Chuyên mục  


  • Ngôi nhà 3 tầng lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang giúp từng góc nhỏ gần hơn với thiên nhiên ở Ninh BìnhĐọc ngay

Căn hộ rộng 57m² ở Long Biên (Hà Nội) là tổ ấm gia đình của anh Phạm Phong và vợ của mình. Anh Phong là kiến trúc sư đã nhiều năm kinh nghiệm nên trước khi mua nhà, anh đã ấp ủ một kế hoạch lớn là tự thực hiện các sản phẩm nội thất cho chính không gian sống của mình. 

Đây không chỉ là điều đặc biệt anh muốn dành tặng cho vợ mà một phần cũng là vì đam mê với nghề. Từ ý tưởng đó, anh đã lên bản thiết kế, tìm hiểu nguyên vật liệu và kinh nghiệm thực hiện từ những video hướng dẫn ở trên mạng. 

Anh Phong cho biết, mình được nhận nhà vào tháng 1/2019 và đã bắt tay vào thi công ngay lập tức. Từ một người từng "không dám đụng vào cái khoan tường", kiến trúc sư này đã tự đóng nội thất, từ bàn, tủ đến giường, chậu cây. Để lo việc nhà, trong ba tháng, anh Phong chấp nhận đi làm nửa buổi và nhận một nửa tiền lương.

Không gian căn hộ mới khi anh Phạm Phong nhận.

Toàn bộ nội thất bằng gỗ trong nhà bếp đều do tự tay anh Phạm Phong lên ý tưởng thiết kế rồi thực hiện.

Quá trình lên ý tưởng, làm và hoàn thiện phần nội thất bếp là tốn nhiều thời gian nhất.

"Mình không phải người chuyên lao động chân tay, cũng không phải chuyên nghề mộc nên việc tự tay làm các món đồ nội thất bằng gỗ khá vất vả. Trong quá trình làm nhiều lúc khá là nản nhưng may mắn cuối cùng cũng hoàn thành. Mình làm bằng gỗ thông rẻ tiền nên chỉ sợ được một thời gian nội thất sẽ hỏng hóc, cong vênh, ẩm mốc thôi. May quá trải qua một năm rồi vẫn không sao cả. Mong rằng nội thất mười năm nữa vẫn còn tốt", anh Phạm Phong cho biết.

Theo phong cách đơn giản để dễ hiện thực hóa, những món đồ nội thất này có ưu điểm là khiến người nhìn cảm thấy thoải mái, ấm cúng và không sợ bị lỗi mốt theo thời gian.

Những nguyên liệu được anh Phạm Phong sử dụng bao gồm gỗ thông xẻ (giá mua 10 triệu đồng), sắt (giá mua 10 triệu đồng) cùng các loại máy móc như máy cưa cầm tay, máy mài, máy khoan, cưa lọng, cưa sập, máy nén khí mini (giá mua 5 triệu đồng). 

Theo anh Phong, công đoạn khó nhất là thiết kế vì phải làm sao vừa đẹp vừa dễ thi công. Còn công đoạn vất vả nhất là chà mịn gỗ. "Nó bụi và mệt kinh khủng", anh Phong chia sẻ.

Công đoạn vất vả nhất là chà mịn gỗ vì bụi và mệt.

Nhưng vì là tự tay thực hiện cho cuộc sống của bản thân nên anh Phong có thể thoải mái mà tính toán các phương án sắp xếp hợp lý, từ đó chế tạo các miếng gỗ sao cho phù hợp với từng không gian sống.

Ngoài phòng khách, bộ ghế ngồi bàn uống nước cũng tự tay anh thiết kế, đo đạc tính toán và thực hiện.

Bảng ghi chú công việc, tủ lưu trữ cũng không làm người xem phải thất vọng.

Với mỗi thanh gỗ, anh Phong phải chà sáu cạnh, mỗi cạnh ba lần. Riêng phần chà chiếm 50-60% tổng thời gian làm gỗ. "Chỉ chà khoảng hai tiếng là mệt lắm rồi, tay không còn cảm giác. Tôi cũng không quen lao động chân tay lắm", anh Phong nói. "Được một nửa cũng nản lắm nhưng chẳng lẽ để lại đống ngổn ngang nên phải cố".

Để bảo vệ đồ gỗ, anh Phong quét hai lớp chống thấm nước cùng một lớp bảo vệ bề mặt. Trải qua ba tháng, kiến trúc sư hoàn thành toàn bộ nội thất của căn hộ.

Anh Phong còn làm cả chậu gỗ để trồng cây cảnh cho không gian phòng khách.

Và kệ gỗ treo chậu cây cảnh để giúp phần hiên căn hộ thêm mát mắt.

Góc lưu trữ kỉ niệm là những hình ảnh của cả hai vợ chồng.

Và phòng làm việc với nội thất do chính anh Phong bỏ mồ hôi và công sức để hoàn thành.

Sau một năm, anh Phong hài lòng với thành quả của mình vì "vừa vui, vừa tiết kiệm". Tổng chi phí nội thất, đã bao gồm các thiết bị điện tử điện lạnh khoảng 100 triệu đồng.

Kiến trúc sư cho biết thêm nhiều người hỏi anh về việc tự đóng nội thất. Tuy nhiên, anh khuyến cáo chỉ những ai đã có kinh nghiệm mới nên làm vì quá trình thi công có thể gây nguy hiểm do sử dụng nhiều loại máy móc và vất vả, nhất là với người không quen việc chân tay.

Căn nhà của anh Phạm Phong trước và sau khi tự làm nội thất.

Ảnh và video: NVCC

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020