Khi tiếp cận đề bài từ chủ nhà, các kiến trúc sư đã để ý tới hai yếu tố, một là bối cảnh tự nhiên, hai là bối cảnh văn hóa. Khu đất xây dựng nằm trong một bản làng xa xôi tại vùng miền Tây Thanh Hóa.
Người dân ở khu vực này có truyền thống sống trong những căn nhà sàn. Đặc điểm nổi bật của nhà sàn là không gian rộng rãi, không chia phòng và không có các vách ngăn che, các thành viên của gia đình sinh hoạt cùng nhau trong một không gian chung, không gian đó được tạo nên bởi chiếc mái rất lớn khá đặc trưng của nhà sàn. Gần đây, do sự chuyển dịch về kinh tế và phương thức xây dựng, người địa phương có xu hướng chuyển sang nhà xây, một phần cũng vì gỗ ngày càng khan hiếm.
Vì vậy, vấn đề được đặt ra là: Làm sao để lối sống, tập quán sinh hoạt lâu đời của người dân không bị thay đổi dù cho chuyển sang ở nhà xây gắn với mặt đất. Để làm được như vậy, thiết nghĩ cần chuyển tải tinh thần của nhà sàn vào căn nhà mới này ở hai thứ: Mái nhà lớn và một không gian sinh hoạt chung rộng rãi dưới chiếc mái đó. Điều đó thể hiện khá rõ trong việc tổ chức mặt bằng và hình thái của phần mái. Mặc dù diện tích xây dựng rất hạn chế, chỉ khoảng 80m2, các KTS đã cố gắng không thay đổi hiện trạng cũng như địa hình xung quanh. Mái nhà hình tam giác và có đường chéo dài hướng ra mặt đường nên kết quả là nhìn từ xa có cảm giác rất rộng rãi.
Về yếu tố khí hậu
Đây là khu vực miền núi và chịu tác động của gió Lào (gió Phơn Tây Nam), mùa hè khắc nghiệt với đặc điểm khô nóng, do vậy, tiện nghi nhiệt là mối quan tâm lớn. Các KTS quy hoạch căn nhà sao cho mặt dài nhất là đường chéo quay về hướng Đông Nam để đón gió mát, căn nhà cao dần về hướng Tây sẽ tạo điều kiện sinh ra bóng đổ mát mẻ hơn ở vùng phía Đông nơi có sân và hiên. Với kiến trúc nhiệt đới, việc tạo ra nhiều bóng đổ tại các không gian sinh hoạt là hết sức quan trọng, vùng sinh hoạt ở đây bao gồm trong nhà, vùng chuyển tiếp (mái hiên) và vùng ngoài trời. Những cây xanh được giữ lại để góp phần tăng lượng bóng đổ lên mái công trình và lên sân trước.
Cốt lõi của tiện nghi nhiệt trong kiến trúc nhiệt đới không chỉ nằm ở lượng bóng đổ mà còn ở vấn đề thông gió. Do không khí có độ ẩm cao nên thiết kế phải tạo điều kiện để căn nhà được thông gió ngang và đứng. Thông qua mặt bằng có thể thấy các không gian sinh hoạt chung và riêng của công trình được thông gió ngang rất tốt. Sử dụng khái niệm “Bay window” để thông gió xuyên phòng cho các phòng ngủ, bất cứ phòng ngủ nào cũng có 2 cửa sổ để gió tươi mát từ bên ngoài có thể vào và ra khỏi phòng. Điều đó giúp đào thải nhanh lượng CO2 và bổ sung O2 cho các phòng ngủ đồng thời tăng vận tốc lưu thông khí.
Đối với thông gió đứng, các KTS áp dụng một kĩ thuật trong kiến trúc gọi là “Thermal chimney” (Ống khói nhiệt). Kỹ thuật áp dụng một quy luật vật lý là “stack ventilation”, không khí có xu hướng di chuyển từ vùng áp cao về vùng áp thấp (từ vùng không khí đặc hơn tới vùng không khí loãng hơn). Chiếc mái vốn dĩ đã khá cao, việc bổ sung trên đỉnh một ống khói nhiệt để tăng hiệu quả thông gió, trên đỉnh ống khói là lối gió ra. Mái làm bằng tôn xốp cách nhiệt, cấu trúc gồm hai tầng, ở giữa có khe hở (clerestory window) cho phép nhà đón gió và ánh sáng vào sâu bên trong. Các KTS gắn vật liệu tôn và inox cho ống khói cốt để làm vùng không khí ở đây loãng và nóng hơn so với mặt đất, như thế sẽ tạo ra một vùng áp thấp. Kết quả là khi không khí mát vào trong nhà và trao đổi khí, sau đó được hút về hướng ống khói nhiệt. Do thông gió thông qua hiệu ứng chênh áp nên căn nhà vẫn luôn được trao đổi nhiệt kể cả những ngày không có gió.
Với việc tối ưu hóa bóng đổ, thông gió ngang và đứng, căn nhà đã tạo ra tiện nghi nhiệt rất tốt và giải quyết được vấn đề gió Lào ở vùng đất này. Cũng chính vì vậy mà phần mái của công trình, xuất phát từ một vấn đề kỹ thuật mà tạo ra một hình thái đặc trưng chứ không thuần túy ở vấn đề hình khối.
Thông tin công trìnhĐịa điểm: bản Đồng Tâm, xã Phú Nghiêm, Quan Hóa, Thanh Hóa Thiết kế: Cuong.buildingworkshop KTS chủ trì: Hà Đức CươngTeam thiết kế: Hà Đức Cương, Nguyễn Viết Lộc, Hà Văn Bằng Thiết bị: Vinalight, Nanoco, Cường Thịnh Ltd. Diện tích: 80m2 Năm hoàn thành: 2021Hình ảnh: Hà Đức Cương |