Thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh gây tâm lý chán nản cho nhiều nhà đầu tư - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mở cửa giao dịch ngày 15-11, thị trường chứng khoán tiếp tục có diễn biến tiêu cực khi áp lực bán hiện hữu. VN-Index ngày càng nới rộng biên độ giảm về gần mốc 1.220 điểm lúc khép phiên sáng.
Khối ngoại rút ròng gần 1.500 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán
Hầu hết các nhóm ngành chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch cả ngày hôm nay.
Riêng nhóm bất động sản giảm nhẹ hơn khi một số mã đi ngược thị trường chung với mua chủ động chiếm ưu thế từ đầu phiên và được nước ngoài mua ròng.
Trong đó, nhóm cổ phiếu giữ được sắc xanh gồm: KBC (+2,44%), VRE (+0,55%), SZC (+2,3%), NTL (+0,28%)…
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu "họ" Viettel như VTP (+6,99%), VGI (+1,07%)… cũng mang lại chút sắc xanh tích cực cho thị trường.
Khép phiên cả ba sàn có gần 550 cổ phiếu giảm điểm, đối lập với hơn 200 mã trụ ở sắc xanh. VN-Index vì vậy cũng "bốc hơi" gần 14 điểm, lùi sâu về mốc 1.218 điểm - mức thấp nhất nhiều tháng trở lại đây.
Về xu hướng giá các nhóm ngành, giảm mạnh và gây tác động lớn tới điểm số có tổ chức tín dụng (-1,06%), dịch vụ tài chính (-2,44%), phần cứng (-4,48%), năng lượng (-2,8%), nguyên vật liệu (-1,5%), xe và linh kiện (-1,27%)…
Đáng chú ý nhất vẫn là giao dịch của khối ngoại khi nhóm này tiếp tục rút ròng gần 1.500 tỉ đồng khỏi thị trường chứng khoán.
Các mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất gồm: VHM của Vinhomes (-698 tỉ đồng), FPT (-342 tỉ đồng), SSI (-208 tỉ đồng), VNM của Vinamilk (-104 tỉ đồng), VPB của VPBank (-77 tỉ đồng), TCB của Techcombank (-48 tỉ đồng)…
Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 11
Theo chuyên gia Chứng khoán ABS, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thất bại trong việc chinh phục mốc "cản tâm lý cứng" 1.300 điểm.
Thanh khoản trên thị trường tháng vừa qua cũng ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2024 với trung bình giá trị giao dịch/phiên chỉ đạt hơn 16.000 tỉ đồng.
Chuyên gia ABS dự báo hai kịch bản cho thị trường trong tháng 11.
Ở kịch bản thứ nhất, thị trường tiếp tục suy giảm với thanh khoản giao dịch yếu (10.000 -12.000 tỉ đồng/phiên) về biên dưới của mốc hỗ trợ 1 quanh 1.225 điểm. Khi đó cần xem trên biểu đồ có nến rút chân tương đối mạnh, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua ngắn hạn.
Với kịch bản 2, thị trường giảm qua vùng giá 1.125 với thanh khoản lớn và không cho tín hiệu cầu mua chủ động, nhà đầu tư nên chờ giao dịch ở vùng giá hỗ trợ 2 và hỗ trợ 3. Đây là các mốc hỗ trợ quan trọng thiết lập bởi vùng đáy cũ ghi nhận trong tháng 4 và tháng 8-2024 và đỉnh của năm 2023.
"Thị trường chung đang cho áp lực điều chỉnh giảm, các kịch bản giao dịch hướng tới các chiến lược mua vào vị thế ngắn hạn khi VN-Index và cổ phiếu tiệm cận về hỗ trợ đáng tin cậy", chuyên gia ABS nhấn mạnh.
Nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng vĩ mô như: bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản, công nghệ, thực phẩm…, chuyên gia ABS khuyến nghị.
Tuy nhiên nhà đầu tư nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, có yếu tố cơ bản và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt, thể hiện sức mạnh hơn thị trường chung hoặc các cổ phiếu tạo mô hình đáy…