Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ thiết kế khai thác tàu khách 320km/h, tàu hàng 120km/h - Ảnh minh họa: Chat GPT tạo
Đường sắt tốc độ cao 350km/h vừa chở khách vừa chở hàng thế nào?
Tại tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trình Quốc hội ngày 10-11, Chính phủ đã tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu giải trình báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế về dự án này.
Chính phủ vẫn giữ nguyên quy mô đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hỏa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Với ý kiến cho rằng trên thế giới hiện chưa có tuyến đường sắt nào thiết kế với vận tốc 350km/h, khai thác chung với tàu hàng nên cần đánh giả tính khả thi và mức độ rủi ro của phương án này, Chính phủ cho biết:
Thực tiễn trên thế giới đã khai thác chung tàu khách thiết kế với tốc độ 350km/h chạy chung với tàu hàng như: tuyến Barcelona - Perpignan (Tây Ban Nha - Pháp) dài khoảng 175,5km, khai thác năm 2013, tốc độ thiết kế tàu khách 350km/h, khai thác 310km/h, tốc độ thiết kế tàu hàng 160km/h.
Trung Quốc đã đưa vào khai thác đoàn tàu hàng chạy trên tuyến đường sắt tốc độ thiết kế 350km/h để vận chuyển hàng hóa nhẹ, giá trị cao và hàng thương mại điện tử, khai thác đan xen với tàu khách.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam xác định tốc độ thiết kế tàu khách 350km/h (tốc độ khai thác tối đa 320km/h), tàu hàng 160km/h (khai thác 120km/h). Tư vấn đã sử dụng bán kính đường cong 6.500m và tính toán theo tiêu chuẩn châu Âu cho thấy đáp ứng các điều kiện khai thác an toàn.
Đường sắt tốc độ cao vòng về Nam Định đạt lợi ích cao hơn đi thẳng
Với hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua thành phố Nam Định thay vì đi thẳng từ Hà Nam đến Ninh Bình, Chính phủ cho biết trong quá trình nghiên cứu đã đưa ra 3 phương án để phân tích, so sánh lựa chọn: ga cách trung tâm thành phố 5km; ga cách trung tâm thành phố 12km; tuyến đi thẳng từ Hà Nam đến Ninh Bình, không qua Nam Định.
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua Nam Định - Nguồn: tư vấn TEDI - TRICC - TEDISOUTH
Tuy nhiên, thành phố Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 khoảng 600.000 người, là trung tâm phía nam vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông với các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên... với khoảng 4 triệu dân.
Dự báo đến năm 2050, nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm. Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm đoạn tuyến qua Nam Định (cánh trung tâm thành phố 12km) khoảng 1,66 tỉ USD, trong khi các lợi ích thu được ước khoảng 2,06 tỉ USD.
Như vậy, việc khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao qua thành phố Nam Định có lợi ích ước tính đạt khoảng 400 triệu USD trong vòng 30 năm, so với việc tuyến đi thẳng không qua khu vực này.
Kinh nghiệm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng có tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng qua các trung tâm lớn để thu hút hành khách thay vì đi thẳng.
Về giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ cho biết dự kiến bằng khoảng 60-70% giá vé máy bay bình quân của 2 hãng có thị phần lớn nhất là Vietnam Airlines, Vietjet.
Giá vé sẽ chia làm 3 mức. Dự kiến: vé hạng nhất 0,187 USD/km (khoang VIP); hạng hai là 0,078 USD/km; hạng ba là 0,047 USD/km. Nhu vậy, với chặng Hà Nội - TP.HCM dự kiến vé hạng nhất 7,34 triệu đồng; vé hạng hai là 3,05 triệu đồng; vé hạng ba là 1,83 triệu đồng.
Hiện tại chặng Hà Nội - TP.HCM, đường sắt có các mức vé 1,5 triệu đồng, 1,4 triệu đồng và 960.000 đồng; vé xe khách 1,1 triệu đồng.
Qua đó, Chính phủ nhận định giá vé đường sắt tốc độ cao nêu trên cơ bản hợp lý, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ và với chất lượng dịch vụ cao, tiết kiệm thời gian, an toàn, tiện nghi hơn nên tạo tính hấp dẫn người dân.
Đường sắt Bắc - Nam hiện tại được tiếp tục cải tạo để chở hàng
Với ý kiến đề nghị đánh giá tổng thể chung việc đầu tư hoàn thiện cả 2 hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt hiện hữu để có cơ sở quyết định đầu tư phù hợp, Chính phủ cho biết quá trình nghiên cứu phương án phát triển đường sắt trên hành lang Bắc- Nam đã xem xét nhiều kịch bản.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng trên hành lang Bắc - Nam, tiềm năng, lợi thế của các phương thức và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu đã đề xuất kịch bản xây dựng tuyến đường sắt mới, tốc độ 350km/h để chở khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể chở hàng khi cần thiết.
Tuyến đường sắt hiện hữu sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và khách du lịch có cự ly phù hợp.
Từ năm 2015 đến nay đã từng bước bố trí khoảng 1,2 tỉ USD để cải tạo, nâng cao năng lực thông qua đường sắt Bắc - Nam hiện tại như: nâng cấp các công trình cầu, hầm, ga; nâng cấp khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, hầm qua đèo Khe Nét. Từ nay đến năm 2030 sẽ tiếp tục cải tạo nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến đến năm 2050 (khoảng 18,2 triệu tấn/năm).
Dự kiến việc sử dụng năng lượng điện hoặc nhiên liệu sạch cho đường sắt hiện hữu sẽ được quyết định tùy thuộc hiệu quả đầu tư, công nghệ, hạ tầng trong giai đoạn 2030-2035.