Chuyên mục  


HOMEmade là dự án nhà ở với mục tiêu hướng đến cải thiện điều kiện sống của người dân, củng cố bản sắc dân tộc, đồng thời tạo nên một mô hình kiến trúc hiện đại, bền vững trong môi trường năng động như hiện nay.

Ba ngôi nhà quy mô hộ gia đình của dự án này là kết quả của buổi workshop dành cho sinh viên và kiến ​​trúc sư trẻ được thực hiện tại một vùng nông thôn hẻo lánh của Bangladesh. Tám sinh viên của Đại học BRAC ở Dhaka (Bangladesh) cùng với năm sinh viên từ Đại học Nghệ thuật ở Linz (Áo) đã đến một ngôi làng nhỏ và hẻo lánh ở phía Bắc Bangladesh, Rudrapur, để cùng làm việc với người dân địa phương về một mô hình kiến ​​trúc hiện đại, bền vững trong môi trường năng động như hiện nay.

Mục tiêu của dự án HOMEmade là cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương, củng cố bản sắc dân tộc đồng thời vẫn duy trì mức độ bền vững cao đối với việc xây dựng quê hương. Để đạt được mục đích này nhóm sinh viên đã cùng với một số kiến trúc sư trẻ xây dựng ba ngôi nhà kiểu mẫu cho các gia đình thôn bản có thu nhập thấp, đặc biệt họ đã kết hợp với các thợ thủ công địa phương, những người đã có kinh nghiệm về kỹ thuật xây dựng nhà bằng bùn và tre hiện đại. Người ta kỳ vọng rằng các kiến ​​trúc sư trẻ có thể mang kiến ​​thức và kỹ năng của họ đến các vùng khác của Bangladesh đồng thời lao động địa phương sẽ được đào tạo, vận dụng kỹ thuật xây dựng từ bùn của họ trong tương lai.  

Vì ngân sách và vật liệu có sẵn rất có hạn, các nhà thiết kế buộc phải tập trung vào các nhu cầu cơ bản của dân làng và tạo ra các thiết kế thông minh tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có. 

Công trình thể hiện sự thuần khiết về mặt hình thức và vật liệu. Theo cách này, các ngôi nhà bằng bùn ở Bangladesh có thể là một phép ẩn dụ tốt cho kiến ​​trúc nói chung: một kiến ​​trúc sư vĩ đại không phải là một kiến trúc sư thiết kế công trình bằng những vật liệu hào nhoáng và cầu kỳ, mà sự vĩ đại ở đây là sự khiêm tốn, linh hoạt và biến hóa những vật liệu đơn giản thành một công trình hoàn chỉnh, phù hợp với khách hàng của họ.

Có lẽ thay vì tập trung vào việc tạo ra “kiến trúc ngôi sao” và những công trình kiến ​​trúc hoành tráng, ồn ào, chúng ta nên cố gắng tạo ra những công trình hài hòa với môi trường và phục vụ nhu cầu của người dân. Dự án HOMEmade bền vững bởi thứ nhất, nó được xây dựng bằng các nguồn tài nguyên sẵn có, tại địa phương, có thể tái tạo là bùn và tre. Thứ hai, dự án này tiết kiệm đất cho nông nghiệp bằng cách xây dựng các tòa nhà hai tầng thay vì các cấu trúc một tầng. 

Khoảng 75% trong số 147 triệu người Bangladesh sống trong các ngôi làng – chủ yếu là trong những ngôi nhà bằng đất mùn hoặc tre. Mặc dù những vật liệu xây dựng truyền thống này có tính bền vững cao nhưng dân làng ngày càng có mong muốn xây nhà bằng gạch, bê tông và tấm tôn (tấm CI). Xu hướng này có thể có tác động nghiêm trọng đến môi trường. Việc chế tạo những vật liệu này đòi hỏi nhiều năng lượng và tạo ra khí thải độc hại. Bangladesh là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất trên thế giới; xấp xỉ 1.045 người/km2. Mỗi năm ngày càng có nhiều đất nông nghiệp bị mất cho phát triển khu dân cư. Nếu người Bangladesh ở các vùng nông thôn (khoảng 110 triệu người) bắt đầu sống trong các cấu trúc hai tầng, thì họ sẽ có nhiều đất hơn để canh tác.

Điều này sẽ giúp giảm bớt một số vấn đề thiếu lương thực mà đất nước này hiện đang phải đối mặt. Điều mà dự án HOMEmade mong mỏi đó là có thể tạo ra một xu hướng về phong cách kiến ​​trúc của khu vực, thúc đẩy mọi người đưa các phương pháp xây dựng truyền thống của người dân vào một kiến ​​trúc hiện đại đương đại. Kiểu kiến trúc này có tiềm năng đóng góp một cách đáng kể vào sự phát triển cân bằng sinh thái của Bangladesh cũng như sự độc lập về kinh tế của đất nước. 

Cả ba ngôi nhà HOMEmade quy mô hộ gia đình này đều phù hợp với lối sống truyền thống của các gia đình có thu nhập thấp ở nông thôn, ngoài ra nó còn tạo ra một không gian thoải mái, an toàn, bền vững và riêng tư. Trong kiến ​​trúc Bangladesh bản địa truyền thống, nhà bếp và phòng tắm vẫn được đặt trong các cấu trúc riêng biệt. Tuy nhiên, các tòa nhà mới có hai tầng, giúp tăng gấp đôi diện tích sinh hoạt của gia đình trong khi vẫn giữ nguyên diện tích tòa nhà. Phần đất được tiết kiệm bằng cách thêm tầng thứ hai có thể được sử dụng như một khu vườn nhà nhỏ. Nhà hai tầng cung cấp trải nghiệm mới về góc nhìn và quyền riêng tư trong khi vẫn được kết nối với những người còn lại trong gia đình.

Các khối tản nhiệt trên mái, lớp cách nhiệt bằng xơ dừa, cửa sổ kính và các khe hở được thiết kế để thông gió chéo đảm bảo rằng nhiệt độ trong nhà dễ chịu quanh năm. Hầu hết các ngôi nhà bằng bùn hiện có ở Bangladesh đều quá lạnh vào mùa đông vì không khí lạnh đi vào qua các khe hở và không khí nóng thoát ra qua mái nhà. Các công nghệ xây dựng mới cũng làm tăng đáng kể độ bền và tuổi thọ của các ngôi nhà bằng bùn. Vật liệu địa phương thậm chí còn được sử dụng triệt để hơn so với trường học METI để giảm chi phí: nền đất được đúc bằng một lớp xi măng Ferro mỏng và lớp chống ẩm ngăn không cho sâu bọ chui vào các tòa nhà và hơi ẩm thấm từ mặt đất vào trong tường. Những mảnh tre nhỏ được đặt trên các bức tường bên ngoài đóng vai trò như những thanh chắn tốc độ để ngăn chặn sự xói mòn của mưa.

Rơm trộn với bùn làm tăng độ kết dính và sức bền của tường. Người ta đã sử dụng dây thừng làm bằng xơ dừa và chốt tre thay cho thép ở bất cứ đâu có thể. Dự án HOMEmade đã và đang tạo ra những ngôi nhà lý tưởng cho những người dân ở nông thôn Bangladesh. Họ đã đem lại sự cải tiến trong cách xây dựng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh sống của những người dân, đặc biệt các công trình này còn có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển bền vững của kiến trúc, khai thác, tận dụng phương thức xây dựng truyền thống, cũng như đảm bảo giảm tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Biên dịch | Đàm Thủy (Nguồn: Archdaily)

XEM THÊM:

  • Trung tâm trị liệu bằng tre và đất ở Bangladesh giành giải thưởng Obel 2020
  • “Pata Shobuj” – Cộng đồng sinh thái xanh tại Bangladesh / JET, JCI, và Terraplan
  • WOHA biến bãi rác Bangladesh thành khuôn viên trường đại học BRAC

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020