Tiện nghi khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam (nhan đề gốc “Tropical Comforts in Vietnam”) là chủ đề của một bài báo học thuật của GS.KTS Andrew Cruse (ĐH Bang Ohio), xuất bản trên tạp chí Architecture Beyond Europe (ABE Journals). Sau phần 1 và phần 2, Kienviet xin tiếp tục chia sẻ cùng bạn đọc góc nhìn của GS Andrew Cruse về chủ đề này trong phần 3.
Dinh Độc lập
32.
Dinh Độc lập ở Thành phố Hồ Chí Minh nằm trên vị trí cũ của Dinh Norodom (1871), tòa nhà theo phong cách tân Baroque của các Toàn quyền Pháp ở Nam Kỳ. (Hình 4) Dinh thự ban đầu bị đánh bom vào năm 1962, và tổng thống của miền Nam Việt Nam khi đó là Ngô Đình Diệm, đã yêu cầu tổ chức cho một cuộc thi thiết kế tòa dinh mới thay thế.
Mặc dù tất cả các hạng mục đều duy trì cách tổ chức ba phần theo tòa nhà ban đầu (gian trung tâm kết nối với các gian cánh bởi các hàng cột), các phương án thay đổi theo nhiều phong cách khác nhau từ tái hiện phong cách tân cổ điển của tòa nhà trước đó đến các phong cách pha trộn châu Á khác, hay một đề xuất theo chủ nghĩa hiện đại là chủ yếu và người thắng cuộc là KTS Ngô Viết Thụ.
Tốt nghiệp trường Ecole des Beaux-Arts ở Paris, KTS Ngô Viết Thụ trở thành người châu Á duy nhất giành giải thưởng Rome và trở về miền Nam Việt Nam theo lời đề nghị của Ngô Đình Diệm. Mặt đứng chính theo tổ chức của kiến trúc sư gồm một khối nằm ngang được nâng cao, đặt trên trụ ốp đá, với mái bằng đổ bê tông, được đỡ bằng hệ cột mảnh bên ngoài.
33.
Ngoài các yếu tố của chủ nghĩa hiện đại, công trình cũng bao hàm những yếu tố vùng miền và biểu tượng quan trọng. Trong bài phát biểu ở buổi khánh thành, KTS Ngô Viết Thụ khẳng định cách tổ chức theo phong cách Beaux-Arts của tòa nhà, sử dụng các chiết tự Hán như “Vương”, “Hưng”, “Chủ”… Giàn che mái nằm ở trung tâm gợi nhớ phần nào đến kinh thành Huế, nơi ngự trị của triều Nguyễn (1802-1945). Và bức tường hoa gió, dễ nhận diện nhất trên mặt đứng, giống như những đốt tre đan xen, gợi nhắc về vật liệu xây dựng phổ biến bản địa.
34.
Bức tường hoa gió là một sự hợp tác giữa KTS Ngô Viết Thụ và họa sĩ Nguyễn Văn Thế, khi đó ông Thế chịu trách nhiệm cho các bức điêu khắc của công trình. Trong khi vị họa sĩ phát triển hình thức cụ thể của các thành phần màn che cao 2,3m thì người kiến trúc sư xác định vai trò lớn hơn của nó trong việc bố trí không gian và sự trang trọng của tòa nhà. Trong bài phát biểu của minh, KTS Ngô Viết Thụ gọi bức bình phong này là “rèm hoa đá”. Thuật ngữ “hoa” (flower) gợi nhớ đến cửa sổ hoa truyền thống đã được đề cập trước đó, trong khi đá (rèm) có thể ám chỉ đến tường không chịu lực, giống như các ví dụ về từ bản ngữ đã được thảo luận ở trên.
35.
KTS Ngô Viết Thụ đã làm rõ ý định của mình cho mặt đứng qua một bản phác thảo được công bố vào năm 1966. Bản phác gồm một chuỗi các hình vẽ từ chuyển động của hành tinh đến chi tiết của công trình. Trình tự bắt đầu từ chuyển động của Trái đất quanh Mặt trời, cho thấy vị trí của Trái đất tại các điểm phân (xuân phân, thu phân) và các điểm chí (hạ chí, đông chí) hàng năm. Phía bên trái, Dinh được bố trí có mặt tiền về hướng Đông Bắc, thẳng trục với Đại lộ Thống nhất (nay là đường Lê Duẩn).
Công trình nằm ở phía Bắc của đường xích đạo, nghĩa là mặt trời sẽ chủ yếu nằm về phía Nam. Mặt đứng phía Bắc sẽ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất.. Theo lời giải thích của ông trong một mô tả khác về dự án, ý định của ông với bức màn chắn là mang ánh sáng vào công trình chứ không phải ngăn nó ở ngoài. Nửa dưới của bản vẽ cho thấy sơ đồ và hình ảnh mặt trời chiếu qua bức màn vào ngày Đông chí (ngày ngắn nhất trong năm, với góc mặt trời thấp nhất) Bản phác này định vị công trình nằm trong một hệ hành tinh. Theo mô tả của Daniel Barber, những hình ảnh kiểu như vậy là một phần trung tâm của chủ nghĩa hiện đại khí hậu giữa thế kỷ.
36.
Trong khi đa số những hình ảnh tương tự thường mô tả bức màn chắn của công trình chặn các tia nắng mặt trời, thì bản phác của KTS Ngô Viết Thụ cho thấy bức màn che của Dinh Độc lập làm một điều ngược lại: nó phản ánh nhiều ánh sáng vào công trình hơn. Hơn hết, không phải ông Thụ hay ông Thế thiết kế hình thức của bức màn che dựa trên mối quan hệ hình học giữa mặt đứng công trình và góc chiếu cụ thể của mặt trời. Thay vào đó, họ xem nó như một phần điêu khắc của công trình.
37.
Mặc dù Dinh Độc lập đang xây dựng vào thời điểm năm 1962, nhóm thiết kế lúc đó đã không đề xuất hệ thống điều hòa vào trong công trình cho đến tận tháng 6 năm 1964. Thông số kỹ thuật của máy điều hòa yêu cầu hệ thống cung cấp mức nhiệt chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời là 7°C và giới hạn độ ẩm tương đối trong một phạm vi cụ thể. Điều này khác với cách tiếp cận kỹ thuật tiêu chuẩn nhằm xác định khí hậu trong nhà, vốn đề cập đến phạm vi tiện nghi tuyệt đối thể hiện trên biểu đồ tiện nghi. Các biểu đồ này dựa trên nghiên cứu sinh lý học và không xem xét đến các điều kiện khí hậu.
Nhóm thiết kế đã gửi bản tóm lược này đến 5 công ty kỹ thuật có trụ sở Sài Gòn, mỗi công ty đại diện cho một nhà sản xuất máy lạnh khác nhau của Mỹ. Người trúng thầu là Công ty kỹ thuật Brownell Lane với hệ thống Westinghouse. Lịch trình lắp đặt trong 6 tháng được đề xuất, điều này nghĩa là họ sẽ hoàn thành hệ thống điều hòa không khí ngay trước khi công trình chính thức khánh thành. Dù đội ngũ thiết kế yêu cầu hệ thống cần được kết hợp tốt với nội thất của tòa nhà, kế hoạch trễ nải này có thể giải thích cho việc hệ thống đường ống bị lộ ra ở một số khu vực đáng chú ý như Phòng tiệc và Phòng họp nội các.
38.
Bức tường hoa và hệ thống điều hòa không khí của Dinh Độc lập đã phối hợp với nhau để tạo ra sự thoải mái từ các điều kiện khí hậu nhiệt đới bên ngoài đến các phòng máy lạnh trong cách tổ chức. KTS Ngô Viết Thụ đặt một cửa sổ trục xoay ngay phía sau mỗi đốt bê tông đúc sẵn của bức màn chắn. Phía đằng sau của mặt tiền, bức tường mở ra một không gian kiểu mái hiên cao 7m, theo chiều của bức màn chắn.
Như đã thảo luận ở trên, những không gian kiểu như vậy thì phổ biến trong các công trình theo chủ nghĩa hiện đại có màn chắn, ví dụ như Thư viện Khoa học tổng hợp, mặc dù các không gian đó thường nằm ngoài các bức tường bao che, chống chịu thời tiết. Ở Dinh Độc lập, không gian này nằm phía trong lớp bao che thời tiết của công trình. Tuy nhiên, nó không được chạy điều hòa trực tiếp. Các phòng có điều hòa (như phòng Hội nghị và phòng Tiệc ở tầng trệt, và phòng khách Tổng thống, Phó tổng thống ở tầng hai) thông qua các khoảng mở lớn trên bức tường nội thất phía sau bức rèm hoa gió. Những khoảng mở này được làm đầy bằng tường kính với cửa đôi và rèm vải. Những tấm rèm này hoạt động giống như bức rèm đá phía ngoài và cửa sổ xoay, cho phép người cư ngụ điều chỉnh khí hậu và ánh sáng bên trong, trong giới hạn các phòng ở vị trí trung tâm.
39.
Được hun đúc bởi hình thức và vật liệu, và được điều hòa cơ học, môi trường bên trong Dinh Độc lập phản ánh một sự tương tác phức hợp mà xem nhẹ sự phân loại đơn giản như truyền thống hay hiện đại, tự nhiên hay nhân tạo. Nói chung, bức bình phong và máy điều hòa đã kết nối các không gian ngoài trời với các không gian trong nhà theo một quá trình dàn xếp năng động. Bức màn chắn và cửa sổ phụ mang không khí và ánh sáng vào bên trong không gian kiểu hiên nhà, trong khi hệ thống điều hòa không khí làm mát những phòng nghi lễ quan trọng trong mối quan hệ với thời tiết bên ngoài. Những cư dân của tòa nhà có thể điều chỉnh khí hậu bên trong bằng cửa sổ trục xoay, cửa đi, rèm vải và bộ điều nhiệt. Những điều kiện của sự tiện nghi nhiệt đới tạo ra trong công trình là kết quả từ các ảnh hưởng tổng hợp của bức màn chắn và khối tích giàu tích biểu tượng, của sự tổ chức không gian, và của công nghệ điều hòa không khí theo những cách song hành với phong cách kiến trúc pha trộn của tòa nhà.
Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn
40.
Khi nhà thầu rmk-brj hoàn thành Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn vào năm 1967, nó vừa là di tích của thiết kế đại sứ quán Hoa Kỳ trước đây, vừa là tiền thân của những gì sắp tới. Trong khi các kiến trúc sư người Mỹ ban đầu thiết kế đại sứ quán ở vùng nhiệt đới để giảm bớt nhiệt độ và độ ẩm cao, họ đã cố gắng để thế hệ sau chống lại sự tấn công ở các vùng “nóng” về mặt chính trị. Jane Loeffler đã gọi bức tường chắn là “khuôn sáo xác định chương trình xây dựng đại sứ quán Mỹ trong những năm 1950,” một ý kiến được các nhà phê bình đương thời lại đi lặp lại.
Xu hướng cho các đại sứ quán có tường bình phong đã bắt đầu như một phần trong chương trình xây dựng đại sứ quán của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lãnh đạo văn hóa ở nước ngoài, đồng thời giải quyết vấn đề khí hậu địa phương ở các vùng nhiệt đới. Bắt đầu với Đại sứ quán New Delhi của Edward Durrell Stone (1959), các kiến trúc sư đã sử dụng tường hoa gió ở các quốc gia nơi điều hòa nhiệt độ là thứ xa xỉ và điện thì đắt đỏ và không thể tiêu thụ được. Các dự án xây dựng các tòa nhà đại sứ quán có màn chắn đã xuất hiện ở Accra, Baghdad, Basra, và Manila, cùng các thành phố khác. Mặc dù được gán nhãn trên các tạp chí kiến trúc là “có giá trị ngang với các thiết bị điều hòa không khí”, hầu hết các bức tường chắn này đã không phản hồi lại kiến thức về khí hậu bản địa hay hướng gió, hướng nắng. Thay vào đó, họ bọc lấy những chiếc hộp kính một cách bừa bãi, thường được sắp xếp xung quanh những hành lang giữa hoặc sân trong.
41.
Công ty Curtis và Davis trụ sở New Orleans đã thiết kế nhà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn năm 1956. Arthur Davis học cùng Walter Gropius tại Harvard và sau đó làm việc cho Eero Saarinen, cả hai đều hoạt động trong chương trình đại sứ quán của Bộ ngoại giao. Công ty được biết đến qua công trình theo chủ nghĩa hiện đại mà tích hợp các yếu tố vùng miền từ khí hậu cận nhiệt đới của New Orleans. Hồ sơ của họ gồm một số công trình có mặt đứng nổi bật như Caribe Building (New Orleans, 1954), Thư viện công cộng New Orleans (1957), Tòa nhà IBM (Pittsburgh, 1963).
Người thiết kế chủ trì cho Tòa sứ quán Sài Gòn là Ismay Mary Mykolyk, một công dân Anh sinh ra ở Nairobi, Kenya. Bà được giáo dục tại Anh quốc và Canada trước khi đến New Orleans đầu những năm 1950. Một bản phác thảo đề xuất của Curtis và Davis cho thấy một khối hình chữ nhật 6 tầng được bao quanh bởi tường gió phía trên một tầng trệt mở. Những khoảng mở trên lầu 2 và lầu 6 cho thấy cây trồng xuyên qua các bức tường đục lỗ, gợi ra các không gian sân trong và một khu vườn trên mái. Mặc dù Ủy ban Cố vấn Kiến trúc của Bộ Ngoại giao đã phê duyệt dự án, nhưng các nhân vật cấp cao trong Bộ đã hoãn lại nhiều lần, có thể là do bất ổn chính trị ở miền Nam Việt Nam.
42.
Bộ Ngoại giao tái khởi động dự án Tòa đại sứ sau khi Việt Cộng tấn công Tòa sứ quán hiện hữu vào ngày 30 tháng 3 năm 1965. Đây là vụ tấn công đầu tiên vào Đại sứ quán Hoa Kỳ cướp đi sinh mạng của người Mỹ, và nó khiến Bộ Ngoại giao yêu cầu tất cả các tòa nhà của đại sứ quán Hoa Kỳ phải cứng rắn chống lại cuộc tấn công. Hai ngày sau cuộc công kích ở Sài Gòn, Tổng thống Johnson đã bảo đảm tài trợ sơ bộ của quốc hội cho tòa nhà mới, và đến tháng 10, công trình bắt đầu xây dựng.
Công ty kiến trúc và kỹ thuật ở Los Angeles của Adrian Wilson Associates, đơn vị nắm giữ một số hợp đồng quân sự ở Nam Việt Nam, có văn phòng chi nhánh trong khu vực, đã tiếp quản dự án. Trong khi Adrian Wilson giữ lại thiết kế cơ bản của Curtis và Davis, vai trò mặt bao che của công trình đã thay đổi, quan trọng hơn một bức màn mở về mặt khí hậu và văn hóa, giờ đây nó trở thành một tấm khiên bảo vệ chống lại các cuộc tấn công quân sự. Theo lời một kiến trúc sư ở hiện trường lúc đó giải thích, “sự an toàn được chúng tôi đặt lên hàng đầu”.
Thật vậy, hình mẫu bức tường bê tông cao 3m phù hợp với bức màn che của công trình, nhấn mạnh thêm vai trò bảo vệ của nó. Bức tường bình phong này gồm các đơn vị đá mài riêng biệt, được đỡ trên các dầm ngang cách tường bao che 1,5m. Không như bản phác thảo đầu tiên của Curtis và Davis, không gian giữa bức màn chắn và tường bao che dường như không thể chiếm dụng được. Tường bao che được xây gạch với cửa sổ chống vỡ Plexiglas. Không gian bên trong tòa nhà được chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang và được trang trí với “thiết kế Scandinavian hiện đại”, được làm mát bằng hệ thống điều hòa không khí trung tâm nặng 175 tấn. Không gian trong nhà như vậy xét về mặt khí hậu, khác hoàn toàn so với bên ngoài.
43.
Các kiến trúc sư và nhà ngoại giao người Mỹ đã tạo ra bức tường gió của Tòa sứ quán trên tinh thần cởi mở, cả về mặt chính trị lẫn khí hậu, nhưng khi công trình được xây dựng, nhu cầu an ninh là tối quan trọng. Những gì trong lịch sử từng là biểu tượng của sự cởi mở về văn hóa và tương tác với khí hậu, thay vào đó đã trở thành một rào chắn bảo vệ. Theo nghĩa này, bức bình phong tăng cường sự ngăn cách khí hậu của hệ thống điều hòa không khí trong công trình, một công nghệ mà người Mỹ đã sử dụng ở các nơi khác ở miền Nam Việt Nam để tạo ra các không gian riêng biệt về khí hậu và về chính trị. Cùng với nhau, bức tường gió và điều hòa không khí có tác dụng ngăn cách môi trường khí hậu ổn định ở bên trong khỏi vấn đề địa chính trị bất ổn từ bên ngoài.
44.
Quan trọng hơn cả cách tiếp cận trái ngược nhau về kiểm soát môi trường, Dinh Độc lập và Tòa sứ quán Mỹ còn chỉ ra một sự tương quan lạ kỳ: đó là cách tường hoa gió và điều hòa không khí ở khí hậu nhiệt đới Việt Nam có thể được sử dụng trong những cách tương hỗ nhau. Hai công trình hoạt động với khí hậu rất khác nhau, trong khi Dinh Độc lập giới thiệu một sự cởi mở trong cách sử dụng tường hoa gió và điều hòa không khí thì Tòa đại sứ tạo ra sự phân tách. Tuy nhiên, hai công trình với hai cách tiếp cận khác nhau này đã phản chiếu lịch sử về chính trị của riêng mình.
Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân Giải phóng đã tiến vào Dinh Độc lập. Cuối năm đó, một hội nghị diễn ra tại dinh và nó được đổi tên thành Hội trường Thống nhất. Với một khí hậu thống nhất bên trong và bên ngoài, nó cũng là bối cảnh cho sự thống nhất của hai miền Nam Bắc. Hiện nay tòa nhà được sử dụng để tổ chức các chuyến tham quan cho các quan chức và cũng là một địa điểm du lịch.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ cũng đã không hoạt động như bình thường. Tầng thượng của tòa nhà là nơi diễn ra các cuộc di tản trực thăng đầy kịch tính tại thời điểm kết thúc chiến tranh. Song song với quá khứ sử dụng điều hòa, tòa nhà sau đó được sử dụng bởi công ty dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietNam), trước khi được trao lại cho Hoa Kỳ sau khi tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Công trình được dỡ bỏ vào năm 1998. Sự tương đồng giữa thoải mái, khí hậu và chính trị làm nổi bật các định nghĩa rộng lớn về chính trị – xã hội của sự thoải mái tiện nghi. Những điều này diễn ra trong bối cảnh của khí hậu nhiệt đới Việt Nam theo những cách có vẻ nghịch lý và mâu thuẫn nhưng diễn tả sự thoải mái tiện nghi như là một điều kiện có thể dàn xếp – về mặt tâm lý, sinh lý, sự năng động, chính trị và xã hội – chứ không phải là một trạng thái tĩnh.
Kết luận
45.
Một vấn đề gần đây mà tạp chí kiến trúc của Đức ARCH+ tập trung vào là “sự trở lại của khí hậu” trong một vài kiến trúc đương đại Việt Nam. Vấn đề ghi dấu sự trở lại này thông qua sự xuất hiện trực quan của những bức tường hoa gió và các không gian nội thất mở, sống động ở những công trình nổi bật. (Nhiều công trình cũng đặt máy điều hòa hệ thống tách rời, dù những máy này cũng thường được đặt ở vị trí kín đáo). Sự chú ý này với sự tương tác của kiến trúc và khí hậu ở Việt Nam ngày càng đa dạng hơn khi đặt vào bối cảnh lịch sử được nêu ở đây, cụ thể là theo hai cách.
Đầu tiên, một góc nhìn lịch sử cho thấy cách các kiến trúc sư hoạt động trong bối cảnh thuộc địa và hậu thuộc địa từ lâu đã xem khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam là nguồn gốc của tính bản sắc và sự thoải mái. Phong cách Đông Dương của Hébrard và các công trình của KTS Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Ngô Viết Thụ và Lê Văn Lắm, và các kiến trúc sư khác, đưa ra một loạt các phong cách kiến trúc và các cách tổ chức không gian mà các kiến trúc sư ở khí hậu nhiệt đới Việt Nam đã áp dụng. Bộ sưu tập này cũng mô tả sự đa dạng các phông nền và bối cảnh chính trị mà những công trình này được thực hiện. Các kiến trúc sư của Nhà Bình Thạnh cũng theo hình mẫu tương tự.
Khi là sinh viên ở Nhật Bản, Võ Trọng Nghĩa gặp Shunri Nishizawa và Daisuke Sanuki ở Đại học Tokyo. Bộ ba sau đó trở thành cộng sự, mở văn phòng Võ Trọng Nghĩa Architects, đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng được biết đến trên quốc tế với lối “kiến trúc xanh”. Nhiều dự án của họ chủ động gắn liền với khí hậu nhiệt đới qua cách tổ chức không gian bên trong và hình thức biểu hiện bên ngoài công trình, bao gồm House for Trees (2014), the Stacked Planters House (2017), và the Breathing House (2019). Mặc dù các cộng sự người Nhật sau đó đã tách ra, Nishizawa đã thành lập văn phòng của riêng mình với tên NISHIZAWA ARCHITECTS vào năm 2015. Một phần lý do Nishizawa chọn ở lại Việt Nam là để “không bị kiểm soát”, nghĩa là để nắm bắt khí hậu vật lý và văn hóa của quốc gia mà anh nhận thấy tiềm năng thiết kế to lớn. Chúng ta có thể nhìn thấy cách tiếp cận như vậy trong các dự án của Nishizawa, the Restaurant for Shade (TP.HCM, 2018) (Ảnh ). Ở công trình này, Nishizawa mở rộng một kết cấu thép và vải che nắng không rõ ràng về mặt không gian, bên ngoài một mái ngói đỡ bằng kết cấu gỗ. Không gian pha trộn này tạo ra những ốc đảo mát mẻ, đầy gió và bóng râm nhờ cây cối, quạt và máy điều hòa không khí treo. Hiệu ứng tổng thể nhấn mạnh niềm vui thích phù du của tiện nghi khí hậu nhiệt đới thông qua một hình thức kiến trúc được xác định rõ ràng. Sự bao trùm của khí hậu nhiệt đới ẩm như vậy đối lập hẳn với những cái nhìn tiêu cực về vùng nhiệt đới xuất hiện phổ biến ở vùng ôn đới phương Tây. Thật vậy, bất kỳ một thảo luận tiêu cực nào về khí hậu liên quan đến các công trình đương đại này đều liên quan đến tiếng ồn đô thị và ô nhiễm không khí hơn là khí hậu khí tượng.
46.
Các nhà phê bình đương đại thường định hình quan điểm “trở về với khí hậu” ở Việt Nam trong giới hạn các ý tưởng về kiến trúc bền vững ưu tiên các công nghệ thụ động như tường hoa gió hơn chủ động như điều hòa không khí. Lý do thứ hai tại sao điều quan trọng là phải xác định về mặt lịch sử công trình này là vì nó nêu bật được tầm quan trọng của bối cảnh chính trị – xã hội trong cách các kiến trúc sư và kỹ sư sử dụng công nghệ chủ động và bị động. Theo quan sát của Jiat-Hwee Chang, định hình kiến trúc bền vững trong khí hậu nhiệt đới (và những nơi khác) như một vấn đề kỹ thuật, sẽ làm bỏ lỡ các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội gây tranh luận khác vốn làm nền tảng cho dự án. Trong trường hợp Việt Nam, bối cảnh chính trị xã hội khác nhau giữa Tòa sứ quán và Dinh Độc lập khiến các kiến trúc sư sử dụng các yếu tố tương tự nhau theo những cách rất khác nhau. Chúng ta có thể thấy một buổi chuyên đề kỹ thuật về tính bền vững ở khí hậu nhiệt đới có thể dẫn đến các công trình mà tính thoải mái hoàn toàn không liên quan gì đến bối cảnh nhiệt đới. Tòa nhà Deutsches Haus ở thành phố Hồ Chí Minh (GMP ARCHITEKTEN, 2017) được giới thiệu là như một ví dụ đạt giải thưởng về thiết kế bền vững nhạy cảm với khí hậu mặc dù nó là một tòa tháp bọc kính chạy điều hòa không khí. Trong khi các kiến trúc sư tin vào điều đó, với điều hòa không khí và kính kiểm soát năng lượng, giới chuyên gia dường như cũng quên mất cách ứng xử thích ứng với khí hậu nhiệt đới, các ví dụ đã giới thiệu ở đây chỉ ra rằng đây rõ ràng không phải loại công trình mà chúng ta đang nói đến. Chúng ta có thể thấy cách tiếp cận pha trộn trong Dinh Độc lập, bệnh viện Vì Dân, nghiên cứu về tính tiện nghi liên quan đến nhà ở của Văn phòng thiết kế dân dụng và rất nhiều ví dụ đương đại khác từ các công trình nhà ở. Tòa nhà Deutsches Haus dường như tuân thủ các tiêu chuẩn tiện nghi như pmv khi ngăn cản một cách hiệu quả mối quan hệ năng động giữa khí hậu bên trong và bên ngoài.
47.
Các kiến trúc sư có thể thường là những người kể chuyện không đáng tin về công trình của mình. Khi liên hệ thông gió tự nhiên đến lối sống truyền thống và điều hòa không khí với lối sống hiện đại, các kiến trúc sư của Nhà Bình Thạnh đã nhầm lẫn điều mà họ đạt được. Thay vào đó, người ta nên xem những tiện nghi nhiệt đới mà công trình tạo ra như một ví dụ gần đây về một cuộc thương lượng giữa khí hậu, các khía cạnh kỹ thuật, hình thức của công trình và người cư ngụ trong lịch sử chính trị xã hội phức tạp của Việt Nam. Hiểu điều này như một câu chuyện có sự pha trộn, có lớp lang và đôi khi mâu thuẫn, sẽ tiết lộ các câu hỏi về tính tiện nghi có và tiếp tục làm bận tâm các kiến trúc sư như thế nào, những câu hỏi đang ngày một liên quan trong một thế giới đang nóng lên nhanh chóng.
Bạn đọc tham khảo bài viết gốc tại đây.
Dịch: Anh Tuấn | Nguồn: Open Editon Journals
XEM THÊM
- Tiện nghi khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam (Phần 2)
- Tiện nghi nhiệt đới ở Việt Nam (Phần 1)
- Nhà tắm công cộng cho trẻ em: Một số gợi ý thiết kế
Với nhiều công trình nổi tiếng để lại như dinh Độc Lập (nay là Hội trườngThống Nhất), Viện Hạt nhân Read more
Sau gần bốn thập kỷ kể từ khi Sài Gòn trở thành TP.HCM, bộ mặt đô thị đã có rất Read more
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được thưởng suất học bổng ba năm nghiên cứu và sáng tác tại khu Read more
Vào tháng 10 năm 1930, ở bang Indiana, Hoa Kỳ, một trong những kỳ công của kỹ thuật hiện đại Read more
Trong lĩnh vực thời trang, âm nhạc và nghệ thuật, các xu hướng mới sẽ sinh ra, phát triển, lỗi Read more
Chamber Church là một công trình vừa tôn trọng quá khứ vừa hướng tới tương lai, qua đó gợi lên Read more