Chuyên mục  


Cũng giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều quốc gia châu Á. Tết Nguyên đán đánh dấu một khởi đầu mới, mang đến những hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành. Dịp này người dân sẽ tề tựu đông đủ gia đình, gửi cho nhau những lời chúc và không thể thiếu “tiết mục” trang hoàng lại nhà cửa để đón một năm mới an lành. 

Tết Âm lịch (ngày đầu tiên của năm mới theo lịch âm) là ngày Tết quan trọng nhất trong năm đối với một số quốc gia châu Á, trong đó nổi bật nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Việt Nam – những nước chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo và Phật giáo.

Ở Việt Nam, Tết Âm lịch còn được gọi là Tết cổ truyền hay Tết Nguyên Đán. Trung Quốc gọi là Xuân Tiết hay Quá Niên, Hàn Quốc gọi là Tết Seollal, Nhật Bản là Oshougatsu.

Màu sắc chung của dịp Tết cổ truyền này thiên về sắc đỏ, vàng, tượng trưng cho sự may mắn, đoàn viên, đồng thời là vượng khí, tài lộc và sức mạnh cho một năm mới hanh thông. Nhưng một số món đồ tân trang lại ngôi nhà cũng có điểm khác biệt ở từng quốc gia.

Vậy lối trang trí trong ngày Tết cổ truyền ở những quốc gia Á Đông này có điểm gì nổi bật, hãy cùng đi tìm hiểu ý nghĩa của những món đồ này!

Việt Nam

Trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, người dân đã quen thuộc với nhiều món đồ trang trí như tràng pháo, câu đối đỏ, cây quất… Ngoài ra không thể thiếu những cành đào, cành mai, bông cúc và những loài hoa rực rỡ sắc màu trưng trong ngày đầu năm.

Cây nêu: Cây nêu thường được làm từ cây tre dài khoảng 5 đến 6 mét, được chặt hết lá chỉ để lại vài nhánh lá trên ngọn. Đây vừa là vật trang trí, vừa mang ý nghĩa trừ tà, xua đuổi ma quỷ. Cây tre có nhiều đốt, tượng trưng cho các bậc thang để Thần linh đi về, đồng thời mang sinh khí của đất trời giúp cho mùa màng tươi tốt.

Cây nêu

Cây nêu thường được trồng trước sân mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán. Phần thân cây có thể được trang trí bằng đèn lồng, chuông gió… Bên trên ngọn cây nêu được trang trí và treo nhiều vật dụng khác nhau tùy theo từng địa phương, dân tộc.

Cây đào, mai: đây là hai loại cây đặc trưng của 2 miền Bắc và Nam Việt Nam đều nở vào mùa xuân, biểu trưng cho hạnh phúc, may mắn và tình yêu. Màu vàng cũng được coi là màu của sự giàu sang, phú quý. Vì vậy các gia đình trưng mai, trưng đào với mong muốn năm mới phát tài, giàu sang.

Hoa mai và hoa đào

Trung Quốc

Tại Trung Quốc, Tết âm lịch là ngày quan trọng nhất trong năm, mở đầu một năm mới. Người dân sẽ chuẩn bị một buổi tiệc và cúng bái tổ tiên để xua đuổi những điều không may. Màu được ưa thích là màu đỏ. Vì vậy, hầu hết các đồ vật trang trí cho ngày Tết tại Trung Quốc hầu hết là màu đỏ.

Đèn lồng đỏ: Đèn lồng theo quan niệm có thể xua đuổi được vận đen, tượng trưng cho sự đoàn tụ, hạnh phúc. Ánh sáng của đèn lồng sẽ dẫn lối cho may mắn và tốt lành vào nhà.

Đèn lồng đỏ

Câu đối đỏ: Trung Quốc là cái nôi của Nho giáo coi trọng lễ nghĩa. Vì vậy bộ câu đối đỏ không chỉ thể hiện cho trí tuệ, gửi lời chúc đến mọi người mà còn mang ý nghĩa cầu cho năm mới gặp nhiều may mắn, bình an, rước lộc vào nhà.

Câu đối đỏ

Cắt giấy đỏ: Người dân miền Bắc và miền Trung Trung Quốc thường cắt giấy đỏ để dán vào cửa ra vào và thường thể hiện mong muốn lên trên giấy. Các thiết kế của cắt giấy hầu hết là ảnh hoàng đạo của năm mới và các chữ phúc, lộc, thọ hoặc các hình ảnh tượng trưng như quả đào cho sự trường thọ, quả lựu cho sự màu mỡ, tốt tươi, cây tùng tượng trưng cho tuổi trẻ vĩnh cửu, hoa mẫu đơn tượng trưng cho vinh hoa phú quý, chim đậu trên cành cây mận mong cầu điều may sẽ sớm xảy ra…

Cắt giấy đỏ

Chữ Phúc dán ngược: Chữ phúc được viết thư pháp trên nền đỏ nhưng được dán ngược bởi khi dán ngược có nghĩa là “Phúc đảo”. Trong đó, đảo (倒) là từ đồng âm với đáo (到), nghĩa là “Phúc đáo” – Phúc đến nhà.

Chữ phúc dán ngược

Tràng pháo: Âm thanh của pháo vừa báo hiệu một năm mới đến vừa giúp xua đuổi tà ma, xua tan những điều xui xẻo. Một số gia đình vẫn treo tràng pháo giấy đỏ mong muốn một năm mới bình an.

Tràng pháo

Nhật Bản

Kể từ năm 1873, Nhật Bản đã quyết định lấy ngày 1/1 dương lịch hàng năm là ngày đầu năm mới. Tuy nhiên người dân vẫn lưu giữ những phong tục cổ truyền của ngày Tết âm lịch trước đó. Trong văn hóa của đất nước mặt trời mọc, những đồ trang trí Tết gọi là shogatsukarazi. Một số shogatsu kazari thường được trang trí trước cổng và trong nhà như:

Kadomatsu: làm từ thông và tre. Người Nhật Bản quan niệm thông là nơi trú ngụ của các vị thần, tre mang đến sức sống và thịnh vượng. Kadomatsu thường đặt ở cửa nhà hoặc cửa chính để mời các vị thần mang may mắn, hạnh phúc đến cho gia chủ.

Kadomatsu

Shimekazari (sợi dây thiêng treo cửa): Đây cũng là vật trang trí không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Nhật. Shimekazari được kết từ loại dây linh thiêng của người Nhật cùng các vật trang trí khác như cam đắng, thông và không thể thiếu một dải giấy trắng. Có nhiều cách trang trí shimekazari tùy thuộc vào cảm hứng của mỗi gia đình nhưng chúng đều mang ý nghĩa trừ đuổi ma quỷ và chào đón những vị thần linh vào nhà.

Shimekazari

Kagami mochi hay còn gọi là bánh dày hình gương: người Nhật cho rằng những chiếc gương đồng dày là nơi cư ngụ của các vị thần. Vì vậy, người dân ở đây đã làm ra những chiếc bánh dày tròn nhỏ để trang trí trên một chiếc khay nhỏ bằng gỗ và dán thêm những dải màu hình vuông.

Kagami mochi

Hàn Quốc

Tết Seollal và Tết trung thu là hai dịp lễ quan trọng nhất với người Hàn Quốc. Trong những ngày Tết, người Hàn Quốc chuộng những màu sắc rực rỡ và cũng sử dụng những vật dụng đặc trưng để hy vọng về một năm mới đong đầy sức khỏe và tài lộc.

Bok jo ri (Xẻng bằng rơm) thường được treo trước cổng nhà trong dịp Tết. Họ quan niệm những chiếc xẻng lộc này với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa đồng nghĩa với việc sẽ nhận được nhiều tài lộc. Nhiều người còn cho rằng nếu mời được người bán bok jo ri dạo vào nhà thì tài lộc cũng tăng lên.

Bok jo ri

Hình dán trang trí: Người Hàn Quốc cũng muốn tô điểm cho ngôi nhà của mình thêm phần rực rỡ bằng cách tự tay dán những hình vuông nhỏ thành dải trên cửa để khách đến thăm nhà có thể viết lời chúc lên đó. Ngoài ra còn dán những tranh vẽ các vị tiên và các con vật có sức mạnh để cầu phúc và xua đuổi tà ma.

Những mảnh giấy dành để viết lời chúc

Dù là những món đồ trang trí khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là thể hiện ước muốn của gia chủ: đầy đủ sức khỏe, xua đuổi tà ma, tránh điều xui rủi và cầu phúc lộc tài. 

Tổng hợp: Vũ Hương

Bình luận từ Facebook

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020