Kỳ Thượng là một xã nhỏ vùng cao nằm cách trung tâm thành phố Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh khoảng 60km về phía Đông Bắc. Với diện tích gần 100km2 nhưng xã chỉ có hơn 500 người sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Dao. Đây là một xã đặc biệt khó khăn về kinh tế, giao thông và thiếu thốn các tiện ích xã hội khác. Nhưng bù lại, Kỳ Thượng lại là nơi có khu bảo tồn thiên nhiên Đông Sơn rộng lớn với nhiều loài động thực vật đa dạng, phong phú; cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm.
Đây thực sự là địa điểm có tiềm năng rất lớn về du lịch cộng đồng và bảo tồn thiên nhiên. Nhưng hiện tại, người dân ở đây chủ yếu sống bằng việc trồng cây keo, khai thác các sản vật từ rừng cộng với nguồn lương thực tự cung tự cấp.
Trong một lần lên thăm quan, gặp gỡ và giao lưu với người dân Kỳ thượng, chúng tôi đã rất ấn tượng với con người và cảnh vật nơi này, đặc biệt là những người thanh niên trẻ ở đây, họ rất có niềm tin, ý chí và quyết tâm mong muốn giúp bà con thoát nghèo, muốn làm gì đó cho quê hương. Chúng tôi đã cùng bàn bạc và đề xuất ý tưởng xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng, giới thiệu văn hóa địa phương đến với những khách du lịch lên đây thăm quan và trải nghiệm. Nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng một ngôi nhà cộng đồng, do chính tay mọi người cùng góp sức xây dựng lên. Đây sẽ trở thành một điểm dừng chân, đón khách và giới thiệu về văn hóa địa phương, các món ăn, tập tục sinh hoạt và cách sống của bà con nơi đây. Từ đó khái niệm về Nhà cộng đồng Kỳ Thượng ra đời, giống như một cái đình làng, hay một cái nhà văn hóa chung của thôn, nơi tụ họp, giao lưu của người dân trong thôn, cũng như khách du lịch khi đến đây.
Chúng tôi mong muốn tạo ra một cấu trúc đơn giản, mới mẻ những vẫn gần gũi với người dân địa phương, nhất là cách thi công, lắp dựng, sao cho bà con có thể cùng nhau tham gia vào việc thi công, lắp dựng lên ngôi nhà này. Việc đầu tiên là lựa chọn vật liệu xây dựng công trình, vì vị trí xây dựng nằm ở xa trung tâm, đường đi lại rất khó khăn, đồng thời với chi phí xây dựng eo hẹp. Do đó, chúng tôi đã tận dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương như gỗ tự nhiên, đá suối, kết cấu mái nhẹ, để tạo nên công trình này.
Ngôi nhà có cấu trúc tương tự nhà sàn của đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc. Nhà có 2 tầng, tầng 1 là không gian mở, không ngăn thành phòng, dành cho các hoạt động sinh hoạt chung như họp thôn, tiếp khách, trưng bày hình ảnh, sản vật địa phương. Tầng 2 là không gian kín, có tường và cửa sổ bằng gỗ, có thể dùng để ngủ hoặc sinh hoạt.
Mặt bằng nhà hình elip, tạo cảm giác cân đối và hướng tâm, tượng trưng cho một nơi sinh hoạt cộng đồng, một nơi mọi người có thể hướng về, đồng thời từ đây cũng có thể nhìn về nhiều phía khác nhau. Cấu tạo mái nhà đơn giản, mái dốc về 2 phía, đặt trên khối nhà hình trụ elip, tạo thành một hình tượng trưng như cánh diều hoặc như một chiếc lá giữa núi rừng. Mái được đua rộng ra xung quanh, che mưa nắng cho cấu trúc gỗ bên dưới, giúp ngôi nhà được che nắng mưa tốt hơn đồng thời bền vững hơn với thời tiết trong thời gian dài.
Kết cấu chính của nhà được làm bằng gỗ, chủ yếu tận dụng lại gỗ có sẵn của bà con địa phương.
Các chi tiết liên kết gỗ chủ yếu dùng mộng truyền thống, gỗ được phơi khô, xử lý mối mọt, cong vênh theo phương pháp truyền thống, sau đó được gia công tại công trình và lắp dựng trực tiếp bởi những người dân địa phương. Hệ cột tầng 1 được tạo bởi từ 32 thân gỗ tự nhiên có đường kính từ 25-30cm, các cây gỗ được bóc vỏ, để tự nhiên, không cắt gọt, tạo thành những cây cột có dáng vẻ tự nhiên khác nhau như những thân cây trong rừng.
Toàn bộ công trình được thiết kế và xây dựng theo phương pháp truyền thống, sử dụng vật liệu có sẵn, chi tiết thi công đơn giản, gần gũi với người dân địa phương. Móng được xây bằng đá suối, dầm cột bằng gỗ, vách ngăn phòng cũng bằng gỗ, mái dùng tấm lợp sinh thái, có ưu điểm nhẹ, dễ vận chuyển và lắp đặt.
Công trình được đặt trên một địa hình đồi dốc, phía trước hướng ra sân cộng đồng, nhìn về phía dòng suối, phía sau công trình là rừng keo, kết hợp với các cây cỏ địa phương tạo nên một tổng thể hài hòa, tự nhiên.
Từ khi hoàn thành đến nay, công trình đã trở thành một điểm đến, một nơi chốn với nhiều hoạt động có ý nghĩa của địa phương. Đồng thời cũng là một điểm thu hút du lịch, mang lại thêm nguồn thu nhập và công việc làm cho bà con nơi đây.
Chúng tôi rất hy vọng kiến trúc với giải pháp cụ thể và công năng phù hợp sẽ đóng góp nhiều giá trị thiết thực cho người dân các địa phương còn chịu nhiều thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần.
Thông tin dự án:Dự án du lịch cộng đồng vùng cao Đông Bắc Địa điểm: Kỳ Thượng, Hoành Bồ, Quảng Ninh Đơn vị thiết kế: Công ty TNHH Kiến trúc Hòn Gai (HGAA) Chủ trì: KTS Nguyễn Văn Thu Nhóm thiết kế: Nguyễn Minh Đức, Phạm Ngọc Sơn Diện tích khu đất: 400m2 Diện tích xây dựng: 75m2 Hoàn thành: năm 2022 |