Chuyên mục  


Flexible Façade House là một ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh với những đường nét kiến trúc độc đáo và có nhiều nét khác biệt so với kiến trúc nhà phố điển hình ở đô thị Việt Nam.

Thông tin công trình:

  • Tên công trình: Flexible Façade House
  • Vị trí: Cần Thơ, Việt Nam
  • Diện tích khu đất: 105m2 (5mx21m)
  • Diện tích xây dựng: 315m2 
  • Thiết kế: SPACE+ Architecture
  • Kiến trúc sư chủ trì: Trần Công Danh
  • Quản lý dự án: Trần Thảo Xuân Phương
  • Nhóm thiết kế: Nguyễn Văn Thuận, Trần Thảo Xuân Phương, Phạm Thị Kim Yến
  • Đồ họa: Nguyễn Long Hoàng Dương, Lê Anh Tú
  • Hoàn thành: 02/2021
Sơ đồ tách lớp các không gian chức năng ngôi nhà

Thuyết minh của KTS:

Ngôi nhà có 2 lớp vỏ

Điểm đặc biệt của ngôi nhà chính là có thêm một lớp vỏ thứ hai “double-skin” phía bên ngoài mặt tiền: một hệ lam nhôm vân gỗ lõi thép với khả năng biến đổi hình thức độc đáo. 

Mặc dù cấu trúc chỉ có một trệt và một lầu nhưng hệ khung lam với chiều cao hơn 5m giúp cho ngôi nhà có sự đồng bộ với các ngôi nhà lân cận cũng như tạo cảm giác bề thế, cao ráo cho chính ngôi nhà.

Ngôi nhà nhìn từ phía mặt đứng chính

Điểm đặc biệt của lớp vỏ thứ hai này nằm ở yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Hệ lam gỗ uốn lượn mềm mại giúp cho mặt tiền ngôi nhà tạo được sự ấn tượng và thu hút từ xa, vừa phù hợp với tính chất kinh doanh nhưng đồng thời vẫn thể hiện được sự kín đáo riêng tư của loại hình nhà ở. 

Cổng rào gạch hoa gió uốn lượn đồng bộ với hệ lam gỗ xoay độc đáo

Về chi tiết kỹ thuật, hệ lam gỗ được thiết kế để mọi thanh lam đều có thể xoay quanh một trục 360 độ, điều này giúp cho chủ nhà có thể sử dụng một cách rất linh hoạt các chức năng của hệ lam gỗ cho nhiều kịch bản khác nhau. 

Ngôi nhà nằm trên một con đường hẹp chỉ khoảng 6m chiều rộng và các ngôi nhà phố đối diện có tầm nhìn rất gần, do đó yêu cầu về tính riêng tư tương đối cao. Phía sau hệ lam gỗ là phòng ngủ chính nên khi cần có thể xoay đóng kín hệ lam gỗ này lại, tạo nên một không gian hoàn toàn riêng tư. 

Mặt trước ngôi nhà xoay về hướng Đông Bắc nên nắng Đông buổi sáng sớm chiếu rọi xuyên vào phòng có thể gây chói mắt làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, người dùng có thể điều chỉnh mức độ xuyên sáng của hệ lam này một cách chủ động.  

Vào buổi tối có thể không cần đóng hệ cửa kính lùa bên trong và điều chỉnh hệ lam gỗ xoay mở để gió mát tự nhiên vẫn có thể vào phòng mà không cần phải sử dụng điều hòa, đồng thời hệ lam còn đóng vai trò như một lớp bảo vệ đảm bảo được sự an toàn, chống trộm.

Ngoài ra hệ lam cũng có khả năng giảm bớt tiếng ồn và hạn chế bụi bặm từ đường phố tác động, tạo được sự yên tĩnh cho việc nghỉ ngơi và cải thiện chất lượng môi trường không khí bên trong nhà.

Sơ đồ thiết kế sinh khí hậu

Lớp vỏ thứ hai này đặc biệt thích ứng với khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa – khô của miền Tây Nam Bộ. Vào mùa mưa, gió lớn có thể gây tạt, hệ lam có thể đóng lại hoàn toàn để tránh mưa, chống lạnh. Vào mùa khô, ngôi nhà vẫn có thể tự “thở” và được làm mát nhờ vào hệ lam gỗ xoay linh hoạt đón gió tự nhiên một cách chủ động. 

Vào những ngày thời tiết nắng và nóng bức cực đoan, có thể sử dụng điều hòa, khi đó lớp cửa kính phía bên trong và lớp lam bên ngoài sẽ là một vùng đệm, giúp giảm thất thoát nhiệt lạnh trong phòng đồng thời cũng hạn chế bức xạ mặt trời xâm nhập.

Về hình thức kiến trúc, lớp vỏ thứ hai này giúp cho ngôi nhà có mặt đứng với hiệu ứng linh hoạt và hấp dẫn, tạo điểm nhấn thú vị mỗi khi có sự điều chỉnh làm thay đổi góc xoay của hệ lam, phù hợp với chức năng kinh doanh. 

Lam xoay linh hoạt tạo sự thay đổi về ánh sáng và tầm nhìn ra khung cảnh bên ngoàiMặt đứng ngôi nhà phía sau lớp vỏ bao cheMặt đứng ngôi nhà khi có lớp vỏ bao che

Nội thất

Tầng trệt ngôi nhà hiện đang để trống và được thiết kế dự kiến cho một phòng khám tư nhân trong tương lai, vì vậy toàn bộ không gian sống của gia chủ sẽ diễn ra chủ yếu ở các tầng trên. 

Do gia chủ chỉ sử dụng duy nhất lầu một cho mọi nhu cầu sinh hoạt nên đơn vị tư vấn phải thiết kế tối giản và tối ưu hóa diện tích để tạo ra được các không gian đa năng. 

Khu vực sảnh thang bộ được sử dụng cho không gian bếp, tất cả hệ thống tủ kệ được thiết kế âm tường, tận dụng tối đa chiều dài ngôi nhà và được tích hợp đầy đủ các chức năng như tủ treo, kệ đồ khô, tủ lạnh… 

Tận dụng sảnh thang bộ cho không gian bếp tích hợpHệ tủ treo tận dụng tối đa chiều cao trần

Cạnh bên không gian bếp là phòng khách kết hợp sinh hoạt chung với bộ sofa thấp có thể sử dụng cho tiếp khách, thư giãn giải trí hoặc ăn uống nhẹ.

Phòng đa năng tiếp khách và sinh hoạt chungHệ tủ kệ tích hợp tivi

Phòng ngủ được thiết kế đơn giản và gần gũi, hệ lam xoay linh hoạt tạo sự riêng tư khi cần thiết.

Phòng ngủ có được sự riêng tư nhờ hệ lam gỗ xoay

Hệ kệ treo thay cho lan can và tay vịn cầu thang vừa có chức năng giữ an toàn vừa sử dụng như một vách ngăn trang trí và trưng bày các vật dụng sưu tầm của gia chủ.

Hệ kệ trang trí ngăn không gian và thay cho chức năng lan can

Khu vực giếng trời cũng được trang trí tạo điểm nhấn bằng bức tường gạch 3D ghép có tác dụng tiêu âm giảm tiếng ồn (tiếng nói, tiếng mưa rơi,…) theo phương đứng.

Giếng trời lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên cho khu vực giữa nhà

Toàn bộ không gian nội thất được thiết kế theo xu hướng hiện đại, sử dụng chủ yếu gam màu trắng trang nhã, cùng một số điểm nhấn bằng gỗ giúp ngôi nhà có cảm giác rộng rãi nhưng ấm cúng.

Khu vực sân vườn trên sân thượng dùng để trồng rau sạch với dàn lam gỗ và cây xanh tán lớn che nắng tạo bóng mát để, đồng thời hấp thụ nhiệt không làm nóng cho phòng ngủ ở tầng dưới. Hệ lam gỗ xoay ở mặt tiền cũng đóng vai trò như một lan can an toàn và tạo sự riêng tư cho sân thượng.

Sân thượng trồng rau sạch

Một số hình ảnh thiết kế phòng khám Y khoa của tầng trệt dự kiến sẽ thực hiện trong tương lai (Hình ảnh 3D tham khảo):

Ths. KTS. Trần Công Danh, chủ trì dự án cho biết: Flexible Façade House là một ví dụ về kiến trúc nhà ở kết hợp kinh doanh rất điển hình ở đô thị Việt Nam hiện nay. 

Một số điểm cần lưu ý cho việc thiết kế thể loại nhà ở kết hợp này: 

• Nên phân chia không gian động tĩnh theo phương đứng vì khu vực kinh doanh có thể gây ồn ào do đó cần bố trí tách biệt ở tầng trệt, khu vực sống và sinh hoạt sẽ thường ở trên các tầng cao vì cần có sự an toàn, riêng tư và yên tĩnh. Đối với nhà có chiều ngang rộng có thể bố trí lối đi và tiếp cận riêng cho khu vực ở.

• Mặt tiền công trình cần có thiết kế cân bằng hợp lý để vừa tạo ra cảm giác gần gũi, kín đáo của thể loại nhà ở nhưng cũng phải có những cá tính riêng để phù hợp với từng loại hình kinh doanh cũng như tạo được điểm nhấn giúp dễ dàng nhận diện thương hiệu. 

Xem thêm hình ảnh tại đây:

XEM THÊM

  • Không gian cởi mở, hiện đại trong ngôi nhà của gia đình trẻ năng động
  • Ngôi nhà kết nối với thiên nhiên và hướng thiện
  • Khoảng lùi cho không gian sống đúng nghĩa
Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
3become1 House – Ngôi nhà của sự giao thoa | Space+ Architecture

3become1 nằm ngay tại trung tâm thành phố Sóc Trăng, một đô thị thuộc Đồng bằng sông Cửu Long – Read more

Ngôi nhà kết nối với thiên nhiên và hướng thiện

Với “sự kết nối” được lấy làm ý tưởng chủ đạo, AT House tận dụng tối đa những khoảng không Read more

Khoảng lùi cho không gian sống đúng nghĩa

Khác với nhiều nhà phố liên kế được xây dựng trọn khu đất để tận dụng tối đa diện tích, Read more

Thiết kế nhà phố đa năng lấy cảm hứng từ cấu trúc cây cổ thụ

Một ngôi nhà phố cao 6 tầng tọa lạc trên trục đường lớn của TP. Hồ Chí Minh, Nhà-Cây, là Read more

3 mẫu cửa cuốn BössDoor giúp nâng tầm không gian nhà phố Việt

Thay đổi hoàn toàn định kiến về kiểu dáng “đồ sộ”, “cục mịch” của cửa cuốn, BössDoor là siêu phẩm Read more

3T2 House – Nhà trong hẻm nhỏ | KHUÔN studio + KTS Phan Khắc Tùng

"Dự án nhỏ nhắn nằm trong một con hẻm khiêm tốn của thành phố Hồ Chí Minh. Với bối cảnh Read more

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020