Chuyên mục  


Dự kiến khai trương vào ngày 12/5 tới đây, sân chơi phiêu lưu phong cách Nhật Bản tại Ecopark sẽ là nơi trẻ em được trải nghiệm cảm giác “mạo hiểm” hơn các khu vui chơi công nghiệp hiện có. Tại đây, các em có thể gặp phải các thử thách khó khăn và khác thường hơn như chơi với lửa, chơi với nước; được sử dụng những công cụ của người lớn như xẻng, búa, cưa…để thoải mái sáng tạo bất cứ trò chơi nào các em tự nghĩ ra, tự tạo ra không gian vui chơi và chia sẻ niềm vui với các bạn khác.

Một sân chơi tại Nhật Bản qua ống kính của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Kito Fujio, người dành 3 năm đi phiêu lưu khắp đất nước để chụp lại.

Những trò chơi kiểu khám phá này vốn không mới ở thế hệ ông bà, hay bố mẹ các em, khi không gian sống vẫn còn tạo ra rất nhiều cơ hội cho trẻ em tương tác với môi trường tự nhiên như trèo cây, lội ruộng, tắm mưa, đốt lửa…. Nhưng ngày nay, trẻ em đô thị lại bị gắn chặt với màn hình điện tử hay TV, sân chơi xi măng, các khu vui chơi đồ nhựa. ,Sân chơi phiêu lưu chính là đem lại một cảm giác vui chơi hoàn toàn khác, nơi trẻ được phần nào “chơi” như cách của bố mẹ, ông bà trước kia, được tự do khám phá và trải nghiệm, tự do tư duy để từ đó trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn, được trang bị thêm kỹ năng sống để “tự bảo vệ mình” trong cuộc sống sau này.

Đùa nghịch với nước là một phần không thể thiếu trong sân chơi phiêu lưu. Tại đây, khi chơi, các em có thể học những kỹ năng của những kỹ sư cầu đường, thuỷ lợi trong lương lai.

Bắt đầu được phát triển trở lại tại nhiều nước như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Úc…, sân chơi phiêu lưu được đánh giá là một mô hình sân chơi sáng tạo, kích thích sự phát triển trí tuệ của trẻ em cũng như gây dựng cho trẻ những kỹ năng xã hội quan trọng. Trong những quốc gia phát triển mô hình sân chơi này, Nhật Bản là nước thành công nhất khi riêng tại Nhật đã có 400 trên tổng số khoảng 1000 sân chơi phiêu lưu trên toàn thế giới.

Một cầu trượt dốc cao tại sân Haruno Ogawa – Nhật Bản. Tại đây nhiều em rất thích lôi xe kéo để thử trượt xuống, tuy nhiên các playworker (người quản trò) đều xuất hiện và cảnh báo nguy hiểm.
Các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành khảo sát và quyết định xây dựng sân chơi phiêu lưu đầu tiên ở Việt Nam tại khu đô thị Ecopark. Với không gian thoáng rộng nhiều cây xanh, bóng mát và nhiều trò chơi thú vị tại đây, các em nhỏ sắp có những ký ức tuổi thơ tuyệt vời khó quên.

Chuyên gia Nhật khảo sát một cây cổ thụ tiềm năng tại Ecopark có thể trở thành trung tâm cho sân chơi. Nếu nằm trong khu dân cư, sân chơi lại có những điểm rất độc đáo kết hợp với nhiều hoạt động cộng đồng sôi nổi.

Ông Hitoshi Shimamura, nhà sáng lập tổ chức Tokyo Play cho biết, sân chơi phiêu lưu được phát triển tại Nhật từ năm 1975 và đã chứng minh được tính hiệu quả của nó với trẻ em Nhật Bản. ví dụ như tại Nhật, trẻ em dù được học về lửa trên sách vở, tivi, máy tính nhiều bé chưa bao giờ có cơ hội tiếp xúc với lửa vì các gia đình đều dùng bếp từ. Nhiều em lần đầu tiên thấy lửa đã cho tay sờ thử và bị bỏng. Các trò chơi với lửa tại sân chơi phiêu lưu chính là để chuẩn bị cho những rủi ro này, để các em biết cách tự bảo vệ trước những nguy hiểm từ lửa.

Một điều thú vị nữa mà ông Hitoshi chia sẻ là hiện nay có rất nhiều workshop hướng dẫn trẻ em hoàn thiện một thành phẩm chỉ trong 2 tiếng với mục tiêu không thất bại. Trong khi đó, tại sân chơi phiêu lưu, trẻ sẽ phải tự mày mò, khám phá, thử nghiệm và thất bại là chuyện thường thấy ở đây. Thực ra thất bại không hề xấu, đó là một trải nghiệm mà trẻ em cần có để hoàn thiện bản thân mình.

Sân chơi phiêu lưu phong cách Nhật đầu tiên tại Việt Nam sẽ được đặt tại Công viên Hồ thiên nga – Khu đô thị Ecopark được thiết kế bởi các chuyên gia Nhật Bản từ tổ chức Tokyo Play và doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds với sự tham vấn từ cộng đồng và chủ đầu tư Tập đoàn Ecopark. Lần đầu tiên các cư dân của một khu đô thị có thể đưa ra nhiều ý kiến tham vấn, đề xuất ý tưởng độc đáo mới mẻ chung tay cùng với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn để cùng kiến tạo thành một sản phẩm của chính các cư dân, trên tinh thần tất cả phục vụ cho trẻ em.

PV

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020