Chuyên mục  


Tờ OLFI của Đan Mạch hôm 2/4 trích nội dung tin nhắn nội bộ được trung tá Sune Lund, chỉ huy tàu hộ vệ tên lửa Iver Huitfeldt, gửi đến cấp trên nhằm phàn nàn về hàng loạt vấn đề với vũ khí và hệ thống quản lý chiến đấu trong 3 tháng chiến hạm này làm nhiệm vụ ứng phó Houthi, bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đỏ.

Iver Huitfeldt là một trong ba chiếc thuộc lớp tàu hộ vệ phòng không cùng tên, được đưa vào biên chế từ năm 2011. Đây là những chiến hạm hiện đại nhất của hải quân Đan Mạch, có mức giá xuất xưởng khoảng 325 triệu USD mỗi chiếc.

Trong tin nhắn, hạm trưởng Lund nói rằng radar mảng pha quét điện tử chủ động APAR chuyên điều khiển hỏa lực và hệ thống quản lý chiến đấu C-Flex gặp trục trặc, khiến chiến hạm này không thể khai hỏa tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM trong vòng 30 phút.

chien-ham-toi-tan-dan-mach-hong-loat-vu-khi-khi-ung-pho-hout-1712111187.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NkgXtL7aiKQw8bX0vBD1IA
Chiến hạm tối tân Đan Mạch 'hỏng loạt vũ khí' khi ứng phó Houthi

Thủy thủ đoàn tàu Iver Huitfeldt đánh chặn UAV Houthi trong video công bố hôm 2/4. Video: BQP Đan Mạch

Chưa rõ sự cố này xảy ra khi chiến hạm tuần tra hay đang đánh chặn vũ khí của Houthi. Trung tá Lund nói rằng đây là vấn đề đã được phát hiện nhưng bị phớt lờ suốt nhiều năm vì hải quân Đan Mạch "không có động lực để nhanh chóng khắc phục sự cố".

Tàu hộ vệ Iver Huitfeldt dường như đã sử dụng tên lửa ESSM để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) của Houthi trong ngày 9/3, đánh dấu lần đầu loại vũ khí này thực chiến trên Biển Đỏ.

Ngoài radar và hệ thống quản lý chiến đấu, đạn pháo 76 mm trên tàu Iver Huitfeldt cũng bị hỏng hóc trong quá trình làm nhiệm vụ ở Biển Đỏ.

Trung tá Lund tiết lộ một số quả đạn đã bị kích hoạt sớm, thậm chí kích nổ ngay sau khi rời nòng và uy hiếp an toàn của chiến hạm. Ông nói rằng loạt đạn pháo 76 mm này xuất xưởng từ đầu thập niên 1990, được lắp ngòi nổ cận đích mới vào năm 2005 để tăng khả năng đối phó với các mối đe dọa trên không.

"Trong lúc chờ những lời giải thích rõ ràng hơn, tôi cần nhấn mạnh vấn đề nghiêm trọng và không thể chấp nhận khi điều động tàu hộ vệ đến khu vực tham chiến với kho đạn gồm nhiều quả mất ổn định như vậy", tin nhắn có đoạn viết.

Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã mở cuộc điều tra liên quan đến hoạt động tác chiến của Iver Huitfeldt tại Biển Đỏ, nhưng không xác nhận những chi tiết do truyền thông nước này công bố.

Tàu hộ vệ Iver Huitfeldt tham gia diễn tập của NATO ở biển Baltic hồi năm 2018. Ảnh: US Navy

Iver Huitfeldt không phải tàu chiến đầu tiên của châu Âu gặp trục trặc khi ứng phó Houthi ở Biển Đỏ.

Tàu hộ vệ tên lửa tối tân Sachsen của Đức đêm 26/2 phóng hai tên lửa phòng không tầm xa SM-2 nhằm vào UAV khả nghi, sau khi không xác định được nguồn gốc và lực lượng vận hành nó. Mục tiêu mà hai tên lửa nhắm tới sau đó được xác định là MQ-9 Reaper của Mỹ, cho thấy đây là sự cố bắn nhầm của tàu chiến Đức.

Điều tệ hơn là cả hai tên lửa SM-2, mỗi quả có giá khoảng 2 triệu USD, đều không trúng mục tiêu, gặp trục trặc kỹ thuật và rơi xuống biển. Quân đội Đức đã lãng phí hơn 4 triệu USD trong nỗ lực "bắn nhầm còn trượt", bị tờ Bild của nước này mô tả là "nỗi xấu hổ lớn".

Vũ Anh (Theo War Zone)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020