Hai ngày trước khi thành phố áp dụng chế độ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người Sài Gòn ùn ùn mua thực phẩm về tích trữ. Nhiều người phải mua rau với giá cao hơn 3-4 lần, có người về tay không vì kệ rau trống trơn, có còn cũng héo rũ. Thay vì ra siêu thị, vợ chồng chị Quỳnh Trang (31 tuổi, ở Thủ Đức) lên sân thượng thu hoạch rau, quả đi biếu bạn bè, hàng xóm.
Các loại rau mùng tơi, rau muống đang đến mùa nên tốt um. Bà chủ vườn chia thành bó mang biếu được năm gia đình, mỗi nhà ăn được khoảng ba bữa. Nghe tin chung cư nhà một người bạn bị phong tỏa, chị tiếp tế ngay một thùng cây nhà lá vườn gồm rau, ổi, đu đủ. Nhà chị Trang trồng hơn 100 gốc ổi trên sân thượng, mỗi tuần cho thu hoạch một lần, từ 10-15kg. Ngoài ra, chị trồng hàng chục loại quả khác như khế, roi, cóc, hồng xiêm... và rau xanh.
Một buổi thu hoạch của chị Trang được vài ký ổi, khế, vài quả cóc, rau xanh...Ngoài tặng hàng xóm, bạn bè, vài khách gạ mua ổi, chị vẫn có hàng bán. "Tôi vừa bán vừa cho. Bán ký ổi thì cho thêm ít rau nữa", bà chủ vườn hào sảng. Ảnh: Quỳnh Trang.
"Nhà tôi ở gần khu công nghiệp nên rất nhiều ca nhiễm, quanh đây nhiều tổ dân phố đã phong tỏa nên rất cần thực phẩm. Được tặng mấy mớ rau thôi mà ai cũng quý như vàng. Họ vui, mình cũng vui", người phụ nữ gốc Nam Định, nói.
Thấy Trang hái trụi vườn mang đi cho, nhiều người khuyên chị giữ cho gia đình. Chị bảo "kệ, cứ cho đi, nhà còn nhiều lắm, hết nó lại ra". Nhưng nhiều hôm cặm cụi hái rau mang đi tiếp tế bà con xong, hai vợ chồng mới nhớ ra không chừa phần rau cho bữa tối. Họ lên san thượng mót nấu đủ một bát canh tập tàng. Trước đây, những cây rau rền mọc dại ngoài thùng, anh chị toàn nhổ bỏ, nay mùa dịch, chị hái hết, không tha cây nào.
Một tuần trước, bà chủ vườn tìm thấy một loạt các loại hạt rau để quên trong tủ bếp. Hai vợ chồng mừng quá, kéo nhau lên sửa sang lại vườn, trộn đất, dọn giàn để gieo thêm hạt mới. "Có khu vườn rồi, Covid kéo dài đến bao nhiêu cũng không đáng ngại", chị nói.
Anh Thanh Tịnh, 40 tuổi, quản trị viên một hội trồng rau sạch sân thượng ở TP HCM cho biết, những ngày giãn cách, số lượng thành viên ở nhóm tăng đột biến. Chỉ từ cuối tháng 6 đến nay, nhóm anh tăng thêm 4.000 thành viên. Các thành viên đa phần chia sẻ kinh nghiệm trồng rau sạch, khoe vườn nhà mình và hỏi mua giống cây.
"Mùa dịch, mọi người có nhiều thời gian rảnh nên quan tâm đến chăm sóc nhà cửa, trồng cây hơn. Khu vườn giúp cung cấp rau ăn cho cả gia đình trong thời gian giãn cách, giảm căng thẳng do dịch bệnh, đặc biệt không thấy tù túng và chán khi phải ở nhà nhiều ngày", anh nói. Sân thượng chỉ 20m2, nhưng anh Tịnh trồng được rau xanh đủ ăn, trồng dưa lưới và cà chua chery - những loại cây yêu thích.
Bắt đầu làm "nông dân sân thượng" khi dịch bùng phát giai đoạn đầu, anh Lê Vinh, ở Thủ Đức không ngờ vườn có lợi đến vậy. "Chỗ tôi hàng hóa vẫn nhiều, nhưng rau hiếm, cá mắm không được tươi ngon như ngày thường. Tôi được người nhà tiếp tế thực phẩm, lại có bể cá sân thượng, ít rau tươi nhà trồng cũng có thêm chút an ủi", anh nói. Trên khu vườn rộng 50 m2, ngoài trồng rau theo phương pháp thủy sinh, anh Lê Vinh còn xây bể nuôi cá hồng vĩ mỏ vịt, ba ba, cá rô...
Cá anh Lê Vinh bắt trong bể trên sân thượng. Ảnh: Lê Vinh.
Hôm 9/7, khi lệnh giãn cách được ban hành, anh thả lưới kéo cá sau một năm chăm sóc. Đám cá rô tuy nhỏ nhưng nhiều trứng, thịt thơm. Anh Vinh nấu bữa tối cho gia đình, trữ trong tủ một ít và nuôi lại phòng dịch kéo dài.
Hai tháng nay anh đóng cửa nhà hàng, xung phong làm tình nguyện viên chở hàng hóa chống dịch cho phường. Không khí căng thẳng khiến tâm trạng anh Vinh chùng xuống. Mỗi sáng và cuối ngày, anh lên vườn hít thở không khí trong lành, hái rau, ngắm cá để đỡ stress.
Có ba con nhỏ nên làm thế nào để chúng ở yên trong nhà tránh dịch là bài toán lớn của vợ chồng anh Phan Nguyện (35 tuổi, ở Bình Thạnh).Ban công rộng 3 m2, anh quyết định dọn dẹp để trồng rau xanh. Trên sân thượng 30 m2 anh phủ xanh bằng dưa lưới, khổ qua, dưa leo và gần chục loại rau xanh. "Vợ chồng tôi muốn vừa có rau sạch để ăn, vừa có không gian xanh mát cho các con tỏa sức khám phá, chơi đùa", chị Thủy Tiên, vợ anh Nguyện nói.
Vườn sân thượng nhà anh Phan Nguyện dành một góc để ba con picnic tại gia. Ảnh: Thủy Tiên.
Những ngày phải giãn cách, anh chị mở "tour du lịch tại gia 0 đồng" cho các con. Sau bữa sáng, hai vợ chồng lùa đàn con lên sân thượng cho tự do bắt bướm, buồn chuồn, châu chấu và hái quả. Buổi chiều, anh Nguyện kéo bể bơi lên sân thượng, đổ đầy nước cho các con tắm táp, nghịch ngợm. Vợ anh trải thảm, bày hoa trái, nước ngọt để con "picnic tại nhà".
Có tới hai cái vườn nhỏ, nhưng mỗi ngày, họ đều có vài loại rau trái cho thu hoạch. Đến bữa, đôi vợ chồng trẻ chỉ việc lên vườn hái xuống ăn, biếu tặng bạn bè, hàng xóm.
"Ở nhà nhiều không còn nhàm chán và ngột ngạt. Có vườn sân thượng, chúng tôi thêm thời gian cho nhau, an nhiên chờ qua dịch bệnh", chị Thủy Tiên nói.
Phạm Nga