Chuyên mục  


Môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và tinh thần của chúng ta. Đối với trẻ em, môi trường này phải đặc biệt an toàn và dễ tiếp cận đồng thời kích thích để trẻ có thể tự do vận động và phát triển mà không gây nguy hiểm đến sự an toàn về thể chất của chúng.

Các đồ án bằng gỗ rất hữu ích cho các kiến ​​trúc sư thiết kế môi trường cho trẻ em, bất kể đó là nhà ở hay không gian tập thể bởi chúng cho phép tạo ra không gian để khơi dậy sự sáng tạo và sở thích của trẻ. Với nguyên liệu gỗ, bạn có thể tạo ra một ngôi nhà thu nhỏ hoặc thậm chí là một ngôi nhà trên cây, bao gồm các điểm ẩn nấp, đường dốc và tường leo, ngoài đồ nội thất hoặc trò chơi. Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có thể kích thích trí tưởng tượng của trẻ bằng cách tận dụng ngay cả những yếu tố cấu trúc bằng gỗ đơn giản.

Sau đây sẽ là một loạt các ví dụ sử dụng sự ấm áp và tính linh hoạt của gỗ để tạo ra nội thất đem lại sự sáng tạo và không gian vui tươi cho trẻ em.

1. Cấu trúc nổi bật

Trường mầm non EcoKid ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An do kiến ​​trúc sư LAVA tại Việt Nam thiết kế là một ví dụ điển hình về cách tận dụng tính linh hoạt của gỗ như: giá sách, trang trí không gian, bàn học..v.v. để làm cho các yếu tố cấu trúc của ngôi trường trở nên thú vị hơn, tạo ra một môi trường vui tươi và đặc biệt cho trẻ.

Trường mẫu giáo Hakusui ở Nhật Bản được phát triển bởi Xưởng thiết kế của Yamazaki Kentaro có cấu trúc bằng gỗ giúp định hình không gian, thay đổi ở mỗi cấp độ để cung cấp các khả năng sử dụng và vui chơi khác nhau.

Ở quy mô nhỏ hơn, các yếu tố như tay vịn có thể mang lại sự thuận tiện cho trẻ em, như chúng ta thấy trong dự án Glen Iris House ở Úc do văn phòng kiến trúc PHOOEY Architects thiết kế. Cần phải nhấn mạnh rằng an toàn phải là điểm khởi đầu của bất kỳ dự án nào liên quan đến trẻ nhỏ.

2. Ngóc ngách

Các văn phòng HIBINOSEKKEI, Youji no Shiro và Kids Design Labo sử dụng nguyên liệu gỗ thường xuyên trong các dự án của họ. Ở trường mầm non AN, các ngách được thiết kế dưới dạng những ngôi nhà nhỏ nằm rải rác trong không gian, trong khi đó ở trường mẫu giáo và nhà trẻ KM, các ngóc ngách đọc sách được đưa vào các hốc bằng những chiếc ghế gỗ. Trong trường mẫu giáo KKT, cầu thang gỗ đóng vai trò như một không gian vui chơi cho trẻ.

Ở trường mẫu giáo Sjötorget của Rotstein Arkitekter, những đặc điểm này xuất hiện cùng với việc bổ sung màu sắc, đặc biệt là các màu cơ bản.

3. Khả năng di chuyển

Cả Không gian hình học của Atelier D + Y cho dự án gia đình có hai trẻ nhỏ và sân chơi gia đình, được thiết kế bởi HAO Design, tạo ra sự kết nối giữa các tầng khác nhau theo cách hấp dẫn nhất có thể: các đường trượt bằng gỗ. Bằng cách ứng dụng linh hoạt này trẻ em có thể thoải mái vui chơi ngay trong ngôi nhà của mình mà không cần phải tạo ra một không gian hoàn toàn khác.

Tường leo ngày càng được sử dụng phổ biến trong các không gian tập thể dành cho trẻ em. Trong dự án Nhà Văn hóa Thiếu nhi Ama’r ở Đan Mạch do Dorte Mandrup phát triển, bức tường được tạo ra bằng cách sử dụng độ dốc tương tự như một chiếc cầu thang ở một bên.

Tại Kiitos Hamura, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Trẻ em do bộ ba HIBINOSEKKEI, FUKUSHIKEN và Youji no Shiro thiết kế, một bức tường gỗ leo núi truyền thống đã được thực hiện, nằm thẳng đứng và vuông góc với bức tường hiện có. Điều này giúp cho trẻ vui chơi và rèn luyện thể chất.

Nằm ở Slovenia và được thiết kế bởi Arhitektura Jure Kotnik, dự án Podgorje TimeShare cung cấp cho người dùng, trong số nhiều khả năng khác, một đường trượt thấp liên kết với ‘con đường đô thị’ quy mô nhỏ.

Có thể nói trường mẫu giáo EZ là một tài liệu tham khảo thiết kế kiến ​​trúc tuyệt vời cho trẻ em. Liên quan đến việc chuyển động, ngôi trường nổi bật với một bức tường leo núi và một cầu trượt, cả hai đều được làm bằng gỗ, tạo ra một môi trường vui chơi rất ấm cúng cho trẻ.

Tương tự, NUBO do văn phòng PAL Design đảm nhiệm, được thiết kế để hoạt động như một bộ chơi game lớn làm bằng gỗ. Với cấu trúc đa dạng, linh hoạt và thông minh, trẻ em có thể thoải mái thỏa sức phát triển sự sáng tạo của mình.

4. Ngôi nhà nhỏ nằm bên trong ngôi nhà lớn

Được thiết kế theo tỷ lệ của trẻ nhỏ, những ngôi nhà nhỏ đã góp phần phát triển khả năng sáng tạo ở trẻ em. Ngôi nhà nhỏ nằm trong ngôi nhà lớn có mặt trong các dự án Ouchi của HIBINOSEKKEI, Youji no Shiro và Kids Design Labo, Bagritsky and Loft Apartment, Ruetemple. Trong các trường mẫu giáo Hanazono, CO và MRN (kết quả của sự hợp tác giữa văn phòng HIBINOSEKKEI và Youji no Shiro) ngôi nhà nhỏ cũng xuất hiện. Các thiết kế của họ đa dạng từ ‘ngôi nhà có đầu hồi’ truyền thống đến những ngôi nhà trừu tượng hơn, định hình không gian thông qua các yếu tố dễ nhận biết như cửa ra vào, cửa sổ và cầu thang.

5. Cầu thang vui nhộn

Dự án Bagritsky bao gồm một chiếc thang làm bằng các hộp ngăn kéo, ngoài việc cung cấp thêm chỗ chứa đồ đạc nó còn được tận dụng để làm cầu thang cho phép đứa trẻ có thể dễ dàng trèo lên giường nằm phía trên.

6. Nội thất và thiết bị

Gỗ có thể được sử dụng để tạo ra một sân khấu với đa dạng cách vận dụng cho trẻ được vui chơi. Các kiến ​​trúc sư của Arhitektura Jure Kotnik đã thiết kế một sân khấu có bánh xe và rèm cho trường mẫu giáo Podgorje TimeShare, cho phép mang đến sự sáng tạo ở các khu vực khác nhau của trường.

Peanuts School của UID Architects sử dụng đồ nội thất bằng gỗ hình tròn vừa để sắp xếp đồ chơi vừa hạn chế không gian bên trong. Chiếc tủ này cũng cung cấp tầm nhìn liên tục ra bên ngoài.

Trong trường hợp của trường mẫu giáo và nhà trẻ Hanazono, gỗ xuất hiện trong một số đồ nội thất.Giá vẽ tranh nổi bật được thiết kế ở độ cao lý tưởng cho trẻ em nhằm thúc đẩy khả năng nghệ thuật và giao lưu của chúng.

Tại Làng Kagerou, kết quả của sự hợp tác giữa Tato Architects và ludwig heimbach architektur, các bộ đồ nội thất bằng gỗ được đặt ở sân trong, nhưng chúng cũng có thể được lắp đặt trong các khu vực có mái che hoặc kín.

Gỗ cũng được khuyến khích sử dụng ở dạng đơn giản nhất. Nó có thể được sử dụng để làm bảng đen cho các em học sinh vẽ trong các khu vực chung của trường học. Điều này xuất hiện ở nhà trẻ C.O, được thiết kế bởi HIBINOSEKKEI + Youji no Shiro, ở Nhật Bản.

7. Hiệu ứng của ánh sáng và bóng tối

Có một số dự án có thể minh họa phong phú sự tương tác giữa các thanh gỗ và các bề mặt khác do tác động của ánh sáng và bóng tối. Trường mẫu giáo Con Voi Vàng ở Ba Lan do xystudio thiết kế là một ví dụ điển hình cho hiệu ứng hình ảnh này.

8. Chi tiết cửa/ bàn gỗ

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, niềm vui có thể xuất hiện trên các dự án chế biến gỗ truyền thống hơn, thêm một số chi tiết vui nhộn. Trong dự án Blue and Glue của kiến ​​trúc sư HAO, cửa tủ quần áo trong phòng trẻ em bao gồm các hốc với nhiều màu sắc khác nhau. Tại Sân chơi Gia đình được thiết kế bởi cùng một văn phòng, cánh tủ đã được phủ một lớp melamine laminate với bề mặt giống như một chiếc bảng đen.

Ngoài ra ta cũng có thể thêm một chút chi tiết huyền ảo vào giường hoặc bàn học để tăng sự hứng thú cho trẻ khi học bài như chúng ta thấy trong Căn hộ RMP do văn phòng Triplex Arquitetura thiết kế.

Xem thêm hình ảnh tại đây:

Biên dịch | Đàm Thủy (Nguồn: Archdaily)

XEM THÊM:

  • Trường mầm non Sunflower – Tối ưu hóa không gian chơi & học | Công ty liên doanh Sunjin Vietnam
  • Mối nguy hiểm nào cho trẻ em sống trong những tòa nhà cao tầng?
  • Những chiếc ghế tăng tập trung và trí nhớ cho trẻ em

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020