Không chỉ phục vụ nhu cầu vệ sinh, các nhà vệ sinh công cộng trong dự án Tokyo Toilet còn là những công trình kiến trúc ấn tượng.
Tokyo Toilet là dự án nâng cấp nhà vệ sinh công cộng ở Tokyo, Nhật Bản do Tổ chức phi lợi nhuận Nippon Foundation tài trợ. Ashui.com giới thiệu đến các bạn 4 nhà vệ sinh công cộng thuộc dự án này do các kiến trúc sư Nhật Bản từng đoạt giải Pritzker chủ trì thiết kế, gồm: Fumihiko Maki, Tadao Ando, Toyo Ito, và Shigeru Ban.
Nhà vệ sinh công cộng trong công viên Ebisu East /thiết kế: Fumihiko Maki
Ebisu East Park là một công viên nổi tiếng của khu phố được sử dụng làm sân chơi cho trẻ em và tràn ngập cây xanh. Chúng tôi muốn công trình này không chỉ hoạt động như một nhà vệ sinh công cộng mà còn là một không gian công cộng phục vụ như một pavilion có chỗ nghỉ ngơi.
Quan tâm đến nhiều đối tượng người sử dụng, từ trẻ em đến những người đang trên đường đi làm, chúng tôi muốn tạo ra một không gian an toàn và thoải mái sử dụng cách bố trí phi tập trung để có tầm nhìn tốt. Mái nhà vui nhộn tích hợp các phần khác nhau thúc để thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên, tạo ra một môi trường sáng sủa và sạch sẽ, đồng thời tạo cho công trình một diện mạo độc đáo tương tự các thiết bị của sân chơi.
Công viên Ebisu East còn được gọi là “Công viên bạch tuộc” vì có thiết bị sân chơi bạch tuộc. Chúng tôi hy vọng cơ sở mới này, “Nhà vệ sinh Mực,” trở thành một sự bổ sung hoàn hảo cho công viên.
Nhà vệ sinh công cộng trong công viên Jingu-Dori /thiết kế: Tadao Ando
Tôi muốn kiến trúc nhỏ này vượt qua ranh giới của một nhà vệ sinh công cộng để trở thành một “địa điểm” trong cảnh quan đô thị mang lại giá trị công cộng to lớn. Với mục đích đơn giản và rõ ràng này, tôi đã chọn sử dụng sơ đồ mặt bằng hình tròn với mái nhà trải dài và engawa (là một cấu tạo kiến trúc độc đáo của nhà ở truyền thống Nhật Bản, tương tự như ban công trong các căn nhà phương Tây).
Điều quan trọng đối với tôi là tạo ra một không gian thoải mái và an toàn. Du khách có thể di chuyển bên trong bức tường hình trụ có chớp dọc để cảm nhận sự dễ chịu của gió và ánh sáng từ môi trường bên ngoài. Cảm giác an toàn sẽ được nhấn mạnh bởi sự lưu thông tự do và hướng tâm đi qua phía bên kia. Nhà vệ sinh này ẩn mình trong không gian xanh là Công viên Jingu-Dori (TP Tokyo, Nhật Bản) và được gọi là “Amayadori”.
Nhà vệ sinh công cộng Yoyogi-Hachiman /thiết kế: Toyo Ito
Nhà vệ sinh trông giống như ba cây nấm mọc ra từ khu rừng xung quanh đền thờ Yoyogi-Hachiman. Ấn tượng về cây nấm tạo cảm giác hài hòa với khu rừng ở hậu cảnh.
Có ba khối nhà vệ sinh riêng biệt với không gian lưu thông ở giữa giúp người sử dụng dễ dàng di chuyển. Lối đi thông thoáng cũng cho phép kết nối trực quan tốt, tạo môi trường an toàn và ngăn ngừa tội phạm. Cả ba đều được ốp bằng các dải gạch màu đỏ, hồng và trắng trải dài trên mặt sàn. Mái nhà của các khối nhà được nâng cao hơn các bức tường để cho phép ánh sáng tự nhiên và không khí vào trong.
Nhà vệ sinh công cộng trong công viên nhỏ Yoyogi Fukamachi /thiết kế: Shigeru Ban
Có hai điều chúng ta lo lắng khi vào nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là những nhà vệ sinh ở công viên. Đầu tiên là sự sạch sẽ, và thứ hai là liệu có ai ở bên trong hay không. Sử dụng công nghệ mới nhất, lớp kính bên ngoài chuyển sang màu đục khi bị khóa (có người ở trong). Điều này cho phép người sử dụng từ bên ngoài có thể kiểm tra độ sạch sẽ và liệu có ai đang sử dụng nhà vệ sinh hay không. Vào ban đêm, nhà vệ sinh thắp sáng công viên như một chiếc đèn lồng tuyệt đẹp.
Mặt ngoài bằng kính cho thấy nhà vệ sinh đang trống, giúp sử dụng an toàn vào ban đêm.
Kính trở nên mờ đục khi khóa cửa (có người bên trong).
Mời bạn tham gia Cuộc thi Designed by VietNam lần thứ tư trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VietNam Design Week 2023 với nhánh đề bài “Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm”. Hồ Gươm – Trái tim của thủ đô Hà Nội, là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của mảnh đất Hà thành. Những năm gần đây, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm nhấn của Thủ đô, với nhiều hoạt động có sức hấp dẫn đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế. Trong khi đó, hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở khu vực này hiện đang mang tính tạm thời, chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, và chưa thực sự sạch đẹp. Với chương trình cải tạo, chỉnh trang không gian công cộng của khu vực, UBND Quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, dự án “HaNoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet” (do Ashui.com phụ trách) và Viglacera đưa ra nhánh đề bài “Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm” trong lĩnh vực Thiết kế công cộng của cuộc thi Designed by VietNam lần thứ tư (2023), nhằm tìm kiếm giải pháp thiết kế mới cho những nhà vệ sinh công cộng sát hồ nhất, góp phần cải thiện hình ảnh Thủ đô văn minh – thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế mà UNESCO công nhận. Thể lệ cuộc thi: https://vietnamdesignweek.com/designed-by-vietnam/the-le-cuoc-thi/ |
(Nguồn: Tokyo Toilet)