lò phản ứng nước nhẹ (LWR) công nghệ thế hệ III+; nghiên cứu, hoàn thiện lò phản ứng thế hệ IV và thương mại hóa lò công suất nhỏ kiểu module (SMR). Công nghệ điện hạt nhân cũng được nghiên cứu phát triển để hỗ trợ khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, phát huy hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp.
Phương Dung