Chuyên mục  


Bản sắc dân tộc vẫn luôn được gìn giữ

Khi được hỏi về ý nghĩa của Tết Hàn Thực năm nay và món bánh trôi, bánh chay truyền thống, rất nhiều người dân cho thấy tầm quan trọng, ý thức giữ gìn văn hóa cổ truyền dân tộc.

Nghệ nhân ẩm thực ưu tú Phạm Ánh Tuyết chia sẻ: “Nền ẩm thực Việt Nam đã có truyền thống hàng nghìn năm nay. Mỗi một món ăn là một nghệ thuật và có đặc trưng riêng. Từ xa xưa cha ông ta đã biết kết hợp nhuần nhuyễn các hương vị, món ăn với nhau, mùa nào có thức gì thì phối hợp các thức đó với nhau. Đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực chính là ở chỗ đó. Nó đã làm nên "quốc hồn quốc túy" trong các món ăn truyền thống dân gian Việt Nam”.

Cũng theo nghệ nhân Tuyết, như người Hà Nội xưa, Tết Hàn thực là phải có bánh trôi bánh chay. Tuy nhiên, bánh trôi bánh chay Tết Hàn thực khác với bánh trôi bánh chay của ngày mùng 5/5 âm lịch (diệt sâu bọ). Đặc biệt, với ẩm thực của người Hà Nội xưa, vào mỗi độ tháng 3 là mùa hoa bưởi, nên khi làm bánh chay cho Tết Hàn thực thì nhất định phải có hoa bưởi với bột sắn. Tết Hàn thực mang ý nghĩa to lớn trong văn hóa, bản sắc tín ngưỡng của người dân Việt Nam từ xưa đến nay.

Nghệ nhân ẩm thực ưu tú Phạm Ánh Tuyết.

Chị Dương Thị Lan (42 tuổi, Hà Nội) cho rằng: “Bánh trôi bây giờ mua đâu cũng được, ngày Tết người ta bày bán khắp nơi. Nhiều người chọn mua bánh làm sẵn để đỡ tốn thời gian, công sức. Nhưng cá nhân tôi dù bận đến đâu vẫn cố gắng sắp xếp để tự làm, vừa để đảm bảo vệ sinh, vừa là cái tâm của mình với tổ tiên.

Con gái tôi mới 6 tuổi nhưng đã mê làm bánh trôi hơn cả tôi hồi nhỏ. Cho con tự làm giúp con hiểu được ý nghĩa của ngày Tết và từ đó trân trọng hơn những giá trị cổ truyền của dân tộc”.

Giới trẻ cũng thích thú với bánh trôi - bánh chay

Không chỉ với những người lớn tuổi, với tầng lớp bạn trẻ hiện nay, vào dịp ngày bánh trôi - bánh chay (theo cách gọi riêng của nhiều người trẻ) vẫn luôn có sự thích thú, đầy ắp những kỷ niệm bên gia đình cùng làm nên những chiếc bánh thơm, dẻo và ngọt ngào.

Nguyễn Hữu Vinh, 22 tuổi, sinh viên năm tư Đại học Bách Khoa Hà Nội tâm sự, bản thân là con trai, không biết làm bánh và ở nhà cũng thường là mẹ và chị gái sắn tay vào làm. Tết Hàn thực, nhà thường ăn chay, vì thế bánh trôi, bánh chay là món ăn khoái khẩu của cả gia đình.

Đời sống sinh viên phải sống xa nhà, đến những dịp Tết như thế này mới cảm thấy hơi chạnh lòng. Năm nay là năm thứ tư tôi không được ăn bánh trôi rồi! Mặc dù, có thể ra quán ăn hoặc mua về nhà, nhưng như thế cảm thấy không còn ý nghĩa như ăn bánh do chính tay mẹ làm nữa. Có xa nhà mới biết trân trọng những ngày Lễ, Tết khi có gia đình ở bên” - Vinh chia sẻ.

Bé Mai Vân Khanh hí hửng bên đĩa bánh trôi tự tay nặn.

Đối với thế hệ “măng non”, dịp này cũng là cơ hội để các bé học làm bánh, cùng làm nên những chiếc bánh vừa không quá khó, lại rất ngon. Bé Mai Vân Khanh, 6 tuổi (Giảng Võ, Hà Nội) hào hứng kể: “Con được làm bánh trôi hai lần rồi. Ở lớp các cô dạy cách làm bánh trôi nhân mật, còn ở nhà mẹ dạy con làm bánh trôi chấm nước đường. Cả hai món con đều thích! Cô giáo còn tổ chức cuộc thi xem ai nặn bánh trôi đẹp nhất, các bạn ở lớp tha hồ nặn hình dáng khác nhau”.

Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, nhưng hương vị cổ truyền được cha ông gìn giữ lâu đời đến nay vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa. Vào dịp Tết Hàn thực cả nhà quay quần bên nhau cùng làm ra những đĩa bánh trôi, bánh chay chắc chắn sẽ là khoảnh khắc ý nghĩa đối với từng thành viên trong gia đình. Đồng thời thể hiện tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc ta, một nét đẹp mà không dễ để thấy được trên thế giới.

Hữu Oanh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020