Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới và đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà cung cấp máy móc, nguyên vật liệu quốc tế…
Phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng
Vừa qua, tại Lễ khai mạc Triển lãm quốc tế về máy móc, công nghệ và vật liệu ngành Gốm sứ 2023 (Triển lãm Asean Ceramics 2023) diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, những năm qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược về quản lý phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) như Luật Xây dựng, Nghị định về quản lý phát triển VLXD cùng các Thông tư hướng dẫn, Chiến lược Phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050… Cùng nhiều chỉ đạo điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển VLXD, trong đó có vật liệu gốm sứ xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm quốc tế về máy móc, công nghệ và vật liệu ngành Gốm sứ 2023
Đồng thời, các địa phương cũng tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy nhanh thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án. Các doanh nghiệp cũng tích cực đầu tư, triển khai đưa vào vận hành nhiều dự án sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đảm bảo nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.
Với năng lực sản suất và trình độ công nghệ như trong khoảng 20 năm gần đây, ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Về lĩnh vực gạch ốp lát, năm 1994, tại Việt Nam mới chỉ có một dây chuyền sản xuất gạch ceramic công suất 1 triệu m2/năm được đầu tư tại Công ty Gốm xây dựng Hữu Hưng thuộc Tổng công ty Viglacera với dây chuyền thiết bị của hãng WELKO (Italy). Đến nay, với sự tham gia mạnh mẽ của hàng chục nhà sản xuất như Tập đoàn PRIME, Viglacera, MIKADO, CMC, NICE CERAMIC… đã góp phần nâng tổng công suất gạch ốp lát Việt Nam, gồm gạch ceramic, granite và gạch cotto đạt trên 800 triệu m2/năm.
Lĩnh vực sứ vệ sinh trong những năm qua cũng có sự phát triển nhanh chóng. Hiện tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất sứ vệ sinh tại Việt Nam đạt khoảng 26 triệu sản phẩm/năm. Phần lớn các cơ sở sản xuất sứ vệ sinh có công nghệ hiện đại, đồng bộ, mức độ tự động hóa cao, đạt trình độ tiên tiến thế giới.
Tổng công suất gạch ốp lát Việt Nam đã đạt trên 800 triệu m2/năm.
Từ năm 2015 đến nay, các dây chuyền đầu tư mới đều có công suất thiết kế từ 0,6 - 1,2 triệu sản phẩm/năm. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng, công nghệ sản xuất các sản phẩm gốm sứ xây dựng của Việt Nam cũng có những bước tiến nhanh chóng giúp nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.
Về tạo hình sản phẩm gạch ốp lát, một số cơ sở sản xuất đã sử dụng công nghệ cán ép liên tục (công nghệ Continua+) để tạo ra các sản phẩm tấm phẳng kích thước lớn trên 5 m2/tấm; sử dụng công nghệ in men màu kỹ thuật số cho sản phẩm với chất lượng và thẩm mỹ.
Trong công nghệ nung sản phẩm tấm, nhiều nhà máy đã sử dụng lò thanh lăn công suất lớn có hiệu quả năng lượng cao, phát thải thấp. Các cơ sở sản xuất sứ vệ sinh cũng cải tiến công nghệ, nâng cao mức độ tự động hóa trong dây chuyền sản xuất nên có mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, năng lượng thấp.
Khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA), ngành công nghiệp gốm sứ Đông Nam Á đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, trong đó Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng. Năng lực sản xuất hiện tại của Việt Nam đạt hơn 800 triệu m2 gạch ốp lát và 24 triệu sản phẩm sứ vệ sinh. Ngoài ra, lĩnh vực sứ gia dụng cũng đóng góp đáng kể vào ngành công nghiệp gốm sứ. Việt Nam liên tục trong top 10 quốc gia sản xuất gốm sứ lớn nhất thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà cung cấp máy móc và nguyên vật liệu quốc tế. Sự hiện diện của Asean Ceramics tại Việt Nam cho thấy vai trò của của khu vực Đông Nam Á ngày càng tăng trong bức tranh phát triển gốm sứ toàn cầu.
Có thể thấy, gốm sứ là một trong các loại VLXD có vai trò quan trọng trong mỗi công trình xây dựng, đóng góp vào sự phát triển của ngành Xây dựng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trung bình hằng năm, công nghiệp sản xuất gốm sứ đã đóng góp hơn 3 tỷ USD/năm cho GDP của Việt Nam.
Ngoài việc cung cấp đủ nhu cầu thị trường trong nước, sản phẩm gốm sứ xây dựng của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ, châu Âu; trong đó, doanh thu xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 220 triệu USD.
Xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam trong tháng 10/2023 thu về hơn 55,3 triệu USD, tăng 9,9% so với tháng trước.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam trong tháng 10/2023 thu về hơn 55,3 triệu USD, tăng 9,9% so với tháng trước đó. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, nước ta đã thu về hơn 494,8 triệu USD từ mặt hàng này, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, 3 quốc gia lớn nhất nhập khẩu các sản phẩm gốm sứ của Việt Nam phải kể đến Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Đối với thị trường đứng đầu là Mỹ, hết tháng 10 quốc gia này đã chi hơn 100 triệu USD nhập khẩu gốm sứ từ Việt Nam, giảm 22% so với năm 2022. Nhật Bản đứng thứ 2 với hơn 78 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường lớn thứ 3 của gốm sứ Việt Nam với hơn 54 triệu USD, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý trong năm 2022, mặt hàng gốm sứ đã thu về hơn 710 triệu USD, tăng 5,3% so với năm 2021. Ngành Gốm sứ của Việt Nam hiện có quy mô đứng thứ 9 trên thế giới và có nhiều dư địa để phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,2%/năm, chiếm 0,9% tổng trị giá xuất khẩu gốm sứ xây dựng toàn cầu trong năm 2020.
Hy vọng, với sự tăng trưởng nhanh chóng về cả về chất và lượng như hiện nay, ngành Gốm sứ xây dựng Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng trên thị trường quốc tế.
Thúy Vy
(Tạp chí Xây dựng)