Nghi lễ tắm Phật đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp mỗi mùa Phật đản. Ảnh: U.H
Tắm Phật cầu cát tường, bình an
Mùa Phật đản các chùa đều rực rỡ, trang nghiêm, người dân hân hoan dự lễ tắm Phật từ đầu tháng tư. Ở Việt Nam các chùa tổ chức lễ này vào các ngày khác nhau, chủ yếu vào ngày 8/4 và Rằm tháng tư Âm lịch.
Theo đạo Phật, lễ tắm Phật giúp chúng sinh trong hiện đời được nhiều phước báu, sở nguyện thành tựu, quyến thuộc an ổn, con cái học hành, thi cử tốt đẹp... Vì vậy mỗi dịp tắm Phật là cơ hội gội rửa thân tâm, sám hối lỗi lầm trong bao đời để tìm đến niềm an lạc đích thực của tâm hồn. Nghi lễ tắm Phật còn nhằm cầu may mắn, cát tường và trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp.
Ở chùa, mỗi năm chỉ tổ chức một lần “tắm Phật” vào ngày Phật đản sanh. Buổi sáng lễ tắm Phật nhà chùa sẽ gióng chuông, giăng lọng báu, tất cả nghi thức tắm tượng Phật đều làm theo hướng dẫn của vị sư thầy. Đàn tràng tắm Phật đặt nơi thanh tịnh, trang hoàng đẹp (thường đặt ngay dưới điện Phật), rồi cung kính dâng hương hoa, tịnh phẩm nhất tâm hướng Phật. Sau thời khóa tụng kinh, niệm Phật, phật tử lần lượt xếp hàng chờ tới lượt tưới nước thơm lên tượng, với ý nghĩa tẩy rửa để Thân - Tâm thanh thản, tịnh khiết.
Khi tắm Phật, các nhà sư tưới nước thơm từ trên đầu tượng Phật xuống (hàm ý là gội đầu). Còn người dân tùy vùng, tùy chùa mà có nơi dội từ đỉnh đầu xuống rồi tới vai, chân, tay tượng. Lại có nơi người dân tôn kính Phật nên chỉ dội nước ở hai vai và thân tượng. Điều này giáo lý nhà Phật không có quy định rõ ràng, nhưng mọi người tôn kính nên chỉ dội từ vai tượng phật xuống.
Vì sao không làm lễ tắm Phật ở nhà?
Theo sư thầy Thích Trí Hóa, (chùa Bằng A, Hà Nội) người dân nên đến chùa tham dự lễ tắm Phật vì ở chùa có nghi thức, có chư tăng/ni cùng các Phật tử khắp nơi tụng kinh.
Mùa Phật đản hàng ngày chúng sinh cần dâng hương hoa để khởi tâm thanh tịnh, hay khuyến hóa người khác thực hành theo thì bản thân cũng được nhiều công đức và lợi ích. Tinh thần mùa lễ Phật đản bên cạnh việc cúng dường Tam Bảo, cần giữ tâm hồn thanh tịnh, nghĩ tới cha mẹ, ông bà, con cháu… cùng sống tốt đời đẹp đạo, bình an, hạnh phúc. Mỗi người cần tự răn mình luôn làm điều phúc thiện, làm việc có ích cho gia đình, người xung quanh và cả xã hội.
Sau lễ tắm Phật, quan niệm mỗi người đã bớt đi tật xấu, sống chan hòa, bao dung với mọi người trong bình an, hạnh phúc. Nhiều người còn múc nước thơm mang về vẩy cho người thân để cùng được may mắn, cát tường, với tâm niệm mang lại bình an, sức khỏe cho mình và mọi người.
Các việc cần làm mùa Phật đản
Trang trí nơi thờ Phật đẹp, trang trọng (nhưng không tốn kém, lãng phí), dâng hoa, lễ vật.
Làm điều phúc thiện (đến chùa làm công quả, nghe giảng đạo, thuyết pháp, dành thời gian, tiền bạc, công sức tham gia công tác xã hội, bảo vệ môi trường, làm từ thiện, bố thí, tặng quà cho người nghèo, người khó khăn…) .
Giữ 5 giới để an vui và hạnh phúc. Giữ tâm trong sáng, hướng thiện tới cha mẹ, người thân mạnh khỏe, lời nói khiêm nhường, lễ độ.
Không sát sinh. Nên ăn chay, cầu phúc, tụng kinh, tâm niệm giũ bỏ sân hận, đau khổ, muộn phiền và hướng tới tương lai mới mẻ, tốt lành.
Nên phóng sinh cho muôn loài.
Nguyện cầu cho quốc thái dân an, biết sống nhân hậu, biết tha thứ... và truyền đạt lại những giáo lý tốt đẹp của nhà Phật để mọi người cùng học, hướng tới bình an, hạnh phúc.
Lưu ý là các chùa tổ chức lễ Phật đản khác ngày/ giờ, hoặc chùa này tổ chức cuối tuần này, chùa kia tổ chức cuối tuần sau… nên người dân có thể dự lễ ở nhiều chùa, xong lễ ở chùa này thì sang chùa khác dự và đảnh lễ Phật, thành tâm làm việc thiện lành ở các chùa.
(Theo Lịch sử Phật giáo của Thư viện Hoa Sen)
Uyển Hương