Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 25-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn tỉnh Quảng Bình) đặt vấn đề Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Theo bà Tâm, khái niệm này còn rất chung chung, khó phân biệt để áp dụng trên thực tế. Hiện nay, có nhiều ý kiến không thống nhất trong cách hiểu khi có tình huống phát sinh "nội dung này là hoạt động quảng cáo hay không phải là hoạt động quảng cáo".
Nữ đại biểu dẫn chứng: "Vừa rồi trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Tập đoàn Sơn Hải có gắn một số biển báo giao thông trong đó có nội dung Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm, sau đó đã bị tháo dỡ vì liên quan đến quy định về bảo hành đường bộ".
"Xung quanh việc này thì dự luận đặt ra vấn đề nội dung trên có phải là hoạt động quảng cáo hay không? Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nội dung này để bổ sung vào dự thảo luật, đảm bảo phù hợp thực tiễn và thống nhất trong áp dụng", bà Tâm nêu.
Cũng trong phần thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) đặt vấn đề: "Một phương thức quảng cáo phổ biến là dán quảng cáo ở trên các cột điện, nơi nào cũng có cho nên cần quy định rạch ròi, cụ thể".
Ông Hòa lập luận: "Quảng cáo trên trụ điện cũng được, có ảnh hưởng gì đến quốc gia đại sự đâu. Nếu người ta có xin phép và được cho phép thì cũng được, chứ có gì đâu mà không cho quảng cáo trên trụ điện. Chứ giờ chúng ta cấm nhưng không quản lý được cũng rất khó".
Cần lược bỏ quy định giới hạn tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo
Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề quảng cáo trên báo chí. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính.
Vì vậy ông đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đây là vấn đề rất cần thiết mà chúng ta nên quan tâm, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.
Tranh luận về diện tích quảng cáo trên báo in, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho biết các ý kiến của các đại biểu đều nêu quan điểm nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình.
Tuy nhiên thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo, mà là thiếu quảng cáo.
Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác nữa hiệu quả hơn báo in.
Thị trường có thể biến động, do đó ông Nghĩa ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo và cùng ý kiến với đại biểu Phạm Văn Hòa.