Chuyên mục  


Dấu ấn kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc lưu lại trong lòng thủ đô đã tạo nên một Hà Nội với nét đẹp rất riêng, ấn tượng không chỉ với người dân mà còn với bạn bè quốc tế. Hãy cùng khám phá các công trình kiến trúc Pháp thuộc dưới đây để thấy được một “màu” rất riêng của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhà thờ Lớn Hà Nội (Nhà thờ Thánh Joseph)

Mang đậm nét nhất những đặc trưng của kiến trúc Gothic châu Âu với bức tường xây cao, có mái vòm và nhiều cửa sổ, đã từ lâu, Nhà thờ lớn Hà Nội là nơi lý tưởng mà các đôi uyên ương thường lui tới để chụp ảnh cưới. Với những con chiên ngoan đạo thì đây có lẽ là lễ đường tuyệt vời bởi không gian rộng lớn

Sau nhà thờ tạm bằng gỗ, từ năm 1884 tới 1888, Giáo hội Công giáo tiến hành xây nhà thờ bằng gạch, tốn phí khoảng 200.000 franc Pháp. Khi đó, Giám mục xin chính quyền bảo hộ Pháp cho mở xổ số để quyên góp. Sau hai lần bị từ chối, cuối cùng ông cũng được chấp thuận mở hai đợt xổ số (đợt một năm 1883, đợt hai năm 1886), quyên góp được khoảng 30.000 franc Pháp, cộng với các nguồn tài trợ khác, đủ kinh phí hoàn thành nhà thờ.

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 79m, chiều rộng 28,5m và hai tháp chuông cao 64,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

Phía sảnh trong nhà thờ có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa đi và toàn bộ các cửa sổ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothic, kết hợp với các cửa cuốn nhọn là những bức tranh Thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hòa, tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong lòng nhà thờ. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh vi độc đáo. Ở tòa gian chính có tượng thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m.

Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông boòng lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp.

Trung tâm quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ bằng kim loại, xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa, phía sau có hang đá. Hiện nay toàn bộ không gian và cảnh quan nhà thờ bị chen lấn bởi sự phát triển của đô thị, mất đi sự tương xứng với quy mô đồ sộ của nhà thờ

Trải qua hơn 100 năm cùng những thăng trầm của thời gian và cả chiến tranh, Nhà thờ Lớn vẫn tồn tại và là một trung tâm hoạt động Công giáo của Thủ đô và các vùng phụ cận. Công trình được xem là kiến trúc nhà thờ tiêu biểu và là một trong những nhà thờ Công giáo đẹp nhất của Thủ đô và cả nước.

Chợ Đồng Xuân 

Chợ Đồng Xuân là một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, Việt Nam; là chợ lớn nhất trong khu phố cổ Hà Nội. Chợ có lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn.

Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân.

Cổng chợ nhìn sang phía tây, phía trước là một khoảng trống nhỏ. Phía Bắc có quán Huyền Thiên – sau đổi thành chùa Huyền Thiên. Ngay sát sau chợ là chợ Bắc Qua. Vì vậy nhiều người gọi cả hai là chợ Đồng Xuân – Bắc Qua.

Trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long vào mùa hạ năm Giáp Tí (1804), Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dưới triều đại Nguyễn đã cho đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính đông, hay còn gọi là chợ Đồng Xuân ngày nay.

Chợ Đồng Xuân tuy nằm trong khu phố cổ nhưng có tuổi đời trẻ hơn rất nhiều so với các phố xung quanh. Trước kia đây là khu đất trống thuộc phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương nằm trước quán Huyền Thiên (sau đổi thành chùa Huyền Thiên). Người dân họp chợ trên hai khu đất ở cạnh chùa Cầu Đông ở phố Hàng Đường và cạnh đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm vì hai khu đất đó gần bến sông, tiện cho thuyền đi lại.

Năm 1889, khi những dấu tích cuối của sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp hoàn toàn, người Pháp quy hoạch lại đã giải tỏa hai chợ trên và dồn tất cả các hàng quán vào khu đất trống của phường Đồng Xuân, tạo thành chợ Đồng Xuân. Trong năm đầu tiên chợ họp ngoài trời, hoặc có che mái lá giống như hai chợ cũ.

Năm 1890 chính quyền Pháp mới bắt đầu xây dựng chợ Đồng Xuân, tạo thành năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.

Cùng với Hồ Gươm, Nhà Hát Lớn hay Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, v.v, chợ đêm Đồng Xuân cũng vinh dự là một trong những địa điểm tham quan cực kỳ nổi tiếng; thu hút hàng triệu du khách trong nước lẫn quốc tế đến tham quan vào mỗi năm.

Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc tại thành phố Hà Nội, Việt Nam, phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí ở số 1A phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội,

Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp, có cách tổ chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh… giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20.

Mặc dù là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong. Ra đời muộn hơn các nhà hát ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của thành phố Hà Nội.

Nhà hát Lớn Hà Nội nằm trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, nhìn thẳng ra phố Tràng Tiền, vị trí xưa nay vẫn là khu vực sầm uất bậc nhất của thành phố. Công trình có chiều dài 87 mét, bề ngang trung bình 30 mét, phần đỉnh mái cao nhất cao 34 mét so với nền đường, và diện tích xây dựng khoảng 2.600 mét vuông. Bên phải nhà hát, khách sạn Hilton Opera nằm hơi uốn cong, cũng là một công trình do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Mang những đường nét cổ điển – như hàng cột cao, bộ mái Mansard… – khách sạn hiện đại Hilton Opera không những không phá vỡ không gian kiến trúc của quảng trường mà còn giúp tôn thêm vẻ đẹp của nhà hát.

Mặt bằng Nhà hát Lớn Hà Nội được chia thành ba phần tương đối rõ rệt. Không gian đầu tiên ngay lối vào là chính sảnh với một cầu thang hình chữ T bằng đá dẫn lên tầng hai. Đây là nơi đầu tiên đón khách tới nhà hát, gạch lát nền sử dụng loại đá vân thạch kết hợp với những họa tiết trang trí theo tinh thần cổ điển, đem lại cảm giác sang trọng. Hệ thống đèn chùm nhỏ treo trên tường được mạ đồng theo lối cổ, còn đèn chùm phía trên cao được mạ một lớp vàng bằng công nghệ hiện đại.

Ở tầng hai, phòng gương là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, lễ ký kết các văn kiện của Chính phủ hay đón tiếp các nhân vật cao cấp. Căn phòng này còn dành cho các chương trình nghệ thuật thính phòng, các cuộc họp báo hay những hội nghị mang tính chất nhỏ.Sàn phòng gương được phục chế theo kỹ thuật mosaic với đá mang đến từ Ý. Trên tường, xen giữa các cửa đi mở rộng là những tấm gương lớn. Các đèn treo, đèn chùm pha lê cùng bàn ghế mang phong cách cổ điển Pháp.

Không gian tiếp theo của nhà hát là phòng khán giả kích thước 24 x 24 mét với sân khấu lớn, ba tầng ghế, tổng cộng 598 chỗ ngồi. Căn phòng được trang trí cầu kỳ với những hàng cột thức Corinth đỡ một vòm tràn đầy màu sắc bởi những bức bích họa, xen kẽ những hình đắp nổi cùng một đèn chùm pha lê lớn dát vàng. Sàn phòng lát gạch và trải thảm, các ghế ngồi thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp thế kỷ 19. Không gian nội thất nhà hát như một sự tổng hòa của các yếu tố ánh sáng, màu sắc và âm thanh. Cuối cùng, phía sau sân khấu là 18 phòng trang điểm dành cho diễn viên, 2 phòng tập, cùng các phòng làm việc, thư viện, phòng họp.

Sau một thời gian dài bị xuống cấp, công trình lấy lại được vẻ đẹp xưa cũ sau đợt trùng tu từ năm 1995 đến năm 1997, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Pháp ngữ. Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một “ngôi đền” dành cho nghệ thuật cổ điển. Cũng như nhiều công trình kiến trúc và cả những loại hình văn hóa phi vật thể khác, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của thành phố, thời kỳ mà các nền văn hóa giao thoa lẫn nhau.

Khách sạn Metropole

Mở cửa năm 1901 tại Hà Nội, Grand Métropole Hotel, nay trở thành Sofitel Legend Metropole Hanoi là khách sạn năm sao sang trọng mang trong mình dòng chảy của thời gian. Ngày nay đây là một trong không nhiều công trình kiến trúc quý hiếm thời thuộc Pháp còn sót lại. Khách sạn có một bề dày lịch sử và một truyền thống lâu đời tiếp đón các vị khách quan trọng, trong đó phải kể đến các đại sứ, nguyên thủ quốc gia và những nhân vật nổi tiếng của giới giải trí.

Được xây dựng năm 1901 bởi 2 nhà đầu tư người Pháp, Sofitel Legend Metropole Hà Nội là khách sạn 5 sao đầu tiên và đồng thời là khách sạn lâu đời nhất ở Hà Nội.

Khách sạn có 364 phòng, được phân bổ ở hai tòa nhà. Tòa Metropole Wing lịch sử có tuổi đời từ năm 1901 được lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc Pháp cổ điểm xuyết nét đẹp truyền thống Việt Nam: sàn lát gỗ, cửa sổ có mái che, quạt trần cổ, đồ gỗ hàng trăm năm tuổi và đèn trang trí bằng sứ. Tòa Metropole Wing có 106 phòng và 3 Legendary Suites – mang tên những vị khách nổi tiếng đã ghé thăm và lưu trú tại khách sạn: Graham Greene, Charlie Chaplin, Somerset Maugham. Du khách được mời tận hưởng kỳ nghỉ của mình trong những không gian vô cùng độc đáo đậm đà bản sắc và hơi thở lịch sử này.

Tòa Opera Wing phong cách tân cổ điển sở dĩ mang tên Opera bởi nó nằm cách Nhà hát lớn Hà Nội chỉ vài bước chân. Tòa nhà kết tinh những yếu tố lịch sử và hiện đại của khách sạn, đồng thời luôn được chăm chút để bảo tồn nét đẹp di sản của khu vực trong khi bổ sung thêm công nghệ tiên tiến.

Toàn bộ 236 phòng và 19 suites ở tòa Opera Wing đều được trang bị nội thất riêng theo phong cách tân cổ điển với chất liệu vải tinh tế và ba màu đỏ, đen, trắng hài hòa. Phòng Grand Prestige Suite, với diện tích trên 170m2, gồm một phòng khách lớn, một phòng ngủ và phòng khách liền kê, một spa nhỏ xinh riêng biệt, hai phòng tắm và một phòng ăn rộng rãi.

Tầng năm, sáu và bảy, các tầng Club Metropole, là nơi quy tụ các phòng Grand Premium, sáu Prestige Suites và Grand Prestige Suite – với các dịch vụ và tiện nghi sang trọng độc quyền như quản gia riêng, trà chiều và cocktail buổi tối.

Trải qua hơn 119 năm lịch sử, Metroplol Hà Nội đã trở thành khách sạn 5 cao tầm cỡ quốc tế, được nhiều tạp chí danh tiếng như Travel & Leisure, Condé nast Traveller, Business Traveller Asia Pacific… bình chọn và đưa vào danh sách các khách sạn tốt nhất thế giới.

Tổng hợp | Đàm Thủy

XEM THÊM:

  • Chuyển đổi chợ: Bài học thành công từ Đồng Xuân, Bến Thành
  • Nhà hát Lớn Hà Nội là di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp quốc gia
  • Nhà hát Lớn – Biểu tượng “Hà Nội” nhất

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020