Tại "Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và Tuyên dương nhà giáo tiêu biểu" sáng 17/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự đóng góp của hơn 1,6 triệu nhà giáo cả nước, đặc biệt là gần 340 thầy cô được vinh danh.
Ông cho rằng làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học lại khó hơn nhiều lần. Vì vậy, để đạt danh hiệu nhà giáo nhân dân, ưu tú hay tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, vượt qua nhiều khó khăn để đóng góp cho ngành.
Bộ trưởng khẳng định những giáo viên tâm huyết, ưu tú là hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, truyền cảm hứng tích cực không chỉ cho học sinh, mà còn tới các nhà giáo khác. Dẫn lại câu nói "Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng" của người xưa, ông Sơn bày tỏ mong muốn giáo viên tiếp tục tự học, tự đổi mới, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình.
"Các danh hiệu là sự ghi nhận, tôn vinh cho cái đã qua, cho bề dày sự thể hiện và đóng góp của các nhà giáo, đồng thời cũng là những kỳ vọng, trông đợi các cô, các thầy tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục", ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại "Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và Tuyên dương nhà giáo tiêu biểu", sáng 17/11. Ảnh: MOET
Bộ trưởng cho biết thời gian tới, ngành giáo dục phải đối mặt nhiều thách thức. Một trong số đó là tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng cấp mầm non. Những nhiệm vụ cần thực hiện là huy động trẻ đến lớp, triển khai chương trình mới, phổ cập mầm non theo độ tuổi, đảm bảo đủ giáo viên và cơ sở vật chất, chống bạo hành và an toàn thực phẩm...
Cùng với đó, giáo dục phổ thông đã đến thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Ông Sơn nói cần đánh giá quá trình đổi mới để rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nội dung cần thiết để hướng tới hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Khi đó, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ 2 như kết luận của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng cũng nêu những vấn đề cần giải quyết rốt ráo như phát triển con người trong thách thức mới của giáo dục số, của trí tuệ nhân tạo và sự biến đổi không những của công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Với cấp đại học, người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá phòng thí nghiệm, thiết bị phục vụ nghiên cứu nhìn chung còn nghèo nàn và lạc hậu so với thế giới. Vì vậy, ông cho rằng song song với tự chủ theo chiều sâu, các trường đại học cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới chương trình và công nghệ, áp dụng như mô hình mới như giáo dục ảo, giáo dục từ xa.
"Những kỳ vọng lớn với ngành sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới nhiều thách thức, nhưng cũng đem tới nhiều cơ hội cho ngành giáo dục", ông nói.
21 nhà giáo nhân dân được trao bằng khen của Chủ tịch nước, sáng 17/11. Ảnh: MOET
Đại diện cho gần 340 nhà giáo được vinh danh, cô Vũ Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, Yên Bái, bày tỏ xúc động khi nhận danh hiệu nhà giáo nhân dân. Với cô, đây là sự ghi nhận cho 34 năm làm việc, nhưng đồng thời cũng nhắc nhở rằng cô cần có trách nhiệm và cống hiến nhiều hơn để xứng đáng với danh hiệu được trao tặng.
Cô Hạnh cho rằng 2024-2025 là năm học có nhiều thách thức khi chương trình phổ thông mới áp dụng ở tất cả bậc học, có lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp với cấu trúc đề mới hoàn toàn. Vì vậy, cả xã hội đang dõi theo kết quả đổi mới của giáo dục.
Bên cạnh đó, cách mạng công nghệ số phát triển vượt bậc, tạo cơ hội và thách thức với mọi mặt của đời sống, trong đó có giáo dục.
"Chúng tôi xin hứa, mỗi thầy cô sẽ trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển các trường, tác động lớn nhất tới đồng nghiệp và học trò, để rồi tất cả cùng cộng hưởng nhiều đời, tạo dựng một nền giáo dục hiện đại mà vẫn rất Việt Nam", cô nói.
Thanh Hằng