Giãn cách xã hội qua Rằm Trung thu, nên mấy ngày nay chị Nguyễn Thị Duyên (Hà Nội) cứ tan làm lại ghé đi siêu thị, hoặc chợ búa, vòng cả lên Hàng Mã để sắm đồ bày cỗ Trung thu. Chị mới về làm dâu nên muốn chuẩn bị cỗ Trung thu chu đáo, muốn có quà cho bố mẹ chồng, hai con nhà chị chồng và đặc biệt là mâm lễ bày biện sao cho đủ ngũ hành để sai lộc, đắc phúc...
Nhưng dù cố gắng chị cũng không thể mua đủ hoa tươi, quả đẹp như mong muốn. Cũng chẳng mua được cái đèn nào ưng ý cho hai đứa con nhà chị chồng. Bánh nướng, bánh dẻo chị muốn mua loại thật ngon ở các cửa hàng truyền thống thì tới nơi cửa hàng đã đóng cửa. Chị không muốn mua bánh bình thường ở siêu thị vì sợ nhà chồng nói "lần đầu tiên sắm cỗ Trung thu ở nhà chồng mà không biết mua cái bánh ngon để cả nhà ăn bánh, uống trà, thưởng trăng.
Tranh vẽ Tết Trung thu xưa. Ảnh minh họa.
Thấy con dâu lo lắng thất thểu về, mặt rầu rĩ, mẹ chồng chị Duyên hỏi han. Chị Duyên ấp úng nói vẫn đang giãn cách nên không đi được xa, cửa hàng bánh Trung thu truyền thống thì phải đóng cửa do người mua đông quá, không đảm bảo việc phòng chống dịch. Hoa quả ít không đủ bày được mâm cỗ trông trăng cho sai tài, đắc phúc...
Rồi chị Duyên kể ở quê chị mâm cỗ trông trăng khá lớn, gồm những loại hoa quả, trái cây hoa quả mùa thu như nải chuối chín trứng cuốc, quả bưởi - có ý cầu mong điềm lành. Rồi quả hồng đỏ thể hiện sự no đủ. Quả na - ý nghĩa sinh sôi. Quả lựu - ý nghĩa may mắn... Mâm cỗ phải có quả xanh, quả chín đủ 3 màu vàng, xanh, đỏ hoặc đủ ngũ hành càng tốt (có nghĩa là mâm cỗ có đủ âm - dương hòa hợp, cân bằng).
Tết Trung Thu còn cúng ông Tiến sĩ giấy để cầu mong cho con em mình sẽ học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, gặt hái được nhiều thành công trong năm học mới. Còn có múa lân - mà con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà...
Nghe vậy mẹ chồng chị Duyên phì cười, bảo Tết Trung thu là ngày tết của trẻ em, chúng hớn hở vì được người lớn tặng đồ chơi, các loại đèn... rồi được ăn bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả ngon lành. Còn được tặng quà, đồ chơi, đèn Trung thu... để đêm Trung thu dắt díu nhau đi rước đèn... Người lớn chỉ ăn theo trẻ con (như trẻ con đi chơi, đi phá cỗ, rước đèn...) thì tùy nhà mà tụ tập ăn uống, trà lá thưởng trăng. Tết Trung thu không phải của người lớn, làm đơn giản như các rằm khác, không phải bày vẽ mua sắm nhiều.
Tết Trung thu bố mẹ đưa trẻ em đi chơi, rước đèn... Ảnh minh họa.
Nghe mẹ chồng nói, chị Duyên nghi hoặc bèn lên mạng tìm hiểu. Hóa ra cụ Phan Kế Bính viết trong sách Việt Nam phong tục rằng: "Tết Trung thu dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi..."
Tết Trung thu con cháu có thể biếu ông bà, cha mẹ bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả đặc trưng của mùa thu (như bưởi, na, chuối chín trứng cuốc... có thể cắt tỉa thành hình các con vật tạo niềm vui cho mọi người), rồi trà (trà sen, trà hoa nhài, trà mạn…). Bánh, kẹo, bim bim, thạch... cho bé ăn nhẹ đêm trông trăng. Gần đây đời sống khá lên thì đối tượng tặng quà cũng mở rộng tới bạn bè, cấp trên, thầy cô giáo, hoặc những người cần nhờ vả...
Tết Trung thu là của trẻ em. Ảnh minh họa.
Không gắn cho phong thủy, tài lộc vào Tết Trung thu
Cỗ Trung thu theo cuốn "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" do Thượng tọa Thích Thanh Duệ thẩm định, chỉnh lý, Nguyễn Bích Hằng biên soạn (NXB Văn hóa Thông tin 2007) viết rõ: "Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Trung thu ngoài hương, hoa, đèn nến truyền thống phải có bánh nướng, bánh dẻo, cốm, chuối, na, hồng, bưởi.... Nhân dịp Tết Trung thu mọi người gửi quà biếu ông bà, cha mẹ, người thân, người mình mang ơn món quà Trung thu để tỏ lòng biết ơn, quý trọng.
Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), Tết Trung thu các gia đình thường bày mâm cỗ thật đẹp để dâng cúng tổ tiên, sau đó cả nhà cùng phá cỗ trông trăng, tận hưởng tiết trời mát mẻ của mùa thu. Mâm cỗ trông trăng ngoài trời có gì thì cúng thứ đó, chứ không bắt buộc, và quan trọng là có bánh nướng, bánh dẻo.
Cỗ Trung thu cả nhà thưởng trăng. Ảnh minh họa.
Cỗ trông trăng bày lên một chiếc bàn, có thể để trong nhà hoặc ngoài sân. Nhưng không có việc gắn phong thủy, tài lộc vào mâm cỗ Trung thu như một số người nghĩ và làm. Phong thủy thuần túy làm về mồ mả đất cát, âm trạch, dương trạch...
Còn mâm cỗ Trung thu Rằm tháng 8 là ngày tết cho trẻ em. Có thể hiểu nôm na là trẻ nhỏ không tự sắm cỗ, bày cỗ, phá cỗ Trung thu được, nên phải có người lớn giúp đỡ, bồng bế đi rước đèn, vui chơi, ăn uống... Cỗ Trung thu truyền thống chỉ có bánh trái, hoa quả, không bia rượu, thịt cá, cũng không đặt nặng về mâm cúng mặn. Mâm cỗ đón Trung thu có gì thì cúng món đó, thể hiện lòng biết ơn, sự thành kính, lễ đoàn viên, tạ ơn... tổ tiên, không cần câu nệ, rườm rà,
Cỗ Trung thu càng không có cầu xin sai tài, đắc phúc lộc như mọi người đồn đại rỉ tai nhau. Năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, việc đi lại mua sắm bị hạn chế để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Mâm cỗ cúng Rằm tháng 8 có thể được đơn giản hóa tùy theo điều kiện từng nhà.
Các lễ rằm nhiều nhà cúng buổi sáng là tốt, nhưng Tết Trung thu nhiều nhà cúng chiều tối rồi cho trẻ ngắm trăng và phá cỗ mới vui vẻ.
Uyển Hương