Chuyên mục  


Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện 8).

Bộ này cho biết, đối với các dự án nhiệt điện than thì quá trình rà soát trước đây, Bộ đã đề xuất không đưa vào Quy hoạch điện 8 14.120 MW nhiệt điện than, trong đó có 8.420 MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư.

Các dự án này bao gồm Quảng Trạch II, Tân Phước I, Tân Phước II do EVN làm chủ đầu tư; Long Phú III do PVN làm chủ đầu tư; Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I do TKV làm chủ đầu tư. Các dự án này, theo Bộ Công Thương, không có rủi ro pháp lý nếu không xem xét phát triển. Những chi phí phát triển dự án do các tập đoàn đã bỏ ra sẽ được xử lý theo quy định.

Nhiệt điện than chiếm khoảng 31% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện, khoảng 21.383 MW (Ảnh: EVN).

Còn đối với 3 dự án đầu tư theo hình thức BOT, Bộ Công Thương cho biết chủ đầu tư các dự án Vũng Áng 3, Long Phú II đã có văn bản xin rút khỏi dự án và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Còn dự án BOT Quỳnh Lập II mới được Thủ tướng Chính phủ giao Công ty Posco Energy nghiên cứu, phát triển, chưa chính thức giao làm chủ đầu tư.

Công ty Posco Energy cũng đã có nhiều văn bản xác nhận không nghiên cứu phát triển dự án Quỳnh Lập II sử dụng than mà đề xuất chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng khí LNG và nâng công suất dự án.

Tiếp tục được giao rà soát các dự án nhiệt điện than sau cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20/8, Bộ Công Thương cho biết, tới cuối tháng 9, có 39 nhà máy điện than, tổng công suất 24.674 MW đang vận hành.

Hiện còn 12 dự án điện than (công suất 13.792 MW) giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng. Trong đó, 5 dự án chắc chắn đưa vào vận hành, gồm Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1 và Vũng Áng 2. Riêng dự án Long Phú 1 vẫn đang được đàm phán gỡ vướng mắc với nhà thầu.

2 dự án An Khánh Bắc Giang và Na Dương 2, theo Bộ Công Thương, đã có phương án vay vốn trong nước để triển khai tiếp.

Còn với 5 dự án nhiệt điện than còn lại có công suất 6.800 MW, Bộ Công Thương cho biết vẫn đang chuẩn bị đầu tư nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm: Sông Hậu 2, Nam Định 1, Vĩnh tân 3, Quảng Trị 1, Công Thanh.

Tổng số 5 dự án nêu trên thì theo Bộ Công Thương, có tới 4 dự án BOT, chủ đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài. Khó khăn chung của các dự án này là thu xếp vốn, thay đổi nhà đầu tư trong quá trình triển khai.

Tuy nhiên, theo các văn bản gửi Bộ Công Thương gần nhất, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án. Do đó, để tránh rủi ro pháp lý và đền bù, Bộ này đề nghị tiếp tục giữ 5 dự án trên tại dự thảo Quy hoạch điện 8, nhất là các dự án BOT có chủ đầu tư nước ngoài.

Tờ trình của Bộ Công Thương cũng nêu khó khăn cụ thể của từng dự án. Trong đó, dự án Sông Hậu 2 (2.000 MW) được Chính phủ giao Tập đoàn Toyo In Group Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư từ tháng 3/2013. Các hợp đồng BOT, mua bán điện, thuê đất... đã được ký vào tháng 12/2020. Chủ đầu tư thanh toán cho UBND tỉnh Hậu Giang hơn 343,2 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng hiện chưa hoàn thành thu xếp vốn và đang đề nghị được gia hạn ngày đóng tài chính bắt buộc tới tháng 6/2023.

Dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân III (1.800 MW), chủ đầu tư là OneEnergy Ventures Limited (được sở hữu bởi Mitsubishi Corporation Nhật Bản) và CLP Holding Ltd (Hongkong), Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific). Tuy nhiên Pacific chiếm 22% vốn đã rút khỏi dự án, nhưng chưa hoàn thành xong thủ tục. Dự án này tới nay vẫn đang tìm phương án thay đổi các cổ đông sở hữu, đàm phán thu xếp vốn.

Còn tại dự án điện than Nam Định 1. (1.200 MW), đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 4/2017, hiện cũng tìm nhà đầu tư mới thay thế sau khi một cổ đông ngoại là ACWA Power rút vốn.

Với dự án điện than Quảng Trị (1.200 MW), chủ đầu tư là Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi). Tuy nhiên, dự án này gặp khó về thu xếp vốn, nên đang dừng đàm phán các hợp đồng triển khai.

Tương tự, dự án nhiệt điện Công Thanh (600MW) không thu xếp được vốn, chủ đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị chuyển đổi sang sử dụng LNG, tăng công suất lên 1.500 MW.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020