Chuyên mục  


Trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump hứa hẹn áp thuế nhập khẩu cao, giảm thuế thu nhập, thúc đẩy khoan dầu và đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ.

Điểm thuận lợi là thị trường lao động ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp, ở mức 4,1%. Nhưng tân Tổng thống đối mặt với những trở ngại như lạm phát, thâm hụt ngân sách, căng thẳng thương mại tăng, cũng như hậu quả từ các kế hoạch hạn chế nhập cư và khoảng cách giàu nghèo dai dẳng.

Mỗi vấn đề đều góp phần định hình cách cử tri cảm nhận về một Tổng thống mà họ đã bầu lại vào Nhà Trắng, với mục tiêu cụ thể là cải thiện nền kinh tế.

5 yếu tố kinh tế được giới phân tích cho rằng có thể định hình năm đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump:

Giá cả chưa hợp lý

Theo khảo sát của AP VoteCast vào tháng 10/2024, 4 trong 10 cử tri coi lạm phát là "yếu tố quan trọng nhất" ảnh hưởng đến quyết định chọn Tổng thống. Khoảng hai phần ba nhóm này đã bỏ phiếu cho ông Trump, cho thấy chiến thắng của ông phần lớn nhờ người dân cho rằng chi phí thực phẩm, xăng dầu, nhà ở và ôtô... còn cao.

Vì vậy, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng sẽ là thước đo xem liệu tân Tổng thống có thực hiện lời hứa hay không. Lạm phát thực tế đã tăng những tháng gần đây, từ mức 2,4% vào tháng 9/2024 lên 2,9% vào cuối năm ngoái. Theo các nhà kinh tế, lạm phát có thể tệ hơn nếu ông Trump áp thêm thuế nhập khẩu và giảm thuế thu nhập.

Về nhà ở, cử tri vẫn bức xúc với lãi suất vay thế chấp và giá bất động sản duy trì ở mức cao. Nhà ở chiếm 37% chỉ số giá tiêu dùng. Dù tốc độ tăng giá đã giảm, chi phí nhà ở vẫn tăng 4,6% mỗi năm, so với mức tăng trung bình 3,3% trước dịch Covid-19.

Ông Trump đặt cược rằng tăng sản lượng năng lượng có thể giảm lạm phát, nhưng khai thác trong nước đã gần mức kỷ lục.

Áp dụng thuế quan

Tổng thống Trump tuyên bố mức thuế 25% sẽ được áp dụng với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada từ 1/2 và bổ sung thêm thuế 10% với hàng Trung Quốc.

Lễ nhậm chức của ông Donald Trump hôm 20/1. Ảnh: AFP

Với ông Trump, thuế quan là công cụ phục vụ các mục tiêu chính sách và gây sức ép lên đối tác quốc tế nhằm khởi động các cuộc đàm phán thương mại. Ngoài ra, đây cũng là nguồn thu nhập có thể mang lại hàng nghìn tỷ USD cho ngân sách.

Vì vậy, ông từng tăng thuế trong nhiệm kỳ đầu, giúp doanh thu từ thuế cao hơn gấp đôi, đạt mức 85,4 tỷ USD mỗi năm. Con số nghe có vẻ lớn nhưng thực tế chỉ tương đương 0,4% GDP Mỹ. Theo phân tích từ Đại học Yale và Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tăng thuế quan sẽ làm thêm chi phí cho một gia đình Mỹ.

Điều thực sự quan trọng là liệu ông có thực hiện những lời đe dọa không. Ben Harris, Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Viện Brookings cho rằng thương mại là vấn đề rất phức tạp. "Nhìn chung, hãy quan sát những gì Tổng thống làm, chứ không phải những gì ông ấy nói", ông nói.

Giải quyết nợ công

Tân Tổng thống Mỹ cho rằng của người tiền nhiệm Joe Biden đã khiến nền kinh tế Mỹ tràn ngập lượng tiền vượt khả năng hấp thụ, khiến lạm phát và nợ công tăng. Tuy nhiên, 22% trong tổng số 36.000 tỷ USD nợ công hiện tại xuất phát từ các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, theo Ủy ban Ngân sách Liên bang Trách nhiệm.

Paul Winfree, Chủ tịch kiêm CEO Trung tâm Đổi mới chính sách kinh tế, cảnh báo rằng Mỹ đang tiến gần đến giới hạn tài khóa. Theo chuyên gia này, nếu Tổng thống Trump duy trì được mức tăng trưởng 3%, ông có thể gia hạn các khoản cắt giảm thuế từ năm 2017 sắp hết hạn, giữ nợ công ổn định bằng cách hạ chi tiêu 100-140 tỷ USD mỗi năm.

Rủi ro là chi phí vay và nợ cao hơn có thể hạn chế các hành động của ông Trump. Các nhà lập pháp, những người trước đây coi nợ công là vấn đề của tương lai xa, giờ ngày càng nhìn nhận nó như điều cần giải quyết ngay lập tức, theo Winfree.

Theo ông, cần theo dõi lãi suất với nợ công Mỹ vì nó cho thấy các nhà đầu tư có coi việc vay nợ hiện tại là vấn đề hay không. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện khoảng 4,6%, tăng một điểm phần trăm so với tháng 9.

Hệ quả của siết nhập cư

Ông Trump thường mô tả nhập cư trái phép như một vấn đề tội phạm và an ninh quốc gia. Vì vậy, các sắc lệnh hành pháp của ông khi vừa trở lại Nhà Trắng thể hiện rõ việc siết chặt nhập cư.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Mỹ hiện cần người nhập cư như một phần trong cơ cấu lao động, nếu không thị trường việc làm sẽ bị đình trệ. Theo Cục Điều tra Dân số, khoảng 84% mức tăng dân số ròng nước này năm ngoái đến từ nhập cư, tương đương 2,8 triệu người.

"Người nhập cư làm việc, chi tiêu của họ là thu nhập của người khác trong nền kinh tế", Satyam Panday, Kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings cho biết.

Phân tích của Panday chỉ ra rằng nếu ông Trump đưa mức nhập cư quay lại trung bình hàng năm bằng giai đoạn 2017–2019, tức khoảng 750.000 người, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm từ ước tính 2,7% của năm ngoái xuống còn 2% thời gian tới. Các ngành như xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ giải trí, khách sạn có khả năng gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân viên.

Khoảng cách giàu nghèo

Vợ chồng Priscilla Chan - Mark Zuckerberg (trái), Lauren Sánchez - Jeff Bezos, Sundar Pichai và Elon Musk trong lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1. Ảnh: AP

Sự kiện nhậm chức của Tổng thống Trump có sự tham gia của một số người giàu nhất thế giới, gồm Elon Musk của Tesla, Jeff Bezos của Amazon, Mark Zuckerberg của Meta và Bernard Arnault của LVMH.

Theo Bloomberg Billionaire’s Index, mỗi người trong số họ có khối tài sản từ 200 tỷ USD trở lên. Scott Ellis, thành viên của nhóm Patriotic Millionaires (Những triệu phú yêu nước), cho rằng cần theo dõi mức độ gia tăng tài sản của những tỷ phú này dưới thời ông Trump.

Từ đầu tháng đến ngày 24/1, tài sản ròng của Arnault đã tăng 23 tỷ USD, Bezos thêm 15 tỷ USD, Zuckerberg và Musk lần lượt là 18 tỷ và 6 tỷ USD.

Ngược lại, theo dữ liệu mới nhất từ Cục Điều tra Dân số Mỹ, tài sản trung bình của các hộ gia đình Mỹ chỉ tăng 9.600 USD trong giai đoạn 2021-2022, lên mức 176.500 USD. AP cho rằng, ông Trump sẽ phải tìm cách cân bằng lợi ích giữa các tỷ phú và nhóm cử tri lao động của mình trong thời gian tới.

Phiên An (theo AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020