AD House là một thiết kế hoàn toàn ”mở” và “thở”, kết nối giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên, giữa tự nhiên và tổng thể hài hòa của đô thị theo phương đứng và phương ngang.
Thông tin công trình:
- Tên công trình: AD House
- Diện tích: 275m2
- Thiết kế: Tran Trung Architects
- Kiến trúc sư trưởng: Trần Trung
- Nhóm thiết kế: Trần Trung, Viết An, Đình Khôi
- Chủ đầu tư: Cao thị Anh Đào
- Năm dự án: 2021
- Địa điểm: Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Việt Nam
- Nhiếp ảnh gia: Hoàng Lê
Thuyết minh của KTS:
Trong những năm gần đây, Đà Nẵng là thành phố phát triển năng động có mật độ xây dựng công trình rất cao, được cho là một trong những đại công trường lớn bậc nhất Việt Nam. Theo đó là sự ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, nhưng thiếu đi không gian cho những mảng xanh, nơi con người gần gũi hòa mình vào bầu không khí trong lành sau những giờ làm việc căng thẳng.
Khu đất xây dựng của AD House cũng nằm trong bối cảnh các ngôi nhà nằm san sát nhau trong khu đô thị mới phát triển, đưa ra đề bài khó cho việc thiết kế một công trình hoàn toàn ”mở” và “thở”, kết nối giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên, giữa tự nhiên và tổng thể hài hòa của đô thị theo phương đứng và phương ngang.
Đội ngũ KTS muốn giải quyết vấn đề từ ngoài vào trong thật thấu đáo mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cho ngôi nhà. Ở bên ngoài, hệ vỏ bọc bao che được đóng kín 2 lớp có những ô trống và lớp đệm thiên nhiên nhằm hạn chế tối đa ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp và mưa tạt vào bên trong các phòng, để từ đó thiên nhiên có thể luồn lách vào tận từng ngóc ngách của không gian sống.
Công trình sẽ được bảo vệ tốt nhất đồng thời vẫn nhận đầy đủ lượng ánh sáng cần thiết và lượng gió lưu thông làm sạch bầu không khí ở bên trong. Kiến trúc lúc này không còn bị phụ thuộc bởi bối cảnh xung quanh nữa, mà đã tự tạo ra cho mình cảnh quan riêng ngay trong nội tại. Liên kết giữa con người và tự nhiên bên ngoài liên tục tại mọi thời điểm và cảm nhận được sự thay đổi của thời gian cũng như thời tiết trong ngày một cách rất trực tiếp.
Ở bên trong, với kích thước khu đất hạn chế, thay vì sử dụng hết, đội ngũ KTS đã chừa khoảng sân ở các vị trí trước, giữa và sau nhà, thay vì vẽ nên những căn phòng rộng quá khổ so với nhu cầu sử dụng, các KTS tạo nên một không gian thông tầng lớn phân chia ngôi nhà để dành một nửa cho nắng, gió, cây xanh và khoảng trống, nửa còn lại sẽ dành cho sinh hoạt gia đình với các tiện ích vừa đủ ở mức tối thiểu nhằm tạo nên sự kết nối giữa con người với con người theo phương đứng và phương ngang thông qua các cửa kính lớn mở hướng vào giữa nhà. Các khoảng trống đó nay đã trở thành chủ thể chính của ngôi nhà, là nơi cha mẹ và con cái có thể giao tiếp với nhau ở mọi ngóc ngách.
Công trình kiến trúc như một cơ thể sống cũng cần phải “hít thở” dung nạp cho mình thật nhiều nguồn năng lượng tích cực thì mới có thể cân bằng và duy trì sự sống ở bên trong.
Xem thêm hình ảnh:
XEM THÊM:
- Thô ráp mà tinh tế, ngôi nhà tại Vinh khơi gợi khám phá mới mẻ trong cấu trúc không gian sống truyền thống
- Tính riêng – chung linh hoạt của khối kiến trúc mộc mạc nép mình giữa rừng thông Ba Vì
- “Cũ” và “mới” giao hòa trong không gian nhà ở nông thôn Bắc Bộ