Chuyên mục  


Đồ gỗ gia dụng không còn là chất liệu bình dân như nhiều người vẫn tưởng, chúng ngày càng được các bà nội trợ, nhất là những người yêu thích phong cách tối giản, Minimalism sử dụng. Được dùng làm đồ gia dụng, những món đồ gỗ này đều toát lên vẻ đơn giản mà sang trọng. Nó vừa tiện lợi cho công việc nhà bếp vừa bền đẹp làm mới cho không gian.

Hiểu được điều này, chị Trần Chi (hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội) không chỉ yêu thích sử dụng các loại đồ gỗ cho phòng bếp của mình vì đẹp mà ngoài ra nguyên nhân lớn hơn nữa là chị rất sợ tiếng kim loại va chạm vào nhau.

"Dù biết sử dụng những món đồ gỗ, nhất là chén đĩa gỗ sẽ gặp phải nhiều vấn đề hơn các đồ nhà bếp bằng kim loại. Cách bản quản, giữ gìn và sử dụng cũng sẽ phức tạp hơn nhưng mình vẫn thích sử dụng chất liệu này.

Mình sử dụng đồ gỗ cho nhà bếp cũng đã được hơn 3 năm rồi. Sau ngần đó thời gian sử dụng, mình phát hiện đồ gỗ thường bị mốc và mất độ bóng sau một thời gian sử dụng.

Ban đầu, mình còn chưa tìm được giải pháp nên thường thay đổi loại mới nên khá tốn kém. Tuy nhiên, thời gian gần đây mình đã tìm ra cách sử dụng và giữ tuổi thọ của chúng lâu hơn", chị Trần Chi chia sẻ.

Sau gần 3 năm sử dụng, trải qua nhiều lần đau ví thì chị Trần Chi cũng đã đúc kết ra một vài kinh nghiệm dùng sao cho gỗ bền màu và đặc biệt an toàn. Bản thân chị Chi cũng đã thử và rất hiệu quả nên muốn chia sẻ cho nhiều người cùng biết tới.

Cách mua đồ gỗ chuẩn

Đồ gỗ nhìn mộc mạc, đẹp mắt nhưng rất khó bảo quản.

Những món đồ gỗ trong nhà bếp chủ yếu được chị Chi mua tại các cửa hàng của Nhật, Baya hay Woodmosaic. Chủ yếu đều theo lối thiết kế đơn giản, màu nâu sáng màu tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi cho phòng bếp.

Khi lựa chọn đồ gia dụng gỗ, chị cũng chú ý tới màu sắc cũng như bề mặt gỗ. “Mình thường chọn bề mặt gỗ phẳng mịn, không bị xơ, vân gỗ đều, không có nhiều mắt gỗ màu sáng. Đối với đồ gỗ để phục vụ ăn uống, tuyệt đối không nên sử dụng các sản phẩm có sơn phủ với chất lượng sơn không an toàn”.

Khi mua nên chú ý tới màu sắc cũng như bề mặt gỗ.

Vì yêu thích dùng đồ gỗ nên hầu như các đồ dùng trong phòng bếp của gia đình chị đều sắm sản phẩm với chất liệu này. Lâu dần sử dụng thành quen rồi nghiện lúc nào cũng không hề hay biết.

Cách vệ sinh 

Gỗ nên được làm sạch định kỳ bằng chanh, dấm và muối.

Chị Chi thường xuyên vệ sinh các sản phẩm gỗ trong nhà bếp định kỳ bằng chanh, dấm và muối để tránh tình trạng nấm mốc.

Nếu các chị em chăm chỉ hơn thì hàng ngày sử dụng xong có thể tráng bằng nước sôi, vắt ít nước cốt chanh để tẩy rửa lại một lần nữa. Bằng cách này các loại bát đĩa gỗ ăn hàng ngày vừa thơm tho lại vừa nhanh khô, bóng bẩy nữa.

Sau khi rửa xong nên dùng khăn khô, mềm lau lại. Tuyệt đối không dùng máy sấy bát để sấy khô đồ gỗ vì sẽ khiến sản phẩm nhanh hỏng, nứt.

"Việc phơi, sấy đồ dùng bằng gỗ với nhiệt độ cao và độ ẩm của máy rửa chén có thể làm hỏng gỗ, gây nứt, tách và làm mất màu gỗ khiến cho nó trông cũ kĩ theo thời gian sử dụng. Vậy nên khi vệ sinh và bảo quản cần tránh những nơi có nhiệt độ cao hoặc ẩm thấp", chị Trần Chi cho biết.

Bằng cách này các đồ gỗ trong phòng bếp của chị Trần Chi lúc nào cũng bóng và đẹp mắt.

Ngoài ra, nếu muốn bát đĩa luôn mới và tránh vi khuẩn xâm nhập vào bên trong thì cứ khoảng 3, 4 tháng chị Chi sẽ dùng loại dầu bóng an toàn thực phẩm để lau lại hoặc sáp ong. "Cứ đẹp trời, mình lại mang các loại âu bát trong nhà ra lau lau chùi chùi. Mình hay dùng dầu bóng Odie's oil của Mỹ. Tuy nhiên giá thành của nó khá đắt nên phải dùng kèm với cả sáp ong để tiết kiệm chi phí. 

Mỗi khi nấu ăn xong lại ngồi chụp choẹt để giữ làm kỉ niệm. Những món ăn khi bày trong sản phẩm đồ gỗ đều cho cảm giác ngon miệng và kích thích hơn".

Cách bảo quản 

Trong quá trình sử dụng nếu vô tình tạo ra vết loang màu trắng trên đồ gỗ gia dụng, chị Chi sẽ sử dụng nhiều nhiệt và độ ẩm để làm sạch chúng. Cách làm: Đặt 3-5 chiếc khăn ẩm lên vết bẩn rồi dùng bàn là bật mức nhiệt cao nhất ủi lên trên trong khoảng 15 giây.

Khi nấu ăn cũng không thể tránh khỏi các vết dầu mỡ, mùi hôi trên thớt gỗ thì chỉ cần dùng 2 thìa dấm ăn, một chén nước sạch, 1/2 quả chanh tươi, một chút muối và một chiếc khăn sạch. Đầu tiên, sẽ lau thớt bằng dung dịch dấm pha nước. Sau đó, nhúng một nửa quả chanh vào muối và bắt đầu chà xát khắp bề mặt thớt. Cuối cùng, bạn chỉ cần rửa lại bằng nước sạch để hoàn thành.

Không những thế đồ gỗ đã sử dụng lâu năm nhưng thay vì mua món đồ mới, chị Chi đã sử dụng công thức sau: Trộn 1/2 chén dấm và 1/2 chén dầu ô liu, sau đó, nhúng một miếng vải vào dung dịch rồi chà xát lên mặt đồ gỗ. Các vết trầy xước sẽ hoàn toàn biến mất và trả lại vẻ bóng đẹp như mới cho món đồ.

Theo Nhịp sống Việt

Ảnh: NVCC

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020