Ngoài một khu nhà bị cháy xém, phần lớn nhà máy năng lượng hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine gần như không chịu ảnh hưởng bởi những cuộc giao tranh cách đây hai tháng. Quân đội Nga cho phép các phóng viên quốc tế tiếp cận địa điểm này hôm qua.
Nhà máy Zaporizhzhia trong chuyến thăm của truyền thông quốc tế hôm 1/5. Video: AFP.
"Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn hoạt động bình thường, tuân thủ mọi quy định an toàn về hạt nhân, phóng xạ và môi trường", tướng Valery Vasilyev, quan chức Lực lượng Phòng hóa, Sinh học và Hạt nhân thuộc quân đội Nga, cho hay.
Mặt tiền trung tâm đào tạo bị cháy hồi tháng 3 vẫn ám màu đen và nhiều cửa sổ bị vỡ vụn, nhưng không có dấu hiệu hư hại nào khác ở khắp nhà máy. Các binh sĩ Nga đóng quân tại khu vực này không có vẻ lo ngại và không mặc trang phục bảo hộ phóng xạ.
"Mọi thứ đều ổn. Cư dân và công nhân nhà máy hạt nhân đều an toàn. Mọi điều kiện thuận lợi đang được duy trì để họ làm việc và bảo đảm an toàn cho nhà máy. Nó đã sẵn sàng bán điện cho châu Âu", Andrey Shevchik, thị trưởng thành phố Energodar với 50.000 dân gần đó, cho hay.
Nhà máy Zaporizhzhia sở hữu 6 trong tổng số 15 lò phản ứng hạt nhân trên toàn lãnh thổ Ukraine, là nơi sản xuất 19% lượng điện của nước này trong năm 2020 và là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Lực lượng Nga giành được địa điểm này sau các cuộc giao tranh đầu tháng 3. Giới chức Ukraine trước đó thông báo nhà máy điện hạt nhân bị cháy sau khi lực lượng Nga bắn nhiều loạt đạn vạch đường về phía cơ sở này, nhưng không xảy ra rò rỉ phóng xạ và hỏa hoạn cũng được kiểm soát sau vài giờ.
Vị trí nhà máy hạt nhân Zaporizhzhya. Đồ họa: Washington Post.
Các chuyên gia của tổ chức Hòa bình Xanh cho rằng Zaporizhzhia là nơi rất đáng lo ngại trong xung đột giữa Nga và Ukraine. Các lò phản ứng tại đây được xây dựng và thiết kế từ những năm 1970, dù đã trải qua giai đoạn hiện đại hóa trong những năm trước xung đột.
Trong trường hợp xấu nhất, những sự cố ngoài dự tính ở Zaporizhzhia có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, khiến các khu vực cách đó hàng trăm km trở thành những nơi khó có thể sinh sống trong hàng chục năm. Nga được cho cũng không thoát khỏi ảnh hưởng nếu kịch bản tồi tệ này xảy ra.
Vũ Anh (Theo AFP)